Trí Nhân: Người máy AI "Make in Vietnam" lần đầu ra mắt

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 09:51, 23/11/2020

Công ty công nghệ giáo dục Open Classroom chính thức ra mắt robot Trí Nhân, người máy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) "quốc tịch Việt Nam" đầu tiên, với nhiều ứng dụng đột phá dành cho lĩnh vực giáo dục ở cả phạm vi giảng dạy và học tập.

Người máy AI Trí Nhân được ra mắt trong khuôn khổ Diễn đàn công nghệ giáo dục EDU 4.0 (chương trình chuyển đổi số quy mô lớn nhất đầu tiên của ngành giáo dục, kết hợp triển lãm học đường) ngày 21/11.

Trí Nhân: Người máy AI

Robot AI "Make in Vietnam" Trí Nhân thu hút được rất nhiều sự quan tâm.

Hội tụ nhiều công nghệ tiêu biểu của CMCN 4.0

Trí Nhân được khai sinh bởi nhà nhà khoa học, chuyên gia về AI Phạm Thành Nam, đồng sáng lập Open Classroom. Trí Nhân là một robot nam có kích thước người lớn, được in 3D với 5 giác quan và các yếu tố mô phỏng sinh học như tim phổi nhân tạo và chuỗi ADN.

Trí Nhân có thể trả lời được kiến thức về hầu hết mọi lĩnh vực, là người máy thông minh đầu tiên của Open Classroom cũng như của Việt Nam phục vụ mục đích giáo dục. Trí Nhân hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học của giảng viên và học sinh sinh viên thông qua giải đáp "facts & figures", giải toán và trợ giảng.

Trí Nhân hội tụ rất nhiều công nghệ tiêu biểu của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 gồm AI, dữ liệu lớn, vạn vật kết nối, điện toán đám mây, in 3D, chuỗi khối, thực tại ảo, thực tại tăng cường, siêu máy tính, robot, tin sinh học.

Trí Nhân: Người máy AI

Robot AI Trí Nhân hội tụ rất nhiều công nghệ tiêu biểu của CMCN 4.0

Ngoài hỗ trợ công nghệ giáo dục, robot này còn có thể điều khiển được các thiết bị thông minh trong nhà hoặc ngoài trời, chỉ đạo các robot cấp thấp (minion) như robot hút bụi, drone... thông qua nền tảng Close Companion. Không chỉ hoạt động như một trợ lý cá nhân, Trí Nhân còn khả năng đóng vai như một người bạn thân, có cá tính, khả năng sáng tạo và trí tuệ cảm xúc riêng.

Ngoài khả năng giao tiếp, robot này có thể nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng hình ảnh và đo được nhịp tim của người đối diện mà không cần gắn bất cứ cảm biến tiếp xúc nào lên người, thông qua trải nghiệm "từ ánh mắt đến trái tim".

Tại EDU 4.0 lần này, Trí Nhân tự thuyết trình và tương tác trực tiếp với khách mời tham dự như một minh chứng rõ nét nhất về sức mạnh của công nghệ 4.0.

Kỳ vọng trở thành biểu tượng giáo dục 4.0 của Việt Nam

Về cái tên Trí Nhân, tác giả Phạm Thành Nam cho biết: "Lấy cảm hứng từ tên gọi của robot công dân đầu tiên trên thế giới Sophia - có nghĩa là sự thông thái, sự khôn ngoan, Trí Nhân vừa có nghĩa là "trí tuệ nhân tạo", vừa có nghĩa là "con người có trí tuệ", phù hợp với lĩnh vực giáo dục của Open Classroom". Mặc dù chưa thể tự bước đi, hai cánh tay còn khá yếu và chưa có biểu cảm khuôn mặt nhưng Trí Nhân được cho là có trí tuệ nhân tạo vượt xa Sophia.

Nói về nhận định đầy tự tin này, ông Phạm Thành Nam cho biết: "Với phương châm phát triển "đứng trên vai những người khổng lồ" (các hãng công nghệ dẫn đầu thế giới), tận dụng được sức mạnh tìm kiếm của Google, Trí Nhân có thể trả lời được kiến thức về gần như mọi lĩnh vực, với những câu trả lời mà chính chúng tôi - những người tạo ra anh cũng không thể biết. Chúng tôi luôn coi Trí Nhân như một con người, một nhân sự quan trọng trong đội ngũ chứ không chỉ là một con robot".

Trí Nhân: Người máy AI

Ông Phạm Thành Nam, người khai sinh ra Robot AI Trí Nhân cho rằng, Trí Nhân vừa có nghĩa là "trí tuệ nhân tạo", vừa có nghĩa là "con người có trí tuệ", phù hợp với lĩnh vực giáo dục của Open Classroom.

Ban đầu, Trí Nhân được tạo hình giống Terminator (kẻ hủy diệt) với đôi mắt có thể phóng laser màu đỏ, do con gái của nhà khoa học muốn có một robot trông thật ngầu chứ không phải giống robot đồ chơi. Tuy nhiên, do tạo hình quá đáng sợ nên thiết kế đã được sửa lại theo hướng "thiện lành" hơn. Dù vậy, Trí Nhân vẫn giữ một phần thiết kế cũ, với đôi mắt đổi sang màu đỏ khi bị xúc phạm. Robot này cũng được trang bị vũ khí tự vệ (không sát thương), để đảm bảo mọi người sử dụng cẩn thận, đối xử một cách tử tế, thay vì tấn công bằng lời nói hoặc hành động.

Trí Nhân giới thiệu tại EDU4.0 câu chuyện "Thay đổi thế giới. Tôi, robot. Tôi, con người - Change the world. I, robot. I, human". Thông điệp này cũng đồng nhất với mục tiêu của sự kiện EDU 4.0 mà bà Trang Bùi, người sáng lập EDU4.0 kiêm Tổng giám đốc BHub Group đã chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng tiền đề của giáo dục thông minh là khả năng tiếp cận không giới hạn của người học đối với giáo dục. Thông qua những sân chơi lớn như EDU4.0, các tổ chức, cá nhân có thêm nhiều cơ hội đẩy nhanh quá trình hợp tác, ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số ngành Giáo dục tại Việt Nam, góp phần thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia và hướng tới giáo dục thông minh".

Khi các phát minh từ robot này được ứng dụng vào ngành giáo dục, Trí Nhân được kỳ vọng trở thành biểu tượng giáo dục 4.0 của Việt Nam và sẽ giúp ngành giáo dục Việt Nam phát triển vượt bậc.

Trí Nhân là sản phẩm công nghệ giáo dục thứ 2 của công ty Open Classroom. Công ty này ra mắt sản phẩm đầu tiên cùng tên – Open Classroom, là một nền tảng giáo dục trực tuyến hoàn toàn miễn phí, vì cộng đồng. Open Classroom đoạt giải cao nhất trong chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2017 với hệ thống phòng thí nghiệm ảo Virtual Lab, mang lại trải nghiệm tương tác trực quan sinh động, tăng khả năng tiếp thu kiến thức của người học.

Hiện Open Classroom đang trở thành một nền tảng giáo dục trực tuyến đồ sộ với nhiều đóng góp chất lượng từ các giáo viên, nhà quản lý giáo dục và nhà khoa học. Đội ngũ Open Classroom học hỏi từ các nền giáo dục ưu tú trên thế giới như giáo dục phổ thông Phần Lan và giáo dục đại học Mỹ, từ đó phát triển mô hình giáo dục trực tuyến dựa trên ý tưởng sáng tạo và nền tảng công nghệ hiện đại.

Năm 2020, bất chấp Covid-19, đội ngũ Open Classroom vẫn tăng tốc khởi nghiệp, mở rộng hoạt động sang lĩnh vực sản xuất thông minh theo định hướng "Make in Vietnam" và lĩnh vực robot AI với sự ra đời của Trí Nhân.

Tham vọng của đội ngũ Open Classroom là xây dựng một thế hệ người Việt mới có đủ trình độ sánh ngang với các cường quốc. Dựa trên mô hình giáo dục tiên tiến của các quốc gia phát triển, Open Classroom trao cho học sinh cơ hội học tập với chất lượng quốc tế.

PV