Tăng cường hợp tác đưa thông tin “sạch” để đẩy lùi thông tin xấu, độc
Truyền thông - Ngày đăng : 16:13, 02/12/2020
Mặc dù phần lớn các nghiên cứu, báo cáo của các cơ quan uy tín hiện nay chỉ ra rằng số lượng người truy cập vào các trang báo điện tử chính thống vẫn chiếm giữ khoảng 50% thế nhưng theo nhận định của chuyên gia, con số này chắc chắn sẽ suy giảm trong tương lai. Đây là xu hướng tất yếu trong thời đại mà truyền thông xã hội, truyền thông đa phương tiện đang lên ngôi.
Thậm chí, tại một số quốc gia, nơi niềm tin vào báo chí chính thống đang giảm sút một cách nghiêm trọng thì mạng xã hội được coi là nguồn thông tin trọng yếu bất chấp hơn 70% só người phỏng vấn không tin vào độ chính xác của chúng. Rõ ràng, việc cạnh tranh, tìm ra chỗ đứng của mình trong mạng xã hội đang là một câu hỏi lớn đối với nền báo chí mọi quốc gia trong đó có Việt Nam.
Thực tế, so với một số kênh tự phát trên mạng xã hội...có thể dễ dàng nhận ra những kênh chính thống của các tờ báo hàng đầu Việt Nam như: Tuổi trẻ, Lao động, Tiền Phong, Thanh Niên trên mạng xã hội thua thiệt về số lượng người theo dõi, lượt thích và chia sẻ, bình luận.
Như vậy, bên cạnh việc duy trì lượng người đọc trung thành trên các ấn phẩm báo chí, các dịch vụ trên mạng xã hội đang là một yêu cầu mang tính sống còn đối với đội ngũ người làm báo nước ta. Nhu cầu nhận ra là thế song mỗi tờ báo phải có hướng đi, phương pháp, chiến lược phát triển phù hợp nếu như không muốn sa vào trong vùng lầy của những thông tin sai lạc. Bên cạnh đó, việc phát triển báo chí trên mạng xã hội cần tuân thủ theo nguyên tắc của Luật Báo chí và 10 quy định đạo đức người làm báo.
Cuối cùng là việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội. Trong môi trường tương tác cao như Facebook, Youtube, các tờ báo không chỉ phải kiểm tra chất lượng thông tin đăng tải, nhưng còn phải "lọc" những nội dung phản hồi mang tính tiêu cực, phá hoại, làm sai lệch thông tin. Bởi thế việc cơ quan báo chí quan tâm đến việc phản ánh, cung cấp thông tin trên mạng xã hội là quan điểm đúng, đáng hoan nghênh.
Các nhà báo được chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm trong một khóa học về xử lý các tình huống liên quan đến pháp luật. Ảnh Bình Minh
9 vấn đề cần giải quyết
Để có một chiến lược hiệu quả thay vì... lép vế trước một số kênh social media như hiện nay theo nhà báo Nguyễn Hải Đăng, Ban Tuyên truyền lý luận (Báo Nhân dân) cần tập trung giải quyết 9 vấn đề.
Cụ thể, thứ nhất, tập trung phát triển công nghệ mới như Big Data (dữ liệu lớn), Machine Learning (Máy học) trong việc thu thập, phân tích và kiểm tra thông tin và đại diện của các mạng xã hội lớn trong và ngoài nước như Facebook, Youtube, Zalo, Zing để... có thể khai thác và chọn lọc nguồn thông tin một cách hợp lý, chính xác và hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc đăng tải, kiểm duyệt thông tin phản hồi cá nhân trên mạng xã hội là bất khả thi với bất kỳ một đội ngũ biên tập, quản trị viên nào. Chính vì lý do đó, việc xây dựng những chương trình AI để hỗ trợ, giảm tải công tác này là cần thiết.
Thứ hai, cần đào tạo, tăng cường đội ngũ quản trị viên, hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao sự tương tác giữa các trang thông tin với bạn đọc. Không thể phó mặc hoàn toàn cho trí tuệ nhân tạo kiểm duyệt nguồn thông tin như các mạng xã hội lớn như Facebook, Google đang áp dụng nhiều năm qua. Bởi nó chính là tiền đề và cơ sở để cho tin giả (Fake News) có cơ hội lây lan, phát triển.
Đồng thời, việc tăng cường đội ngũ quản trị viên trên các mạng xã hội còn hết sức cần thiết trong việc kiểm tra, giám sát những phản hồi tiêu cực của một số đối tượng, cá nhân, tổ chức không có thiện cảm với Nhà nước và con người Việt Nam; tội phạm công nghệ cao...
Thứ ba, tích cực tuyên truyền về kênh chính thống của mình trên mạng xã hội để định hướng dư luận theo chiều hướng tốt. Lên tiếng, phản ánh kịp thời và rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các đơn vị chủ quản mạng xã hội như Facebook, Youtube nếu cơ quan báo chí của mình chưa có kênh đại diện trên mạng xã hội.
Giải pháp thứ tư được nhấn mạnh đó là vận động các tập đoàn cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội đặt văn phòng tại Việt Nam để tăng cường sự hợp tác trong đưa thông tin "sạch" và đa chiều đến bạn đọc một cách nhanh chóng, tiện lợi. Chính giải pháp này là cơ sở để "đẩy lùi" thông tin xấu, độc, thông tin giả.
Tiếp đó, cần xây dựng những mạng xã hội chuyên về báo chí, hoặc lấy báo chí, thông tin làm trọng tâm phát triển. Hiện nay, có thể thấy xu hướng phân hóa theo chức năng của mạng xã hội đang dần được hình thành.
Thêm nữa, tiếp tục phát triển và bảo vệ bản sắc của những ấn phẩm truyền thống hiện có. Bởi lẽ dù mạng xã hội có nhiều ưu điểm những vẫn có những bất cập, hạn chế so với các ấn phẩm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình. Bởi vậy, nên định hướng phát triển, chuyển đổi các cơ quan báo chí đủ điều kiện theo hướng trở thành một tập đoàn truyền thông đa phương tiện, thay vì bó hẹp chạy theo những trào lưu truyền thông liên tục thanh đổi.
Giải pháp thứ bẩy, cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên trên mạng xã hội, khuyến khích người dùng mạng xã hội gửi, phản ánh tin tức cho cơ quan báo chí, thay vì đăng tải tự phát hoặc gửi đến các công ty truyền thông, giải trí, các trang tin có xu hướng lá cải như hiện tượng vấn đang xảy ra phổ biến.
Báo chí chính thống phải là dòng chủ lưu để định hướng dư luận xã hội. Ảnh: Bình Minh
Giải pháp thứ tám là đối với các phóng viên cần cẩn trọng việc khai thác nguồn tin trên mạng xã hội.
Giải pháp thứ chín, liên tục cập nhật những kỹ thuật mới để có thể dự đoán xu hướng phát triển của các thể loại truyền thông mới trong tương lai. Bởi lẽ, hai sự bùng nổ của báo điện tử và mạng xã hội mang đến cho bạn đọc chỉ trong một thời gian ngắn bắt buộc các tờ báo trong nước và thế giới đặc biệt phải quan tâm đến vấn đề nâng cao cơ sở hạ tầng, kỹ thuật bên cạnh việc đảm bảo chất lượng thông tin, bài viết.
"Trong xu thế phát triển của mạng xã hội, trừ một số cơ quan báo chí có chức năng riêng biệt, đại bộ phận các người làm báo luôn quan tâm đến sự thay đổi của phương tiện truyền thông từ đó mới có thể cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin thiết yếu phục vụ bạn đọc", nhà báo Nguyễn Hải Đăng khẳng định.