Bắc Ninh xây dựng, khai thác hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 16:19, 30/11/2020
Tích cực bảo hộ cho nông sản
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 20 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được bảo hộ SHTT tập thể. Đây đều là các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, sản phẩm làng nghề chủ lực và các sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng lâu đời của tỉnh Bắc Ninh.
Trong đó, có những sản phẩm được bảo hộ SHTT dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận có tương Đình Tổ, đậu Trà Lâm, nem Bùi (huyện Thuận Thành); Bánh phu thê Đình Bảng, gạo nếp nhung Tam Sơn (thị xã Từ Sơn); Bánh tẻ làng Chờ, bánh đa nem Yên Phụ, nếp cái hoa vàng Yên Phụ (huyện Yên Phong); Cà rốt (huyện Gia Bình) và gạo tẻ thơm (huyện Quế Võ)…
Cùng với đó là những sản phẩm được bảo hộ SHTT dưới hình thức nhãn hiệu tập thể như: Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn); Gốm Phù Lãng, Khoai tây (huyện Quế Võ); Đồng Đại Bái, Tre trúc Xuân Lai (huyện Gia Bình); Gà Hồ, Đồ gỗ mỹ nghệ Bình Cầu (huyện Thuận Thành); Mây tre đan Xuân Hội (huyện Tiên Du)…
Gần đây nhất, Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh phối hợp với UBND thị xã Từ Sơn tổ chức lễ công bố văn bằng bảo hộ SHTT nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của thị xã Từ Sơn.
Sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ SHTT nhãn hiệu của thị xã Từ Sơn là sản phẩm nông nghiệp là: "Gạo nếp nhung Tam Sơn" và 1 sản phẩm làng nghề là: "Bánh phu thê Đình Bảng". Đây là một trong những hoạt động nằm trong nội dung của Đề án "Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020".
Các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của thị xã Từ Sơn được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có ý nghĩa rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo sản phẩm, thúc đẩy và phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa truyền thống, đặc thù của các địa phương, qua đó gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề để mở rộng thị trường tiêu thụ…
Tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
Thực tế đã chứng minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh sau khi được đăng ký quyền bảo hộ SHTT được biết đến rộng rãi, tác động mạnh mẽ đến giá trị và uy tín của sản phẩm, từ đó giá bán có xu hướng tăng. Ðơn cử như sản phẩm gà Hồ, sau khi được đăng ký quyền bảo hộ SHTT, giá bán tăng 3 - 4 lần. Các sản phẩm của đồng Ðại Bái, gốm Phù Lãng, gỗ Ðồng Kỵ... giá bán đều tăng trung bình từ 10 đến 15%. Sản phẩm được bảo hộ thương hiệu còn góp phần thúc đẩy xuất khẩu, như các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể đồng Ðại Bái, gốm Phù Lãng bên cạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, nay đã xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước châu Âu…
Được biết, những năm qua, Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh đã chủ trì, phối hợp với các sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các đơn vị tư đại diện sở hữu công nghiệp, đơn vị tư vấn đã tiến hành các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, chủ sở hữu thực hiện công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu theo hướng phát huy tính chủ động, trách nhiệm của của chủ sở hữu nhãn hiệu; thực hiện chuyển đổi các nhãn hiệu tập thể chưa được quản lý hiệu quả sang các nhãn hiệu chứng nhận; xem xét, lựa chọn các nhãn hiệu nông sản đặc thù đề xuất Bộ KH&CN xét chọn tham gia Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020…
Theo đó, qua thống kê, bình quân giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Bắc Ninh luôn đứng trong tốp đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ SHTT, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 18,8%/năm, số lượng văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp tăng 14%/năm.
Tuy nhiên, mặc dù đạt được nhiều tín hiệu tích cực, nhưng việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp ở Bắc Ninh hiện nay vẫn gặp khó khăn. Theo Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh, một số người dân chưa hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm, cho nên họ chưa mặn mà và hạn chế hợp tác. Việc hoàn thiện hồ sơ của người dân để hoàn thành thủ tục đăng ký mã số, mã vạch còn gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định của pháp luật, các cơ sở sản xuất phải được đăng ký sản xuất, kinh doanh thì mới được cấp mã số, mã vạch, nhưng khi đăng ký thì hằng năm các cơ sở này sẽ phải nộp thuế theo quy định. Chính vì điều này, nhiều cơ sở trốn tránh nghĩa vụ bằng cách không đăng ký kinh doanh…
Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành cho biết, thời gian tới, để đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp và làng nghề, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Ðề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021- 2025. Trong đó, sẽ xây dựng, phát triển và nâng cao vai trò chủ đạo của các tổ chức kinh tế tập thể hoặc DN địa phương để làm cầu nối gắn kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Với nhận thức và hành động quyết liệt trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh sẽ ngày càng phát huy thế mạnh của mình, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân và đưa kinh tế của địa phương phát triển mạnh mẽ.