Việt Nam tích cực ứng dụng CNTT vào cải cách, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến
Diễn đàn - Ngày đăng : 14:06, 02/12/2020
Phiên họp trực tuyến lần thứ 3 của Hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN - OECD lần thứ 6 chiều ngày 1/12, đã nhấn mạnh về vai trò hợp tác quốc tế về quy định giúp nâng cao năng lực nội tại của mỗi quốc gia; giúp quản lý rủi ro trên phạm vi rộng hơn, khuyến khích chia sẻ công việc và tập trung nguồn lực.
Cải cách quy định tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế
Chia sẻ những thành công nổi bật tại các quốc gia thành viên ASEAN, TS. Intan Murnira Ramli, Chuyên gia chính sách, Phòng Thiết kế chính sách, Viện Nghiên cứu Kinh tế khu vực ASEAN và Đông Á (ERIA) đánh giá cao Đề án 30 của Việt Nam về cải cách Thủ tục hành chính (TTHC).
Đề án đã đơn giản hóa ít nhất 30% số TTHC và hạ thấp ít nhất 30% chi phí hành chính; thành lập cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về tất cả các TTHC (5.700 TTHC) mà mọi người đều có thể truy cập; tiêu chuẩn hóa 11.000 TTHC ở cấp xã vào 63 nhóm thủ tục tạo sự minh bạch và nhất quán hơn; thực hiện đánh giá tác động của quy định (RIA) đối với các TTHC mới trong các dự thảo luật, nghị định và thông tư; cắt giảm rất nhiều chi phí…
Nêu bài học từ Việt Nam, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan chia sẻ về kết quả phòng chống COVID-19 và phát triển kinh tế. Về phát triển kinh tế, Việt Nam là một trong số ít quốc gia tăng trưởng dương năm 2020 (Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng 2,8%; IMF dự báo tăng trưởng 2,4%).
Theo ông Ngô Hải Phan, cải cách quy định tại Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Theo đó, Việt Nam xác định cải cách các quy định là liên tục, thường xuyên, vì vậy đã tích cực ứng dụng CNTT vào cải cách, cung cấp các DVCTT phục vụ người dân, DN, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử.
Trong khủng hoảng do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đòi hỏi và tạo điều kiện cho cải cách quy định và xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT). Đại dịch COVID-19 đã hình thành thói quen mới, thay vì cách giải quyết hồ sơ truyền thống qua tiếp xúc trực tiếp thì hình thành giải quyết hồ sơ qua môi trường điện tử.
Cùng với đó là vai trò của hạ tầng CNTT tốt là tiền đề quan trọng cho phòng, chống dịch và cải cách quy định, ứng dụng.
Việt Nam mong được hợp tác với các thành viên để cùng nhau phát triển
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, qua ba phiên họp của Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận nhiều nội dung hữu ích, từ cải cách quy định, cắt giảm gánh nặng quy định đến ứng dụng công cụ số để vừa chống dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hội nghị cũng trao đổi nhiều ý tưởng, sáng kiến cải cách quy định và hợp tác để chuẩn bị ứng phó với các cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trong tương lai. Các cuộc thảo luận đã đem lại nhiều thông tin, bài học quý báu cho Việt Nam và cả các thành viên từ các quốc gia khác.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá, hội nghị đã đem lại nhiều thông tin, kiến thức và bài học có giá trị cho các nước thành viên OECD và ASEAN.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ của nước Chủ tịch ASEAN 2020 và đã chuyển giao vị trí Chủ tịch ASEAN cho Brunei. Việt Nam tự hào đã có cơ hội được đóng góp vào sự thành công của Hội nghị Mạng lưới thực hành quy định tốt hơn lần thứ 6 và thành công chung của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng mong muốn hợp tác giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland, các quốc gia OECD trong cải cách quy định sẽ có những bước phát triển vượt bậc, để Việt Nam có thể thực hiện thành công các chương trình cải cách trong những năm tiếp theo; trong đó có Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Việt Nam cũng mong được hợp tác với các thành viên khác trong Mạng lưới để có thể cùng nhau phát triển.