Trao đổi, chia sẻ thông tin chính thống để đẩy lùi, hạn chế thông tin xấu, độc
Truyền thông - Ngày đăng : 20:36, 25/11/2020
Những người trẻ cần "màng lọc" trước thông tin giả mạo, sai lệch
Chúng ta đang sống trong một thời đại khá lạ lùng so với trước đây, khi có đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải lớn nhất thế giới mà không sở hữu một chiếc xe nào; mạng xã hội nơi chia sẻ thông tin lớn nhất thế giới cũng chẳng tạo ra nội dung nào hay nhà bán lẻ giá trị nhất lại không có lấy một kho hàng…
Thanh niên phải nhận thức được rằng mình đang sống trong kỷ nguyên của truyền thông thời đại số với tất cả thông tin đều diễn ra trên nền tảng công nghệ số. Tổ chức Đoàn thanh niên phải có ứng xử phù hợp, thích nghi được sự dịch chuyển tư duy sang các phương thức số. Từ đó, có những phương thức truyền thông thông qua các phương tiện di động nhanh hơn, tiện tích hơn và minh bạch hơn.
Muốn tạo lập cho thanh niên một môi trường truyền thông trên mạng có kết nối bằng sự quan tâm, lợi ích và trách nhiệm thì bản thân những người tham gia trong cùng một nhóm, hay một cộng đồng cần chia sẻ trách nhiệm với nhau để cùng giải quyết một vấn đề của xã hội.
Một hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc có đề cập đến vấn đề ứng xử của Đoàn Thanh niên trước mạng xã hội. Ảnh: Bình Minh
Sử dụng mạng xã hội đồng nghĩa với việc phải tiếp nhận thông tin đa chiều, có tin thật, và cũng có nhưng thông tin thất thiệt. Fake news - thông tin giả mạo, sai lệch trở thành từ nổi bật từ năm 2017 và đến nay vẫn chưa hết "nóng". Loại thông tin này được lan truyền nhanh nhất trên mạng xã hội. Đây không phải là khái niệm mới, nhưng ngày càng được phát triển mạnh mẽ trong thời đại công nghệ số, tạo ra hiệu ứng ảo.
Thông tin sai lệch có thể tạo những hiệu ứng cực mạnh, dẫn tới những quan điểm tranh luận khác nhau, đôi khi tạo ra những tác động tiêu cực. Đối với đối tượng thanh niên - những người trẻ sử dụng mạng xã hội nhiều nhất, rất cần thiết phải có những "màng lọc" của bản thân, thận trọng tiếp nhận thông tin, kiểm chứng từ những nguồn thông tin chính thống, không nên vội vàng đưa ra những phán xét.
Tuy vậy, điều này không hẳn dễ thực hiện. Đơn cử một trường hợp người nổi tiếng có sức ảnh hưởng nhất định, có lượt tương tác nhiều, khi phát ngôn một vấn đề trên mạng xã hội rất dễ lôi kéo sự quan tâm, vào hùa theo của số đông người hâm mộ. Thực tế, đợt dịch Covid-19 vừa qua, không ít người nổi tiếng đã chia sẻ, phát ngôn ra những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng. Kết quả đã được các cơ quan chức năng mời lên làm việc, chấn chỉnh, đính chính thông tin, thậm chí còn bị xử phạt…
Ở đây, chúng ta phải lựa chọn giữa yếu tố chất lượng và số lượng: Chất lượng nằm ở giá trị nội dung của chủ đề mang lại và số lượng người tương tác.
Cần tạo nhiều diễn đàn tốt để đẩy lùi thông tin xấu, độc
Để ngăn chặn thông tin xấu độc, các công tác cần tiếp tục triển khai như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong đoàn viên thanh niên thông qua việc triển khai các nhiệm vụ, phong trào đoàn, các đợt học tập, tọa đàm và hoạt động phù hợp; Đảm bảo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước và các chương trình hành động của các cấp bộ Đoàn liên quan đến công tác đoàn và phong trào thanh niên đều được quán triệt, thông báo đến các đoàn viên để nghiên cứu và học tập.
Bên cạnh đó, tiếp tục hưởng ứng và triển khai thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đoàn viên mỗi tổ chức cơ sở đoàn.
"Đặc biệt, củng cố và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn gắn với sinh hoạt chuyên đề; sinh hoạt mở rộng, kết hợp giữa các đơn vị thuộc khối có đối tượng, lĩnh vực liên quan để nắm bắt, trao đổi và chia sẻ thông tin chính thống. Từ đó, đẩy lùi, hạn chế tối đa thông tin xấu, độc", đại diện Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương nhấn mạnh.
Đồ họa về tin giả. Ảnh: Internet
Đồng thời, theo ý kiến của nhiều đoàn viên thanh niên, để truyền thông tốt, các tổ chức cơ sở Đoàn cần thường xuyên bám sát kế hoạch công tác của đơn vị, của đoàn cấp trên. Từ đó xây dựng chương trình công tác ngay từ đầu năm, có thời gian, địa điểm, nội dung, phân công thực hiện trong từng đoàn viên chi đoàn; Tích cực nghiên cứu và đẩy mạnh triển khai mô hình sinh hoạt trực tuyến...
Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương cũng đề xuất, mỗi tổ chức cơ sở đoàn khảo sát, nghiên cứu thành lập một trang tin điện tử hay fanpage trên mạng xã hội tổng hợp kế hoạch, công tác, hoạt động của tổ chức đoàn, cơ sở đoàn trực thuộc. Định kỳ 1 tháng 1 lần có một vidieo clip tổng hợp hoạt động theo tháng của đoàn, các cơ sở đoàn trực thuộc để đoàn viên đơn vị nắm bắt thông tin chính xác, cụ thể, giúp đoàn viên hang hái tham gia xây dựng, đóng góp để hoạt động đoàn thanh niên ngày càng phát huy hiệu quả.
Tại một Hội nghị Học tập Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc, lãnh đạo Đoàn Thanh niên Khối các Cơ quan Trung ương từng chia sẻ, từ câu chuyện thời sự liên quan đến việc dùng mạng xã hội hiện nay, một bộ phận không nhỏ đoàn viên, thanh niên đang thể hiện sự dễ dãi qua việc like, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin vụ việc tiêu cực trên mạng xã hội.
"Đây là điều cần nhìn nhận nghiêm túc để đoàn viên, thanh niên có trách nhiệm hơn. Làm sao, mỗi thanh niên like, chia sẻ nhiều hơn công việc tốt, tấm gương tốt như Ban Tuyên giáo Trung ương đã định hướng: Mỗi ngày có 1 tin bài, tốt và mỗi tuần có một câu chuyện đẹp" được lan tỏa...", lãnh đạo Đoàn Thanh niên Khối các Cơ quan Trung ương nhấn mạnh.