Để Phát thanh Việt Nam về đích trong kỷ nguyên số toàn diện

Truyền thông - Ngày đăng : 15:24, 30/11/2020

Việc ứng dụng công nghệ số vào phát thanh hiện đại là một bước tiến quan trọng, cho phép các đài phát thanh giải quyết được nhiều bất cập, giảm chi phí khai thác, tăng nguồn thu với các dịch vụ gia tăng, đem lại nhiều lợi ích về hiệu suất quang phổ và chất lượng âm thanh.

Sự chuyển đổi phát thanh kỹ thuật số của một số nước trên thế giới

Những năm qua, phát thanh thế giới đã và đang chuyển nhanh sang công nghệ số. Theo bà Woro Indah Widiastuti, Giám đốc Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Indonesia, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, Chính phủ Indonesia đã xác định, không thể chỉ dựa vào phát thanh đơn thuần mà phải phát triển phát thanh kỹ thuật số.

Vì thế ngay từ năm 2006, Chính phủ Indonesia đã thành lập một nhóm phát triển phát thanh kỹ thuật số và phát sóng thử nghiệm đầu tiên ở Jakarta, sau đó phát triển rộng ra toàn quốc, tiến tới thay đổi dần dịch vụ analog sang kỹ thuật số.

Sau Na Uy, dự báo sẽ có nhiều nước từng bước dừng phát sóng FM để chuyển sang phát sóng số. Lý do của sự chuyển đổi này là chất lượng âm thanh số tốt hơn, tích hợp và đồng bộ hóa được radio với các loại hình truyền thông khác như chạy text, hình ảnh, web; khả năng phát podcast, chi phí vận hành rẻ hơn nhiều so với phát sóng truyền thống (trường hợp ở Na Uy là rẻ hơn 8 lần). Na Uy ước tính, các đài phát thanh sẽ tiết kiệm được hơn 200 triệu kroner, tương đương 23,5 triệu USD/năm bằng cách dừng phát thanh FM.

Trong vấn đề chia sẻ thông tin, công nghệ số mở ra khả năng lưu trữ lớn, việc sử dụng và phát hành những tài liệu nghe nhìn tốt hơn từ bộ phận lưu trữ của các đài phát thanh. Kỹ thuật số là giải pháp tối đa hóa những giá trị của phát thanh, thông qua các cơ chế trao đổi số hóa khác nhau có thể tạo ra nguồn thu và ảnh hưởng lớn.

Để Phát thanh Việt Nam về đích trong kỷ nguyên số toàn diện - Ảnh 1.

Phát thanh trong bối cảnh hiện nay

Một số giải pháp đưa phát thanh ở Việt Nam vào kỷ nguyên số toàn diện

Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng phát thanh số ở Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh vì liên quan đến công nghệ, chi phí ban đầu và công tác quản lý. Tại Việt Nam hiện nay, phát thanh FM vẫn đang được sử dụng cho công tác tuyên truyền ở nhiều địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa.

Để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và tăng cường công tác quản lý ngành phát thanh - truyền hình trong tình hình mới, ngày 16/2/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Số 22/2009/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020.

Theo đó, đến năm 2020 công nghệ số sẽ được áp dụng rộng rãi trong truyền dẫn, phát sóng phát thanh. Phấn đấu đa số các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo có nhu cầu, được cung cấp thiết bị thu các kênh chương trình phát thanh kỹ thuật số với giá cả phù hợp. Nếu thực hiện đúng lộ trình, thì năm 2020 này phát thanh Việt Nam sẽ về đích trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số toàn diện. 

Tại Việt Nam, sóng phát thanh mặc dù đã được đưa lên Vinasat, qua các mạng truyền thông, lan tỏa rộng rãi, song phát thanh vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, với các phương tiện truyền thông xã hội, đòi hỏi các đài phát thanh phải nhanh chóng thay đổi quyết liệt từ phát thanh truyền thống sang phát thanh kỹ thuật số để hấp dẫn người nghe.

Có thể nói, so với các loại hình truyền thông mới, mặc dù bị lấn lướt nhưng phát thanh vẫn là loại hình có những thế mạnh không thua kém. Phát thanh có thể đưa thông tin tức thì, công chúng có thể cùng làm tin, cùng bình luận về một vấn đề nào đó.

Với phát thanh, công chúng có thể trực tiếp tương tác với người làm chương trình và tương tác với nhau. Đặc biệt, công chúng hoàn toàn có lợi thế trong việc tiếp nhận thông tin khi đang di chuyển...

Trong xã hội hiện nay, phát thanh ở Việt Nam không chỉ là người bạn đồng hành tin cậy của đông đảo công chúng mà còn là công cụ quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước, trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội.

Để thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong môi trường truyền thông mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thính giả, đã có nhiều ý kiến góp ý, bàn luận để thúc đẩy sự phát triển của các đài phát thanh ở Việt Nam như:

Thứ nhất, cần nhanh chóng nghiên cứu, thống nhất lựa chọn định dạng chuẩn cho phát thanh số, kết hợp với cơ sở hạ tầng hiện có, tích hợp nhiều phương thức truyền thông, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để sản xuất cung cấp thiết bị thu, phát, thiết bị đầu cuối cho phù hợp, không để lãng phí về thời gian và tài chính;

Thứ hai, tăng cường việc áp dụng phương thức làm báo đa phương tiện, đẩy mạnh việc thông tin bằng âm thanh kết hợp với nhiều dạng thức như: video, văn bản, hình ảnh... để tạo ra sự sinh động cho người tiếp nhận;

Thứ ba, cùng với phát sóng chương trình phát thanh số, các đài phát thanh cần tận dụng nhiều kênh thông tin khác nhau trên nền tảng Internet, khai thác tối đa ưu thế của mạng xã hội để thông tin đến với công chúng nhanh, rộng, linh hoạt và phổ dụng;

Thứ tư, trong khâu truyền dẫn, phát sóng chương trình, các đài phát thanh cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng hiện đại, đồng bộ, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ; hướng tới mục tiêu thay thế hoàn toàn hạ tầng truyền dẫn, phát sóng sang công nghệ số, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số.

T.H