ATTT mạng sau 1 năm ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg

An toàn thông tin - Ngày đăng : 10:21, 26/11/2020

Sau hơn một năm kể từ khi Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tăng cường an ninh mạng, nhiều kết quả quan trọng đã đạt được.

Từ sự ra đời của Chỉ thị số 14/CT-TTg về tăng cường an ninh mạng

Thời gian vừa qua, hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thi hành pháp luật về an toàn, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và chế tài xử lý vi phạm còn chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, các vấn đề như xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực ATTT mạng chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; Hoạt động nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng còn hạn chế; Hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước về bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn yếu; Hoạt động giám sát, đánh giá, bảo vệ hệ thống thông tin trong các cơ quan, tổ chức nhà nước còn thiếu chuyên nghiệp. Năm 2018 và đầu năm 2019 đã xảy ra một số cuộc tấn công mạng có chủ đích, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

An ninh mạng sau 1 năm Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường ATTT - Ảnh 1.

Đó là một trong những lý do khiến xếp hạng của Việt Nam trong Báo cáo chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu (Global Cybersecurity Index - GCI) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) còn chưa cao. Theo xếp hạng hồi tháng 3 năm 2019 (cho giai đoạn 2017 - 2018), Việt Nam xếp thứ 50/194 quốc gia.

Chính vì vậy, để tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam, giữa năm 2019, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về tăng cường công tác an ninh mạng, trong đó giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện vấn đề này. Bộ TT&TT giữ vai trò đặc biệt với nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Cụ thể, theo Chỉ thị số 14, Bộ TT&TT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai giải pháp bảo đảm ATTT mạng tổng thể trong cơ quan, tổ chức nhà nước, các biện pháp nâng cao thứ hạng của Việt Nam về an toàn, an ninh mạng trên thế giới; Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ ATTT mạng của Việt Nam, tổ chức đánh giá và công bố định kỳ hàng năm; Cải thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách thúc đẩy ATTT mạng; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về ATTT mạng quốc gia các giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng được giao chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng và Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo đảm ATTT giai đoạn 2021 - 2025; Đề án về bảo vệ thông tin cá nhân, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.

Trong công tác thông tin báo chí, Bộ TT&TT được giao tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chỉ đạo DN cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet (ISP), nội dung thông tin số triển khai các giải pháp kỹ thuật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Và những kết quả đầu tiên

Đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TT&TT, hơn một năm sau khi Chỉ thị 14 được Chính phủ ban hành, nhiều kết quả quan trọng đã đạt được.

Trong tháng 4/2020, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng dự thảo bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Trong bộ quy tắc ứng xử này sẽ có những nội dung bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trong đó, Chính phủ yêu cầu nhà cung cấp nội dung tôn trọng pháp luật Việt Nam và tôn trọng quyền con người, trong đó có quyền trẻ em. Dự kiến trong năm 2020 bộ quy tắc này sẽ được ban hành.

Trước đó, tháng 3/2020, Cục ATTT - Bộ TT&TT và Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ký kết kế hoạch phối hợp về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng. Kế hoạch phối hợp nhằm ghi nhận và thực hiện những cam kết được thống nhất giữa hai bên trên cơ sở khai thác thế mạnh của mỗi bên; Tăng cường phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

An ninh mạng sau 1 năm Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường ATTT - Ảnh 1.

Đại diện Bộ TT&TT và Bộ LĐTBXH ký kết kế hoạch phối hợp bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng

Bên cạnh đó, việc gỡ bỏ thông tin xấu độc cũng được triển khai mạnh mẽ. Mỗi tháng các bộ phận chức năng của Bộ TT&TT đã gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc, xử lý nghiêm các cá nhân sản xuất video xấu độc. Qua theo dõi của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, (Bộ TT&TT), trong những năm gần đây, tình trạng phát tán thông tin xấu độc diễn ra khá phổ biến nhưng chỉ tập trung ở các trang thông tin điện tử có tên miền quốc tế và các mạng xã hội do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới là Facebook và YouTube. Bộ TT&TT đã vào cuộc quyết liệt và đến nay đã đạt được tỷ lệ tháo gỡ video của YouTube lên đến 90%.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an cũng đã phát hiện hàng loạt trang mạng có nội dung độc, hại, nhảm nhí, giật gân trên mạng; phát hiện hàng loạt thông tin xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thông tin nhảm, phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, cổ xúy tệ nạn xã hội, lối sống lệch lạc.

Kiên quyết xử lý video độc hại, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị người dân, các tổ chức khi phát hiện video xấu, độc liên quan thì báo đến đường dây nóng của Bộ và các Sở TT&TT để phối hợp ngăn chặn. Thời gian tới, Bộ TT&TT đặt mục tiêu gỡ bỏ 100% video xấu, độc bị phát hiện, phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc để kịp thời ngăn chặn.

Mặt khác, Bộ TT&TT cũng đã yêu cầu các nhà mạng (ISP) triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn việc truy cập các trang web có nội dung xấu độc. Đến nay, hầu hết các trang có nội dung không lành mạnh đều đã được các nhà mạng lớn như VNPT, Viettel, FPT… triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn không cho người dùng truy cập. Việc này đã góp phần lành mạnh hóa thông tin trên không gian mạng, qua đó bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

TH