CEO FPT: Chuyển đổi số là con đường sống còn của doanh nghiệp
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:30, 20/11/2020
60% DN tin rằng cần áp dụng công nghệ cho hoạt động
Chia sẻ tại Techday 2020 tổ chức ngày 19/11, ông Pankaj Rathi, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Deloitte Đông Nam Á cho biết, Covid-19 đã khiến GDP toàn cầu sụt giảm -6% và tất cả các nước đều đang phải đối mặt với tương lai bất định. Dù các nước châu Á đang có các chỉ số GDP tốt hơn nhờ xử lý và đối mặt tốt với đại dịch nhưng do là 1 phần của kinh tế toàn cầu, nên vẫn chịu tác động chung của đại dịch. Tuy nhiên, những công ty công nghệ số trên thế giới đã nổi lên dẫn đầu khi cả thế giới đối đầu với đại dịch, như Amazon đã tăng trưởng gấp đôi khi Covid-19 diễn ra.
"3 tháng trước khi cả thế giới đang trong đại dịch Covid, 70% các công ty hàng đầu thế giới ưu tiên nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, 60% tin rằng công nghệ là công cụ cần phải có, 45% cần phải áp dụng mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh doanh mới. Đồng thời phần lớn các công ty đều khẳng định cần phải tăng tốc đổi mới sáng tạo", ông Pankaj Rathi chia sẻ.
Từ đó, đại diện Deloitte Đông Nam Á cho rằng, 3 yếu tố cạnh tranh dẫn dắt sự thành công của DN trong bối cảnh hiện nay, đó là tốc độ, linh hoạt và thông minh. Đồng thời, DN cần xác định yếu tố cạnh tranh cũng như thúc đẩy thế mạnh, tận dụng mạng lưới, đối tác. "Điều nguy hiểm nhất hiện nay không phải là biến động như thế nào mà chính là việc DN vẫn vận hành theo cách của ngày hôm qua", ông Pankaj Rathi nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty FPT, cho rằng, trong năm 2020, Covid 19 đã thúc đẩy FPT khởi động nhanh hơn. Đồng thời cũng có nhiều DN trong các lĩnh vực khác nhau như thủy sản, sản xuất, hàng không, lữ hành… cũng đã bắt đầu khởi động cùng FPT. Đặc biệt hơn là họ có cùng suy nghĩ với FPT, đó là phải chuyển đổi số.
Thành lập công ty thứ 8 để giúp DN chuyển đổi số thành công
Để dẫn chứng, ông Khoa đã chia sẻ câu chuyện về đối tác của FPT, một trong số những công ty lữ hành lớn nhất Việt Nam. "Họ đã từng có thời kì đỉnh cao với doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, với văn hóa chưa từng sa thải nhân viên trong suốt gần 30 năm nay. Nhưng do Covid-19, doanh thu của họ lao dốc và phải cắt giảm 25% nhân viên, một việc hết sức đau lòng. Những người tâm huyết với DN họ tạo ra, xây dựng đến ngày nay phải trở về con số 0 khi ngành hàng không, du lịch, dịch vụ là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19", ông Khoa chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, thay vì ngồi chờ dịch qua đi và cầu mong những cơ hội mới đến, các nhà lãnh đạo DN này đã có tầm nhìn xa hơn, khi xác định sau Covid-19 thị trường lữ hành sẽ bắt đầu một cuộc chơi mới. DN này muốn làm sao khi Covid-19 qua đi, họ sẽ lại là người dẫn đầu trong một thị trường đang có hơn 20.000 công ty lữ hành. Các bài toán mà đơn vị lữ hành này cần giải quyết trước mắt là việc tái thiết tổ chức và chuyển đổi số chính là con đường sống của DN.
"Khi FPT đến nhận bài toán, làm thế nào để sau Covid-19, họ sẽ trở thành công ty lữ hành số, tối ưu hóa nguồn lực để làm sao cũng với từng ấy nhân viên nhưng doanh thu, hiệu suất sẽ nâng cao gấp 3 lần", ông Khoa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khoa, với định hướng lữ hành tương lai sẽ thay đổi hoàn toàn hành vi của khách hàng nên những bài toán mới như dữ liệu, định danh và thấu hiểu khách hàng càng trở nên cấp thiết". Theo đó, FPT đã hỗ trợ cùng DN này để giải bài toán cho DN qua hệ thống AI, quản trị lõi... để phục vụ mong muốn của khách hàng. Để hệ thống CNTT cũ được phát triển trên mô hình mới, FPT đã tận dụng công nghệ giúp giảm chi phí đầu tư 20%", ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định trong câu chuyện chuyển đổi số, điều quan trọng là phải có một phương pháp luận. Việc xây dựng phương pháp luận đã khó, việc tìm người và kiếm tiền để đầu tư cho chuyển đổi số hoàn toàn không dễ dàng.
Để giúp các DN đi đến tương lai chuyển đổi số với một tốc độ và sự linh hoạt, sự liên tục, sự thông minh cần thiết, FPT đã thành lập công ty thứ 8, mới nhất của tập đoàn là FPT Smart Cloud, quy tụ tất cả sức mạnh công nghệ của FPT để cung cấp và kích hoạt tính năng mới cho khách hàng chuyển đổi số thành công.
Áp dụng công nghệ trong Covid-19 khiến doanh thu FPT tăng 10%
Đối với câu chuyện chuyển đổi số của chính FPT trong dịch Covid-19, ông Khoa cho biết, FPT ở trạng thái "bình thương mới" có nhiều điểm khác biệt so với thời gian trước đó. Đầu tiên, đó là việc chuyển từ quản trị sang chỉ huy bằng cách kích hoạt chế độ thời chiến, khi mà mọi quyết định phải thật nhanh chóng.
Tiếp theo, FPT đã nâng cao tính tuân thủ. Nhờ đó, FPT vẫn hoạt động bình thường và bàn giao dự án đúng hạn cho khách hàng trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
FPT cũng đã tiến hành hợp lực và thay đổi mô hình bán hàng. FPT có nhiều đơn vị thành viên và kinh doanh theo mô hình khác nhau. Tuy nhiên, trong Covid, FPT đã quy hoạch chung các sản phẩm và thực hiện bán chéo các sản phẩm, đồng thời thành lập ra Ban chỉ huy bán hàng chung cho các đơn vị.
Cuối cùng, FPT kết nối và quy hoạch lại các nền tảng, giải pháp công nghệ. Trong quá trình đó FPT đánh giá các sản phẩm nào hiệu quả thì ngay lập tức đưa vào sử dụng trong toàn tập đoàn, đồng thời cũng được đóng gói để mang đi giải quyết các bài toán của khách hàng.
Kết quả của việc áp dụng mô hình này là việc FPT trở thành công ty đầu tiên tổ chức thành công đại hội cổ đông trực tuyến giữa tâm dịch Covid 19 đúng theo luật định với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI).
"Chúng tôi sử dụng công nghệ AI và chỉ mất 2 giây để định danh cổ đông trực tuyến bao gồm từ tự động nhận diện hình ảnh, phân tích, trích xuất, xác thực thông tin và gửi phản hồi cho cổ đông. Thậm chí, FPT đã đóng gói giải pháp và cung cấp cho các khách hàng tổ chức trong mùa dịch khi mà một công ty sữa của VIệt Nam đã sử dụng gói giải pháp này", ông Khoa cho biết thêm.
Cũng theo ông Khoa, làm việc online trở thành một việc bình thường ở FPT. Có những công việc trước đây chỉ có thể làm việc trực tiếp như hỗ trợ các vấn đề về Internet, cho khách hàng, nhưng hiện nay đã sáng tạo ra các giải pháp tiếp cận và xử lý vấn đề của khách hàng không cần gặp mặt. Đặc biệt, đến 98% khách hàng hài lòng với hình thức chăm sóc bình thường mới này. "FPT đã tổ chức hơn 500.000 lượt hỗ trợ khách hàng từ xa qua các nền tảng của mình và hơn 500 .000 các cuộc họp trực tuyến trên các nền tảng khác nhau", ông Khoa nói.
Năm 2020, FPT đã đưa vào ứng dụng giải pháp số hóa quy trình chuẩn và giao việc tự động kết nối mọi phòng ban và quản trị luồng công việc trên một nền tảng duy nhất FPT.SPro giúp tự động hóa 50 - 90% tác vụ. Kết quả là tỷ lệ hoàn thành công việc đúng thời hạn đạt trên 85%, có những đơn vị là 90%.
Với những bước khởi động thông minh đó, FPT không những đã duy trì hoạt động kinh doanh liên tục mà còn giữ vững đà tăng trưởng. Dự kiến năm 2020, doanh thu và lợi nhuận toàn FPT tăng trưởng trên 10% so với năm 2019. Năng suất lao động toàn FPT cũng dự kiến tăng khoảng 10%. "Những kết quả này có được chắc chắn không phải chỉ là do những hành động tức thời mà là kết quả của hành trình chuyển đổi số mà chúng tôi đã tiên phong bước đi từ nhiều năm trước", ông Khoa nhấn mạnh.
Chuyển đổi số là kim chỉ nam cho mọi hoạt động sáng tạo của FPT
Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT cho biết, những kết quả FPT có được trong dịch Covid-19 là do công ty luôn đâu tư năng lực công nghệ để giải quyết những bài toán thực tiễn của chính FPT cũng như các khách hàng. "Chúng tôi đã xây dựng những trụ cột chuyển đổi số FPT để làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình", ông Tú nhấn mạnh.
Hiện tại, hệ sinh thái FPT được phân lớp theo 5 lớp, hoạt động chính bao gồm, các sản phẩm Made by FPT, các hoạt động nghiên cứu và phát triển, CoE (Center of Excellence) - một trung tâm quy tụ những bậc tinh anh, mạng lưới đối tác và M&A.
Các giải pháp công nghệ Made By FPT hiện đang phục vụ cho hàng trăm ngàn khách hàng DN, ví dụ tiêu biểu có thể kể đến sản phẩm FPT.eContract. Với sản phẩm này các DN có thể thực hiện toàn bộ quy trình từ khởi tạo hợp đồng, ký kết và lưu trữ, quản lý hợp đồng trên cùng một nền tảng duy nhất.
Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung xây dựng nền tảng mới để giúp đối tác duy trì hoạt động kinh doanh trong điều kiện hạn chế di chuyển thông qua nền tảng Omni-shop, công cụ bán hàng của tương lai. Người dùng có thể dễ dàng ra lệnh bằng giọng nói và Omni-shop sẽ tự tìm kiếm chính xác sản phẩm và gợi ý các sản phẩm liên quan cho người dùng thông qua màn hình TV. FPT đã thay đổi màn hình TV từ thiết bị giải trí trong gia đình trở thành nơi khách hàng có thể giao tiếp, kết nối với bên ngoài, mua sắm thực hiện các giao dịch mình yêu thích.
"Sau 2 tháng thử nghiệm, cùng với các đối tác trong lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng chúng tôi đã đưa lên nền tảng này 11 ngành hàng, gần 8.000 sản phẩm, với hơn 80.000 lượt truy cập, quan tâm và đã có hàng nghìn đơn hàng được bán ra. Dự kiến Omni-shop sẽ được chúng tôi đưa ra thị trường vào đầu năm 2021", ông Tú chia sẻ thêm.
Phát triển nguồn lực nội bộ, nguồn lực công nghệ trong FPT là chưa đủ, để phát triển lâu dài, FPT đã xây dựng chương trình hợp tác dài hạn với những viện nghiên cứu công nghệ hàng đầu thế giới như Mila - Viện nghiên cứu AI tại Montreal Canada với hơn 500 chuyên gia có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực Deep Learning.
Cụ thể, FPT và Mila đã tiến tới thỏa thuận hợp tác bước đầu gồm: Phát triển năng lực công nghệ AI của FPT; Tư vấn chiến lược dựa trên bề dày kinh nghiệm của Mila để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu FPT.AI tại Việt Nam Quy Nhơn (Bình Định); Tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh trong hệ sinh thái đối tác của Mila.
Hơn thế nữa, để đưa các sản phẩm công nghệ ra thị trường thế giới, FPT thực hiện các hoạt động mua bán, sát nhập các công ty nước ngoài vào hệ sinh thái của FPT, tiêu biểu như thương vụ M&A với Intellinet - công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. "Chính vì thế, hệ sinh thái công nghệ FPT đã đem lại 4 giá trị cho khách hàng bao gồm chuyển đổi số toàn diện, trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ thông minh, tạo ra đột phá hiệu suất vận hành và đổi mới mô hình kinh doanh", ông Tú kết luận.