Việt Nam cần đi đầu thế giới về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
Diễn đàn - Ngày đăng : 07:56, 04/12/2020
Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là cấp thiết
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Chương trình cũng nêu rõ 8 lĩnh vực cần ưu tiên CĐS bao gồm lĩnh vực giáo dục.
Tại phiên họp, các biểu đã thống nhất nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết đối với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, phải đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu đặt ra, trong đó cần chú trọng nguồn nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) trình độ cao, cán bộ quản lý kinh doanh giỏi, công nhân kỹ thuật lành nghề, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là cấp thiết.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "CĐS mới có thể thay đổi lớn cho GD&ĐT. Trước đây giáo viên tập trung cho dạy học, giờ đây giáo viên chuyển sang thành người hướng dẫn nhiều hơn, học sinh thay vì học xong làm, thì bây giờ làm nhiều hơn, làm để học. CĐS làm cho việc học kiến thức dễ hơn thông qua việc học cả đời và tự học. Việc dạy kỹ năng sẽ quan trọng hơn".
"Đổi mới sáng tạo sẽ quyết định tương lai của một quốc gia nên việc học giờ đây là học nhiều về tư duy phản biện, cách phát hiện vấn đề, khởi nghiệp dường như quan trọng hơn kiến thức. Tính toàn cầu của GD&ĐT, nhất là giáo dục đại học mạnh mẽ hơn trước đây", Bộ trưởng khẳng định.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng: "Covid-19 là cơ hội lớn để CĐS. GD&ĐT nên là điểm đột phá cho CĐS quốc gia, mà trung tâm là nền tảng (platform) để kết nối không gian thực của GD&ĐT với không gian ảo, để đảm bảo được chúng ta có những bước tiến xa, mạnh chưa từng có".
Đề xuất chuyển đổi số trong giáo dục theo 3 trụ cột
Trao đổi về CĐS cho GD&ĐT, GS. TSKH. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, Viện John von Neumann, Viện KHCN tiên tiến Nhật Bản cho rằng: CĐS đơn giản là chuyển hoạt động của chính quyền của nền kinh tế, xã hội lên môi trường số. CĐS giáo dục đơn giản là chuyển đổi hoạt động dạy lên môi trường số bởi cốt lõi của giáo dục là dạy và học. Dạy và học cách đây mấy chục năm là môi trường vật lý - môi trường thực, còn môi trường số hiện nay là môi trường thực, số kết nối với nhau. Điều cơ bản là trên đó rất nhiều cơ hội số, giáo dục phải nhìn ra những cơ hội, thách thức trong việc dạy và học
Theo đó, CĐS trong GD&ĐT cần thực hiện 3 trụ cột chính là: Thay đổi kiến thức; Phương pháp dạy, học; Học liệu số. Đây là 3 trụ cột cốt lõi trong việc CĐS giáo dục.
GS. TSKH. Hồ Tú Bảo cũng cho rằng cần xác định rõ giáo dục ICT ở bậc phổ thông căn bản là để cung cấp những kiến thức và kỹ năng số thiết yếu (digital literacy) cho người lao động ở mọi ngành nghề. Nội dung ICT cần được điều chỉnh, hướng đến số đông, tránh sớm tạo các môn học sâu, thu hút nhiều học sinh giỏi chọn ngành CNTT khi đi vào đạo học, tạo nên sự mất cân đối giữa các lĩnh vực trong một tương lai gần.
Theo ông Hồ Tú Bảo, cần đưa môn lập trình máy tính vào sớm, cân nhắc thay Pascal bằng Python do đây là ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng phổ biến nhất hiện nay và có nhiều ứng dụng trong lập trình cho các công nghệ số.
Phát triển hệ sinh thái cho G&ĐT
Để thúc đẩy CĐS trong GD&ĐT, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng điều hành Cục Tin học hoá - Bộ TT&TT cho biết cần phải thúc đẩy hệ sinh thái EdTech trong giáo dục Việt Nam.
Theo đó, GD&ĐT cần xem xét ứng dụng công nghệ vào 6 vấn đề là: (1) tạo lập học liệu số; (2) thay đổi phương thức dạy, học, hình thành giảng viên số, học viên số; (3) hình thành môi trường học tập số; (4) phát triển nền tảng giáo dục số; (5) phát triển hệ sinh thái số và (6) quản lý giáo dục.
Ông Đỗ Công Anh thông tin: Hệ sinh thái Edtech của Việt Nam năm 2020 hiện theo các nhóm: trẻ em dưới 6 tuổi; học sinh từ lớp 1 – 12; sinh viên đi học; hệ thống quản lý và đơn vị đào tạo. Việt Nam đã có 7 sản phẩm Edtech đã đi ra thế giới.
Tuy nhiên, quy mô thị trường Edtech của Việt Nam hiện nay vẫn tương đối nhỏ, đang phân mảnh và thiếu mô hình Edtech chất lượng cao.
Cũng theo ông Đỗ Công Anh, thị trường EdTech vẫn rất tiềm năng bởi dân số trong độ tuổi đi học là 25 triệu người, chi tiêu cho giáo dục trong gia đình là 40%. Thị trường này có giá trị 2 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng kép .
Theo đó, để CĐS trong GD&ĐT, ông Đỗ Công Anh đề xuất cơ quan quản lý nhà nước làm 3 nội dung: (1)Tạo hành lang pháp lý, công nhận viện dạy và học trên môi trường mạng; cho phép thử nghiệm và đánh giá đối với các mô hình giáo dục mới và chưa có tiền lệ; bảo vệ bản quyền và thông tin cá nhân;… (2) Tạo lập nền tảng giáo dục số quốc gia: cho phép chia sẻ, khai thác để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái giáo dục số; (3) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức.
"Chỉ cần được hành lang pháp lý bảo vệ, có nền tảng làm bệ đỡ, có thị trường cạnh tranh bình đẳng, DN Edtech sẽ có thể tự do sáng tạo, phát triển và không thua kém DN Edtech thế giới", Phó Cục trưởng Đỗ Công Anh cho biết.
5 vấn đề then chốt để CĐS giáo dục
Sau khi lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học đóng góp tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "CĐS trong GD&ĐT đầu tiên là quyết tâm chính trị".
Bộ trưởng thống nhất với các đại biểu là cần phải có một Nghị quyết chính trị về CĐS. Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất và trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Sau khi có Nghị quyết, theo Bộ trưởng, cần phải có Chiến lược CĐS ngành GD&ĐT. Hai việc này phải hoàn thành trong quý I năm 2021. "Đây là cơ hội mà ngành GD&ĐT cần nắm bắt để CĐS. CĐS phải quyết liệt, quyết tâm".
Thứ hai, để CĐS trong GD&ĐT, theo Bộ trưởng, phải có một số quyết định mang tính thể chế, như cho phép giáo viên phổ thông sử dụng video của 1 giáo viên dạy giỏi để trình chiếu, học và từ đó giáo viên giảng dạy có thể hướng dẫn thêm cho học sinh.
Thứ ba, sau khi có Nghị quyết, thể chế cần phải có công cụ, đó là nền tảng (platform). Lợi thế của việc sử dụng nền tảng là cùng dùng càng giỏi, mà không phải ai đào tạo cả. Công cụ quan trọng nhất của CĐS cho GD&ĐT là nền tảng.
Thứ tư, CĐS cho GD&ĐT phải bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng. Bảo đảm ATTT mạng, hiện nay, Việt Nam đã có công cụ trong tay. Các bộ, ngành, địa phương trong năm 2020 đã triển khai xong mô hình bảo vệ ATTT 4 lớp, đạt 100%.
Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh: thông qua CĐS GD&ĐT để phát triển DN công nghệ số và đưa DN công nghệ ra nước ngoài để phát triển thịnh vượng Việt Nam, chinh phục thế giới. "Việt Nam nên đi đầu về CĐS GD&ĐT, đi đầu trong nhóm các nước đi đầu thế giới".
Bộ trưởng cho biết trong lúc xây dựng chiến lược CĐS cho GD&ĐT cần có một số trường đại học quyết liệt CĐS. Bộ TT&TT đã giao Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (BCVT) thuộc Bộ TT&TT triển khai CĐS và phải hoàn thành trong quý I năm 2021. Học viện Công nghệ BCVT phải trở thành quốc gia thu nhỏ về CĐS. Bộ TT&TT đã giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng làm trưởng Ban chỉ đạo nội dung này.
Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ họp với một số DN công nghệ để tháng 6/2021 sẽ công bố nền tảng CĐS cho giáo dục.
Bộ trưởng khẳng định: "Làm tốt câu chuyện CĐS cho GD&ĐT thì giải quyết nhiều việc khác cho đất nước, như kết nối các DN công nghệ tham gia vào GD&ĐT, thu hút được các nhà khoa học nước ngoài tham gia vào giảng dạy trong nước…".