Việt Nam không cấm dịch vụ xuyên biên giới

Phát thanh truyền hình - Ngày đăng : 14:27, 25/11/2020

Việt Nam không cấm dịch vụ xuyên biên giới, nhưng nếu nội dung cung cấp trên dịch vụ xâm hại đến lợi ích quốc gia và pháp luật Việt Nam thì sẽ bị xử lí nghiêm theo pháp luật Việt Nam

Đây là ý kiến phát biểu của Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông tại buổi đối thoại trực tuyến với đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ về các dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2006/NĐ-CP; Nghị định số 181/2013/NĐ-CP và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Sáng ngày 11/11/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đối thoại trực tuyến với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), Hiệp hội Công nghiệp Video châu Á (AVIA) và các doanh nghiệp thành viên về các dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2006/NĐ-CP; Nghị định số 181/2013/NĐ-CP và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Về phía Việt Nam tham dự có ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng và các Lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện Bộ Công An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Truyền hình trả tiền tại Việt Nam; ông Nguyễn Văn Nhiêm - Chủ tịch Hiệp Hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam;

Về phía Hoa Kỳ có ông Vũ Tú Thành, phụ trách USABC tại Việt Nam, các công sự tại USABC Việt Nam tham dự trực tiếp; đại diện các Hiệp hội AVIA, MPA và các doanh nghiệp thành viên như:Netflix, Amazon, Apple, Facebook...tham dự trực tuyến tại 30 đầu cầu.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT khẳng định “Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không cấm dịch vụ xuyên biên giới, nhưng nếu nội dung cung cấp trên dịch vụ này xâm hại đến lợi ích Quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam thì sẽ kiên quyết xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Việt Nam không cấm dịch vụ xuyên biên giới - Ảnh 1.

Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu. (Ảnh: ABEI)

Thay mặt cho USABC, ông Vũ Tú Thành cũng bày tỏ lời cảm ơn đối với Bộ TTTT và các cơ quan ban, ngành đã có ghi nhận sự tham gia đóng góp của USABC và các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đồng thời mong muốn được giải đáp một số thắc mắc liên quan đến các dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP; Nghị định số 181/2013/NĐ-CP và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Trong đó có một số ý kiến liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP như quy định về việc thành lập pháp nhân tại Việt Nam, việc cấp phép cho dịch vụ theo yêu cầu và các yêu cầu về việc biên tập trước khi cung cấp dịch vụ…

Việt Nam không cấm dịch vụ xuyên biên giới - Ảnh 2.

Ông Vũ Tú Thành -đại diện cho USABC phát biểu ý kiến trong cuộc đối thoại. (Ảnh: ABEI)

Giải đáp thắc mắc đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, ông Nguyễn Hà Yên - Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết: Quan điểm của Nhà nước Việt Nam là các nội dung cung cấp trên dịch vụ phải lành mạnh, phù hợp với văn hóa, truyền thống của người Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp một lượng lớn các nội dung từ nước ngoài vào Việt Nam, mà chủ yếu nội dung này là từ Hoa Kỳ, cũng giống với nội dung các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang cung cấp vào Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, đảm bảo quy định về biên tập, nộp thuế, phí đầy đủ thì doanh nghiệp nước ngoài, vẫn nội dung đó, lại không chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam, không thực hiện biên tập, không nộp thuế, phí theo quy định.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP hướng tới các doanh nghiệp khi tham gia tại thị trường Việt Nam được đối xử công bằng, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài được bình đẳng về pháp lý.

Theo ông Nguyễn Hà Yên, với tinh thần lắng nghe, cầu thị, cơ quan soạn thảo phía Việt Nam đã học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước, trong đó có các nước trong khu vực Đông Nam Á trong việc quản lý dịch vụ xuyên biên giới; nghiên cứu mô hình cấp phép theo hướng hiện đại như Singapore. Việt Nam là nước tự do báo chí, tự do ngôn luận, không kiểm duyệt nội dung… Tuy nhiên, do đặc điểm truyền thống văn hóa, lịch sử của Việt Nam nên tất cả nội dung khi cung cấp cần phải được biên tập nhằm đảm bảo đưa thông tin lành mạnh, phù hợp thuần phong, mỹ tục đến người xem tại Việt Nam.

Nội dung liên quan đến tin tức, an ninh, chính trị thuộc lĩnh vực báo chí thì phải được cơ quan báo chí biên tập; nội dung liên quan đến phim thì phải tuân thủ theo quy định của Luật Điện ảnh, còn các thông tin giải trí khác thì doanh nghiệp căn cứ vào pháp luật hiện hành tiến hành biên tập. Việc biên tập nội dung là khả thi và không khó đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Việt Nam đã có những quy định về điều này, tới đây, theo thẩm quyền, Bộ TTTT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng có thể dễ dàng thực hiện biên tập.

Thời gian qua, các dịch vụ xuyên biên giới, cụ thể dịch vụ của Netflix vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Có nhiều nội dung vi phạm, như: xuyên tạc chủ quyền, xuyên tạc lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của Việt Nam,khiêu dâm, bạo lực... Liên quan đến vấn đề này, Cục PTTH&TTĐT đã hai lần gửi văn bản đến Netflix để cảnh báo, nhắc nhở.

Việt Nam không cấm dịch vụ xuyên biên giới - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hà Yên – Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Bộ TT&TT trả lời USABC các câu hỏi liên quan đến Nghị định 06/2016/NĐ-CP. (Ảnh: ABEI)

Qua cuộc đối thoại này, cơ quan soạn thảo phía Việt Nam cung cấp thêm thông tin và thể hiện rõ quan điểm về quản lý Nhà nước để phía doanh nghiệp Hoa Kỳ thấy rằng: Việc xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý,cung cấp, sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình đã được cân nhắc, xem xét kỹ và nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau, đảm bảo tính khách quan, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam được bình đẳng về pháp lý, tránh bảo hộ ngược và phù hợp với thông lệ Quốc tế.

Cũng trong cuộc đối thoại này, ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam nêu ý kiến đồng tình với dự thảo Nghị định: “Việc quản lý nội dung, cấp phép theo Nghị định sửa đổi lần này là mềm dẻo, phù hợp với các quốc gia. Dự thảo Nghị định lần này đã đi đến nội dung tiệm cận được với đề nghị của các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình của Hoa Kỳ. Đồng thời phía doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng nên tiếp nhận hài hòa để phù hợp với lợi ích của tất cả các bên. Nhà nước cần quản lý về nội dung, doanh nghiệp cũng cần cung cấp nội dung phong phú, phù hợp với luật pháp của nước sở tại”.

Việt Nam không cấm dịch vụ xuyên biên giới - Ảnh 4.

Ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Truyền hình trả tiền phát biểu tại cuộc đối thoại. (Ảnh: ABEI)

Đóng góp ý kiến trong buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Nhiêm - Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam cũng thể hiện quan điểm hoan nghênh sự đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng với mong muốn xây dựng, đóng góp không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa, đạo đức đối với Việt Nam; phải đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, các đối tượng nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam như những doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh đối với lĩnh vực truyền hình trả tiền.

Việt Nam không cấm dịch vụ xuyên biên giới - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm - Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam phát biểu tại cuộc đối thoại. (Ảnh: ABEI)

Đại diện Công ty Netflix, ông Alex Long - Quản lý Chính sách Công khu vực châu Á Thái Bình Dương tham gia ý kiến dưới góc độ doanh nghiệp Hoa Kỳ:

Netflix muốn nhấn mạnh quan điểm đã trao đổi với Cục PTTH&TTĐT và Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ đăng ký và nộp thuế tại Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Netflix đã thể hiện sự gắn bó, cam kết cung cấp dịch vụ tại Việt Nam qua 2 thông điệp, đó là: Bổ sung các nội dung phim truyện Việt Nam chất lượng cao trên kho nội dung dịch vụ và cung cấp dịch vụ theo yêu cầu chuyên nghiệp, có các tính năng quản lý nội dung dành cho phụ huynh, trao quyền kiểm soát quản lý và xem các nội dung tới người sử dụng.

Việt Nam không cấm dịch vụ xuyên biên giới - Ảnh 6.

Đại diện NETFLIX, Ông Alex Long - Quản lý Chính sách Công khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) phát biểu ý kiến trong cuộc đối thoại. (Ảnh chụp màn hình trực tuyến)

Giải đáp ý kiến của USABC về việc “Nếu là dịch vụ phim phải được cấp phép theo Luật Điện ảnh hiện hành, nhưng Luật Điện ảnh đang có điều chỉnh, sửa đổi và chưa ban hành, vậy có phù hợp không”, ông Nguyễn Hà Yên cho biết:

“Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là quản lý về nội dung, tất cả các biện pháp quản lý là chỉ phục vụ cho việc quản lý nội dung được tốt hơn. Ngay cả trong luật Điện ảnh hiện hành, tại Điều 36 nói về phổ biến phim trên Internet, khai thác phim để phổ biến thì phải thực hiện theo quy định của Luật Điện ảnh và các quy định khác của Pháp luật Việt Nam. Nghĩa là tất cả các loại phim được trình chiếu đến công chúng dưới bất kỳ hình thức nào đều thực hiện theo Luật Điện ảnh, nếu có luật chuyên ngành thì phải tuân thủ thêm theo luật chuyên ngành, như vậy để đảm bảo tuân thủ đầy đủ về mặt pháp luật Việt Nam”.

Cũng trong cuộc đối thoại này, nhiều câu hỏi được đặt ra từ phía doanh nghiệp Hoa Kỳ liên quan đến Nghị định số 06/2006/NĐ-CP; Nghị định số 181/2013/NĐ-CP và Nghị định số 72/2013/NĐ-CPđã được đại diện Bộ TTTT trả lời một cách chi tiết, thỏa đáng, giúp cho USABC cũng như doanh nghiệp Hoa Kỳ hiểu rõ về các quy định của Luật pháp Việt Nam, để các doanh nghiệp này thấy rằng luật pháp Việt Nam phù hợp với Thông lệ Quốc tế.

Việt Nam không cấm dịch vụ xuyên biên giới - Ảnh 7.

Ông Lê Quang Tự Do – Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Bộ TT&TT trả lời USABC các câu hỏi liên quan đến Nghị định 181/2013/NĐ-CP; Nghị định 72/2013/NĐ-CP. (Ảnh: ABEI)

Phát biểu kết thúc cuộc đối thoại, ông Lưu Đình Phúc ghi nhận USABC cùng các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã có tinh thần hợp tác để cùng phối hợp thực hiện đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam trong quá trình kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Quá trình lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung các Nghị định nêu trên, USABC đã có nhiều đóng góp ý kiến, đồng thời giúp phía Việt Nam được lắng nghe chi tiết hơn một số vấn đề từ phía các doanh nghiệp của Hoa Kỳ. Đồng thời, ông Lưu Đình Phúc cũng nhấn mạnh, phía Việt Nam sẽ sớm ban hành bổ sung các quy định đối với lĩnh vực truyền hình trả tiền tại Việt Nam để quản lý nội dung trên dịch vụ xuyên biên giới như đối với dịch vụ do doanh nghiệp trong nước cung cấp, nhằm đảm bảo nguyên tắc, quan điểm quản lý nội dung của nhà nước Việt Nam.


BBT