Robot Make in Vietnam biết lẩy Kiều, đọc thơ, giải toán
Ảnh - Ngày đăng : 11:16, 23/11/2020
Lấy cảm hứng từ công dân robot Sophia, một start-up Việt đã phát triển và cho ra đời robot Trí Nhân. Đây là mẫu robot sở hữu trí thông minh nhân tạo và có khả năng giao tiếp thuần thục với con người.
Tại Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm học đường 4.0 (EDU 4.0), nhiều người đã cảm thấy bất ngờ trước sự xuất hiện của một nhân vật hết sức đặc biệt. Đó là một robot tích hợp trí thông minh nhân tạo với tên gọi Trí Nhân.
Trí Nhân là một robot nam có kích thước ngang bằng với một người trưởng thành. Robot này được tạo hình bằng phương pháp in 3D với 5 giác quan và các yếu tố mô phỏng sinh học như tim phổi nhân tạo và chuỗi ADN.
Đây là kết quả nghiên cứu của một start-up Việt có tên Open Classroom Team. Sau khoảng 1 năm phát triển, nhóm nghiên cứu gồm 5 thành viên đã cho ra đời phiên bản đầu tiên của robot.
Trí nhân được phát triển dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo, bao gồm khả năng nhận dạng giọng nói, tổng hợp giọng nói để robot có thể nói tiếng người, khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tìm kiếm thông tin và đưa ra phương án trả lời cho câu hỏi.
Theo nhóm phát triển, ứng dụng chính của Trí Nhân là để phục vụ cho mục đích giáo dục. Robot có thể trả lời, giải đáp các thắc mắc của học sinh và trợ giảng cho giáo viên.
Khả năng giao tiếp tự nhiên với con người là một trong những kỹ năng xã hội quan trọng của Trí Nhân. Tại triển lãm, robot đã giao tiếp với khách thăm quan thông qua việc đặt và trả lời các câu hỏi.
Chia sẻ về Trí Nhân, ông Phạm Thành Nam - chuyên gia trí tuệ nhân tạo, đồng thời là người sáng lập của Open Classroom Team cho biết, ngoài khả năng giao tiếp, robot có thể nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng hình ảnh,...
Theo ông Nam, Sophia - tên gọi của công dân robot đầu tiên trên thế giới có nghĩa là thông thái, khôn ngoan. Lấy cảm hứng từ điều này, nhóm phát triển đặt tên cho robot của mình là Trí Nhân. Tên gọi này vừa thể hiện được nguồn gốc "trí tuệ nhân tạo" của robot, lại vừa có nghĩa là "con người có trí tuệ".
Trong tương lai, nhóm phát triển có ý định hợp tác với Google để tích hợp sản phẩm của mình vào trong trợ lý ảo Google Asistant. Lúc đó, người dùng hệ điều hành Android chỉ cần giữ nút Home trên điện thoại để có thể nói chuyện và ra lệnh cho robot.
Ngoài Trí Nhân, Open Classroom Team còn đang phát triển một phiên bản robot nữ với tên gọi Hồng Tâm để phục vụ cho mục đích y tế.
Trọng Đạt