Làm sống lại doanh nghiệp thời khủng hoảng
Quản trị - Ngày đăng : 18:33, 05/12/2020
Mới đây, ASUS đã phối hợp cùng các chuyên gia tổ chức toạ đàm: "Làm sống lại DN thời khủng khoảng" vào ngày 2/12/2020 tại TP. HCM.
Buổi tọa đàm cung cấp các thông tin hữu ích cho DN về bức tranh tổng quan kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng; báo cáo khảo sát của IDC về các hình thức làm việc ứng biến trong giai đoạn bình thường mới cũng như nhu cầu các trang thiết bị CNTT cho DN.
Bức tranh kinh tế toàn cầu 2020 và vai trò của DN nhỏ và vừa (SME)
Tổng quan về GDP toàn cầu dự báo sẽ suy giảm 5,2% vào năm 2020. Đây là cuộc suy thoái toàn cầu mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, bất chấp nỗ lực của các chính phủ qua chính sách tài khóa và tiền tệ. Nhìn chung hầu hết các nền kinh tế lớn đều chịu thiệt hại khiến các nhu cầu mua sắm và hàng hóa sụt giảm. Dự báo năm 2021, GDP sẽ tiếp tục giảm hơn 3,25%, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng đáng kể vì nhu cầu giảm hơn 7%, đầu tư kinh doanh giảm khoảng 13%.
Tại Việt Nam, sự ảnh hưởng này của tác động lên 85.600 DN phải tạm ngưng hoạt động. Gần 43% DN có lợi nhuận sụt giảm từ 21 – 49%. Suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tới nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm sụt giảm chỉ đạt 80,6% so với năm ngoái. Tuy nhiên, trái ngược với con số tăng trưởng âm của toàn cầu, tốc độ tăng trưởng Việt Nam không cao nhưng vẫn đạt mức dương GDP 2,12% trong 9 tháng đầu năm 2020, vẫn tạo những điểm sáng lạc quan trong bức tranh chung.
Số lượng các DN Việt Nam tính theo quy mô lần lượt đạt 17.000 DN lớn, 211.185 DN nhỏ, 382.444 DN nhỏ và cực nhỏ. Theo đó, các DN SME đóng góp khoảng 40% vào tổng GDP cả nước. Vì vậy, có thể thấy sự sống còn của những DN SME là chiếm một phần không nhỏ cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong các năm tiếp theo
Dự báo trong năm 2021, nhờ chính sách kiềm chế dịch hiệu quả, kinh tế Việt Nam sẽ được đánh giá lạc quan về tăng trưởng. Quỹ tiền tệ IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021 với GDP đạt 6,5%, cao hơn đánh giá nội bộ từ Việt Nam. Cũng gần đây, ngân hàng thế giới (WB) cũng đánh giá Việt Nam là điểm sáng kinh tế dẫu cho ảnh hưởng từ Covid.
Để đạt được các mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng các DN cần phải đổi mới tư duy, phương thức kinh doanh mới để ứng biến với giai đoạn "bình thường mới"
Mô hình làm việc lai (Hybrid) và linh động (Flexibility)
Việc giãn cách xã hội liên tục & bất ngờ đã khiến mô hình làm việc từ bất kể nơi nào thành quy tắc, mở rộng giới hạn làm việc của văn phòng hiện hữu. Các tổ chức không có lựa chọn nào khác ngoài việc đón nhận một mô hình làm việc lai (Hybrid) và linh động (Flexibility) nhằm duy trì hoạt động kinh doanh liên tục trong giai đoạn bình thường mới.
Theo báo cáo của IDC, đa số các DN tại Việt Nam (75%) tin rằng họ đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về làm việc linh động do đại dịch COVID-19. Trong đó, máy tính xách tay và điện thoại thông minh là yêu cầu quan trọng cần đầu tư đối với DN để phù hợp với mô hình làm việc lai (Hybrid).
Việc trang bị công nghệ thích hợp để hỗ trợ nhân viên làm việc từ xa đóng vai trò then chốt để mang đến cho nhân viên trải nghiệm tích cực và nâng cao năng suất lao động. Quyết định mua sắm thiết bị - cụ thể là máy tính xách tay –-cần được đánh giá lại để phù hợp với nguyện vọng của nhân viên, đặc biệt là thế hệ lao động trẻ với khả năng nhạy bén hơn về kỹ thuật số và có yêu cầu sắp xếp công việc linh hoạt hơn.
Báo cáo từ IDC đã chỉ ra các những mối quan tâm hàng đầu liên quan đến máy tính giữa DN và nhân viên như:
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện Doanh Nhân MVV chia sẻ: "Điểm mạnh của DN Việt chính là khả năng thích ứng nhanh, nhạy bén với thị trường. Thêm vào đó, tỷ lệ DN trẻ lớn dễ dàng đón nhận cái mới, kiên trì theo đuổi mục tiêu. Tuy nhiên, ở Việt Nam chủ yếu là doanh chủ chứ chưa phải doanh nhân thật sự, họ còn thiếu kỹ năng quản trị và chưa tận dụng được nguồn lực tự có, bên cạnh đó năng suất lao động của người Việt vẫn còn thấp".