Ứng dụng công nghệ số để người dân tiếp cận pháp luật mọi lúc, mọi nơi
Bản tin ICT - Ngày đăng : 16:57, 08/12/2020
Thực hiện Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021, Bộ tư Pháp chủ trì phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức tọa đàm Chuyển đổi số (CĐS) trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
CĐS giúp phổ biến pháp luật đến mọi người dân
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: Năm 2020 là năm khởi động CĐS quốc gia. Điều này đã được khẳng định trong các văn bản, chủ trương lớn của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 52 và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phân tích: "CĐS là một cách thức tiếp cận mới. Thực ra trước đây chúng ta làm tuyên truyền phổ biến pháp luật đã lâu, hiệu quả nhưng sự phát triển của công nghệ cho phép chúng ta giải quyết được một số bài toán mà trước đây không có công nghệ thì chúng ta sẽ khó khăn hơn, cần nhiều nỗ lực, chi phí hơn để giải quyết".
Thứ trưởng cho rằng công nghệ số cho phép giải quyết được vấn đề rất lớn, cho phép chúng ta hiện diện bất cứ khi nào người dùng cần, hiểu được cái mà người dùng muốn, đưa ra được những nội dung mà người dùng cần và cá thể hóa đến từng người dùng.
"Nếu như trước đây các công tác của chúng ta chủ yếu mang tính đại chúng thì khó đi sâu vào nhu cầu của từng người. Nay công nghệ số cho phép thấu hiểu đến từng người, từng cá thể, cho phép chúng ta đáp ứng từng nhu cầu cá thể tốt hơn. Nguyên lý này vận vào kinh doanh cũng được, vận vào hành chính cũng được mà vận vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng rất tốt", Thứ trưởng cho biết.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam có những nền tảng công nghệ mạng xã hội Việt Nam mà nhiều người Việt đang dùng như mạng xã hội Zalo hiện có 60 triệu người dùng. Trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, một trong những cách tuyên truyền phổ biến, hiệu quả cho người dân là thông qua Zalo, cho phép thực hiện cá thể hóa tin nhắn nhận được phụ thuộc vào mối quan tâm của từng người.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Thứ trưởng cũng cho biết Bộ TT&TT đã áp dụng công nghệ AI để tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã giúp hiệu quả tuyên truyền đạt mức cao. Đây là lợi thế mà công nghệ số có thể mang lại.
"Thông qua nền tảng công nghệ số giúp chúng ta tiếp cận được nhiều người dân hơn, công tác tuyên truyền hiệu quả, chi phí phù hợp hơn", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Bộ TT&TT đặt mục tiêu mỗi người dân 1 smartphone, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang. Smartphone theo mọi người dân mọi lúc mọi nơi. Việc lan toả, phổ biến giáo dục pháp luật trên kênh smartphone sẽ là trận địa truyền thông rất quan trọng.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết với mục tiêu của Bộ TT&TT đã đưa ra mỗi người dân một chiếc smartphone. Do vậy, cần thông qua những thiết bị di động này để đưa kiến thức pháp luật tới từng người dân. Điều này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Đây chính là giá trị mà kỷ nguyên số mang lại cho chúng ta.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: Hiện nay, trong cuộc CMCN 4.0, thực hiện xây dựng chính phủ điện tử, CĐS vào hoạt động KT-XH quản lý nhà nước là xu thế.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, phổ biến giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên trong tổ chức thi hành pháp luật. Việc phổ biến giáo dục pháp luật không chỉ dừng lại ở hoạt động thông tin đơn thuần đến người dân. Yêu cầu của Trung ương là công tác phổ biến giáo dục phải làm thay đổi thói quen, nhận thức của người dân.
Phổ biến giáo dục pháp luật là lĩnh vực tác động đến mọi chủ thể, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN), trong mọi lĩnh vực và vùng miền, với những vấn đề chung và cả đặc thù riêng của mỗi người dân, DN. Để thực hiện thành công CĐS trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, bên cạnh sự quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước, cần phải có sự đồng thuận và vào cuộc của mọi chủ thể trong xã hội.
CĐS để phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng
Theo định hướng của lãnh đạo hai Bộ Tư pháp và Bộ TT&TT, đại diện, Cục CNTT - Bộ Tư pháp cũng khẳng định nhờ vào những tiến bộ công nghệ và thị trường công nghệ cao đầy tính cạnh trong trong những năm gần đây, di động đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống người Việt.
Di động tiếp tục có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của người dùng, góp phần xây dựng nên hình ảnh người Việt Nam hiện đại. Không chỉ vậy, di động còn là nhân tố chính góp mặt trong mọi chiến dịch quảng bá thành công và vì thế càng phải nhanh chóng tìm cách "mở khoá" nền tảng đầy tiềm năng này.
Theo đó, Cục CNTT - Bộ Tư pháp cho biết phải xây dựng giải pháp xây dựng hệ thống thông tin phổ biến giáo dục pháp luật phục vụ/đáp ứng yêu cầu vận hành hệ sinh thái phổ biến giáo dục phát luật trên thiết bị di động tại Việt Nam. Để xây dựng hệ thống này, các hạng mục công việc được đề xuất là xây dựng Cổng thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật phiên bản web và di động.
Để phổ biến giáo dục pháp luật trên smartphone, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Tổng Giám đốc VNPT-IT đề xuất nghiên cứu mô hình tổng quan hệ thống LMS (Learning Management System), phần mềm giúp phân phối các tài liệu học e-learning tới số lượng lớn học viên, đồng thời hỗ trợ nhà quản lý dễ dàng theo dõi, điều chỉnh và đánh giá quá trình đào tạo một cách hiệu quả.
Để CĐS trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa đề xuất 3 giải pháp, gồm: (1) Phát triển nền tảng để người dân, DN, cơ quan nhà nước tra cứu pháp luật dưới dạng hỏi - đáp tình huống; (2) Phát triển nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp lý luật từ xa; (3) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Việc đào tạo, bồi dưỡng có thể sử dụng các nền tảng quản lý dạy và học trực tuyến.