“Văn hóa thí điểm” trong chuyển đổi số

Chính phủ số - Ngày đăng : 14:16, 20/11/2020

Việc doanh nghiệp không ngần ngại thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, tạo ra một văn hóa làm việc mới gọi là “văn hóa thí điểm” sẽ quyết định sự thành bại của quá trình chuyển đổi số.


“Văn hóa thí điểm” trong chuyển đổi số - Ảnh 1.

Đã đến lúc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi để thích nghi với “văn hóa thí điểm”

Bối cảnh kinh tế năm 2021

Phát biểu tại Hội nghị đầu tư 2020 với chủ đề “Dòng tiền mới” mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright cho rằng, sức mua của người tiêu dùng Việt Nam đã phục hồi kể từ đỉnh sụt giảm hồi tháng 4/2020 (-26%) lên mức 4,9% vào tháng 9/2020. So với mức trung bình trên 12% trước khi có đại dịch, việc phục hồi vẫn cần thêm thời gian.

Báo cáo tần suất di chuyển của Việt Nam trên Google hồi đầu tháng 10/2020 cho thấy, tần suất di chuyển đến các cơ sở dịch vụ (nhà hàng, trung tâm mua sắm, giải trí) đã giảm 21% so với trước kia, dù hoạt động văn phòng đã trở lại bình thường (tần suất di chuyển đến nơi làm việc đã tăng 10%).

Ông Thành dự đoán, đến quý II/2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi, nhưng tiêu dùng dân cư và đầu tư tư nhân chưa thể tăng mạnh trở lại. Trong bối cảnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ là động lực tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021.

Theo đó, dòng vốn sẽ triển khai vào các dự án bị hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh trong năm 2020 và các ngành xuất khẩu được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chẳng hạn. “Động lực tăng trưởng cũng đến từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, nhưng chưa chắc chắn”, ông Thành nói.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến ngày 20/10 cho thấy, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 10,7 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với trên 4,8 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký

Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, FDI vào ngành sản xuất sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian còn lại của năm nay và năm 2021, cùng với trọng tâm mới là căng thẳng Mỹ - Trung có thể sẽ tăng thêm sức hấp dẫn cho Việt Nam.

Hình thành “văn hóa thí điểm”

Sự xuất hiện của nhóm ngoại, vốn có lợi thế hơn về nguồn vốn và công nghệ đang tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất nội địa trong bối cảnh bình thường mới. Trong thời gian nhóm ngoại khởi động dự án, chuyển đổi số là một trong những điều cấp bách mà doanh nghiệp cần giải quyết để tạo thế đối trọng.

Cụ thể, ông Thinh cho rằng, các doanh nghiệp cần phân bổ nguồn vốn để đẩy nhanh quá trình cải tiến hoạt động kinh doanh, xây dựng hệ thống vận hành trực tuyến để ứng phó với xu hướng hạn chế tiếp xúc. Trong đó, quan trọng nhất là dữ liệu kinh doanh.

Theo ông Thinh, doanh nghiệp cần đặt mức độ ưu tiên cao nhất cho việc đảm bảo chất lượng dữ liệu thu thập được để đạt được những thông tin chuyên sâu chính xác. Đây là nền tảng để tiến đến các bước như dự đoán nhu cầu khách hàng trong tương lai để định vị sản phẩm, cũng như đưa ra các quyết định tài chính phù hợp dựa trên số liệu kinh doanh.

Nhìn chung, việc chuyển đổi số thành công là nền tảng để sáng tạo các mô hình kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều khá thú vị là, việc thành bại của quá trình chuyển đổi số lại không phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố công nghệ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Jonathan Dixon, Trưởng bộ phận Doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Amazon Web Services (AWS) cho rằng, khá giống các doanh nghiệp châu Á khác, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam thường quan tâm đến việc làm sao để hiện đại hoá hạ tầng hiện có, nâng cao năng lực phát triển kỹ năng của đội ngũ nhân sự, hay làm sao để đưa ra các mô hình kinh doanh mới.

Trên thực tế, chính quyết tâm thực hiện của người lãnh đạo mới là nhân tố quyết định thành bại. Theo đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải thực sự muốn đổi mới, không ngần ngại thử các mô hình kinh doanh mới, từ đó tạo động lực thúc đẩy đổi mới để tạo cảm hứng cho nhân viên.

Điều này tạo ra một văn hóa làm việc mới gọi là “văn hóa thí điểm”. Theo đó, các dự án thử nghiệm quy mô nhỏ sẽ được ra đời nhiều hơn và đáp ứng đồng thời hai tiêu chí: nếu thất bại thì phải thất bại thật nhanh, dẹp bỏ và thử nghiệm dự án mới; còn nếu thành công phải nhanh chóng mở rộng quy mô.

“Trong đại dịch Covid-19, khá nhiều doanh nghiệp sản xuất bảo thủ trên thế giới đã phải thay đổi để thích nghi với ‘văn hóa thí điểm’. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ trong ngành sản xuất, cũng nên cân nhắc vấn đề này”, ông Jonathan nói.

Huy Vũ