Hàn Quốc tăng cường kiểm soát các nhà cung cấp nội dung trực tuyến
Phát thanh truyền hình - Ngày đăng : 10:08, 08/12/2020
Các quy định mới có hiệu lực từ ngày 10/12 tới áp dụng cho các công ty cung cấp nội dung trực tuyến, chiếm 1% hoặc hơn tổng lưu lượng dữ liệu sử dụng ở Hàn Quốc trong 3 tháng cuối năm này. Về cơ bản, những quy định này sẽ nhắm đến các nhà cung cấp nội dung trực tuyến toàn cầu như Netflix, Google và Facebook, cũng như các công ty trong nước như Naver và Kakao.
Nếu không đáp ứng những quy định mới này, các công ty trên có thể phải đối mặt với khoản phạt hành chính lên tới 20 triệu Won (18.350 USD).
(Ảnh minh họa)
Luật sửa đổi được đưa ra khi gần đây hai gã khổng lồ phát nội dung trực tuyến toàn cầu Netflix và Google, công ty điều hành kênh YouTube đang bị giám sát do ngày càng có nhiều khiếu nại về dịch vụ của họ.
YouTube phải đối mặt với những lời chỉ trích ở Hàn Quốc sau khi dịch vụ của họ ngừng hoạt động trong nhiều giờ vào tháng trước, trong khi một nhà lập pháp đảng cầm quyền cáo buộc Netflix đã không có phản ứng thích hợp với các vấn đề về dịch vụ xảy ra hồi tháng 5 và tháng 6 năm nay.
Trong thời gian qua, hai công ty này đã tăng cường sự hiện diện của mình tại Hàn Quốc. Theo công ty theo dõi thị trường IGAWorks, người Hàn Quốc ước tính dành trung bình gần 30 giờ trên YouTube trong tháng 9. Trong khi đó, dữ liệu nghiên cứu của WiseApp cho thấy số thuê bao đăng ký trả phí của Netflix ở Hàn Quốc đã lên tới 3,6 triệu tính đến tháng 10.
Theo luật sửa đổi, các công ty này sẽ phải cung cấp dịch vụ ổn định cho người sử dụng. Tuy nhiên, khoản tiền phạt tương đối nhỏ đã khiến một số người chỉ trích băn khoăn về hiệu quả của luật sửa đổi.
Một quan chức Bộ Công nghệ Thông tin - Truyền thông Hàn Quốc lý giải: "Bản thân việc sửa đổi luật có ý nghĩa hơn là số tiền phạt. Không có cách nào để buộc các công ty này phải chịu trách nhiệm về việc không cung cấp dịch vụ ổn định. Khi ảnh hưởng của các nhà cung cấp nội dung trực tuyến tăng, họ cần phải chịu trách nhiệm lớn hơn".
Trước đó, Hàn Quốc cũng có những biện pháp xử lý đối với mạng xã hội Facebook khi đơn vị này vi phạm luật bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc. Theo đó, Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân (PIPC) của Hàn Quốc ngày 25/11 đã phạt Facebook Inc. 6,7 tỷ won (6,06 triệu USD) vì chuyển thông tin của ít nhất 3,3 triệu trong tổng số 18 triệu người dùng Hàn Quốc từ tháng 5/2012 đến tháng 6/2018 cho các nhà khai thác khác mà không có sự đồng ý của người dùng Hàn Quốc. Đây là hình phạt đầu tiên của Ủy ban trên đối với Facebook kể từ khi PIPC mở cuộc điều tra mạng xã hội này vào tháng 8 năm nay.
Hàn Quốc xử phạt Facebook khi đơn vị này vi phạm luật bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc.
Ủy ban cho biết khi người dùng đăng nhập vào các dịch vụ của công ty khác bằng tài khoản Facebook, thông tin cá nhân của bạn bè trên Facebook của người dùng cũng được chia sẻ cho các nhà khai thác khác mà không có sự đồng ý của họ.
Những thông tin cá nhân được Facebook chia sẻ với các công ty khác bao gồm tên, địa chỉ, ngày sinh, kinh nghiệm làm việc, quê quán và tình trạng hôn nhân của người dùng.
Theo PIPC, số lượng thông tin được chia sẻ là không rõ ràng do Facebook không cung cấp những tài liệu liên quan. Tuy nhiên, PIPC cho rằng một lượng đáng kể thông tin cá nhân người dùng có thể đã được chia sẻ dựa trên ước tính rằng số thông tin đó có thể được cung cấp cho tối đa khoảng 10.000 công ty khác.
Ủy ban này cho biết thêm họ sẽ chuyển hồ sơ điều tra Facebook Ireland Ltd. - công ty phụ trách các hoạt động của Facebook tại Hàn Quốc từ tháng 5/2012 đến tháng 6/2018 sang cơ quan điều tra để khởi tố vụ án hình sự.
Giám đốc phụ trách quyền riêng tư của người dùng tại Facebook Ireland có thể phải đối mặt với án 5 năm tù giam hoặc bị phạt tối đa 50 triệu won nếu bị kết tội vi phạm luật bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc.
PIPC cũng cho biết Facebook đã bất hợp tác trong cuộc điều tra của mình vì mạng xã hội này đã gửi tài liệu không đầy đủ hoặc sai sự thật. Cũng trong ngày 25/11, Ủy ban đã phạt Facebook 66 triệu won vì giao tài liệu sai lệch.
Trước đó, vào năm 2018, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc, cơ quan quản lý viễn thông của Hàn Quốc, đã bắt đầu điều tra Facebook trước khi giao vụ việc này cho PIPC.