Hơn 1 tỷ người trên thế giới sẽ được phủ sóng 5G vào cuối năm 2020
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 18:44, 03/12/2020
5G là thế hệ công nghệ di động được triển khai nhanh nhất từ trước đến nay
Theo báo cáo Di động mới nhất (Mobility Report) của Ericsson, đến năm 2026, cứ 10 thuê bao di động thì có 4 thuê bao 5G. Tốc độ tăng trưởng thuê bao và tốc độ mở rộng vùng phủ 5G hiện tại khẳng định rằng 5G là thế hệ công nghệ kết nối di động được triển khai nhanh nhất từ trước đến nay.
Theo ước tính của báo cáo, đến cuối năm 2020, hơn 1 tỷ người - 15% dân số thế giới - sẽ được phủ sóng 5G. Đến cuối năm nay, dự kiến toàn thế giới sẽ có 220 triệu thuê bao 5G.
Đến năm 2026, dự báo 60% dân số thế giới sẽ được phủ sóng 5G và số lượng thuê bao 5G đạt 3,5 tỷ, chiếm 50% lưu lượng dữ liệu. 5G cũng sẽ là công nghệ phổ biến thứ nhì tại Đông Nam Á và châu Đại Dương vào năm 2026, chỉ sau LTE, với hơn 380 triệu thuê bao, chiếm 32% tổng số thuê bao di động.
Tại Đông Nam Á và châu Đại Dương, lưu lượng dữ liệu di động tiếp tục tăng ổn định với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) đạt 33% trong giai đoạn dự báo. Năm 2026, dự kiến tổng lưu lượng dữ liệu di động mỗi tháng sẽ lên tới 32 EB, tương đương 33 GB trên mỗi điện thoại thông minh. Các nhà mạng ở những vùng địa lý khác nhau đưa ra những gói cước đa dạng và hấp dẫn, đáp ứng sự tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dữ liệu di động.
Nửa cuối năm nay đã chứng kiến một số mạng 5G thương mại được ra mắt ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, với một số mạng đang được vận hành khai thác tại Úc, New Zealand và Thái Lan. Trong năm tới, các quốc gia như Malaysia sẽ triển khai mạng 5G sau các cuộc đấu giá phổ tần thực hiện theo kế hoạch năm 2021.
Báo cáo Di động của Ericsson nêu rõ lý do tại sao thành công của 5G sẽ không chỉ giới hạn ở phạm vi phủ sóng hoặc số lượng thuê bao. Giá trị của 5G cũng sẽ được xác định bởi các phương án sử dụng và ứng dụng mới đang từng bước hình thành. Mạng 5G sẽ hỗ trợ các công nghệ IoT thiết yếu, được sử dụng trong cho các ứng dụng có yêu cầu chặt chẽ về thời gian cung cấp dữ liệu. Nhờ đó, các mạng 5G công cộng và chuyên dụng có thể tạo ra các dịch vụ có yêu cầu chặt chẽ về thời gian cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và các đơn vị công lập trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trò chơi điện tử trên nền tảng đám mây là một loại hình ứng dụng mới nổi khác. Sự kết hợp của mạng 5G và công nghệ tính toán vùng biên mạng tiên tiến cho phép tạo ra các dịch vụ phát trực tuyến trò chơi trên điện thoại thông minh với chất lượng trải nghiệm (QoE) ngang bằng với máy tính PC hoặc máy chơi điện tử, đưa các trò chơi cuốn hút và sáng tạo lên thiết bị di động.
5G giúp Việt Nam phát huy hết tiềm năng, đẩy nhanh hành trình chuyển đổi số
Còn theo báo cáo Khai thác tiềm năng công nghệ 5G cho người tiêu dùng mới từ Ericsson ConsumerLab, đến năm 2030, giá trị thị trường 5G cho người tiêu dùng toàn cầu có thể lên đến 31.000 tỷ USD, trong đó doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) chiếm 3,7 nghìn tỷ USD - con số này có thể tăng thêm khi có thêm những cơ hội dịch vụ số mới.
Báo cáo ước tính rằng ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, các CSP có thể thu được 297 tỷ USD từ người tiêu dùng sử dụng 5G đến năm 2030. Thị trường dịch vụ băng thông rộng 5G sẽ có giá trị gần 229 tỷ USD vào năm 2030. 79% tổng doanh thu từ dịch vụ số 5G của nhà cung cấp dịch vụ, ước tính đạt 7,5 tỷ USD vào năm 2030, sẽ đến từ video và âm nhạc chất lượng cao HiFi. Các dịch vụ số 5G sẽ bao gồm video, âm nhạc, trò chơi, thực tại ảo/thực tại tăng cường và IoT cho người tiêu dùng.
Trước số liệu của các báo cáo, ông Fredrik Jejdling, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc Mạng của Công ty Ericsson, cho biết: "Trong năm nay, xã hội đã có một bước tiến lớn hướng tới số hóa. Đại dịch đã chỉ rõ tác động của kết nối đến cuộc sống của chúng ta và chính đại dịch cũng đóng vai trò chất xúc tác cho sự thay đổi nhanh chóng. Điều này cũng được thể hiện rõ ràng trong báo cáo Di động mới nhất của Ericsson".
5G đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo, khi mà các thiết bị và ứng dụng mới tận dụng tối đa những lợi ích do 5G mang lại trong khi các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục triển khai 5G. Mạng di động là một cơ sở hạ tầng quan trọng đối với nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày và 5G sẽ là chìa khóa cho sự thịnh vượng về kinh tế trong tương lai.
Còn theo nhận định của ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam và Myanmar, với độ tin cậy vượt trội, tốc độ dữ liệu cao và độ trễ thấp, 5G hứa hẹn sẽ giúp các nhà mạng tại Việt Nam quản lý hiệu quả hơn lưu lượng dữ liệu ngày càng tăng trong giai đoạn đầu, sau đó từng bước phát triển các phương án sử dụng 5G phù hợp với người tiêu dùng và các DN trong nước.
Ông Denis Brunetti cũng cho rằng: "5G sẽ giúp Việt Nam phát huy hết tiềm năng, đẩy nhanh hành trình chuyển đổi số và đón nhận cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng sẽ thúc đẩy và tạo ra làn sóng phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm ở Việt Nam, với sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phù hợp với tầm nhìn chiến lược của Chính phủ."