Hạ tầng số linh hoạt sẽ quyết định thành công của chuyển đổi số

Diễn đàn - Ngày đăng : 21:14, 19/11/2020

Nếu nhìn ở một góc độ tích cực, Covid-19 được đánh giá như một “cú hích” bắt buộc các doanh nghiệp (DN) phải đi nhanh hơn trên con đường chuyển đổi số cũng như tái khẳng định chuyển đổi số đã trở thành xu thế không thể đảo ngược.

Chuyển đổi số là tiến trình không thể đảo ngược

Áp lực buộc phải đổi mới sáng tạo, phát triển vươn lên trong môi trường cạnh tranh vừa sôi động vừa khắc nghiệt đã khiến cho chuyển đổi số trở thành ưu tiên hàng đầu của các DN trên khắp các lĩnh vực.

Đầu tư cho chuyển đổi số đang tăng nhanh. Theo khảo sát của Deloitte năm 2019, các lãnh đạo tổ chức, DN lớn (ở 123 nước và 28 ngành lĩnh vực) cho biết họ dự tính tăng trung bình 15% ngân sách đầu tư vào các sáng kiến chuyển đổi số. 

Theo báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á 2019, Việt Nam và Indonesia nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực về chuyển đổi số (38%) đạt khoảng 42 tỷ USD vào năm 2025. Để nắm bắt cơ hội này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP (7/3/2019) về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025, Quyết định số 749/QĐ-TTg (3/6/2020) phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

Rõ ràng, xu hướng chung về chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp bách hơn, đặc biệt từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới, giáng đòn nặng nề vào toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của toàn xã hội. Thực tế này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi các DN phải cắt giảm chi phí, điều hành hiệu quả hơn, nâng cao hiệu suất thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thực hiện chuyển đổi số, thay đổi và tìm kiếm các mô hình/phương thức kinh doanh mới.

Hạ tầng số linh hoạt sẽ quyết định thành công của chuyển đổi số - Ảnh 1.

Covid-19 được đánh giá như một "cú hích" bắt buộc các DN đẩy nhanh chuyển đổi số

Nếu nhìn ở một góc độ tích cực, Covid-19 được đánh giá như một "cú hích" bắt buộc các DN cần phải đi nhanh hơn trên con đường chuyển đổi số cũng như tái khẳng định chuyển đổi số đã trở thành xu thế không thể đảo ngược

Đưa khách hàng lên không gian số

Chuyển đổi số DN là một khái niệm có nội hàm rộng, phụ thuộc vào mục tiêu chiến lược của từng tổ chức, DN để có cách tiếp cận phù hợp nhất. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT: "VNPT nhận thấy 3 điểm chung về khái niệm chuyển đổi số: Một là hướng đến chủ thể khách hàng, gia tăng gắn kết, trải nghiệm tích cực giữa tổ chức, DN với khách hàng. Nói đơn giản, đối với khách hàng, phải mời khách hàng lên không gian số để tương tác và thấu hiểu khách hàng thông qua ứng dụng di động, cổng thanh toán, hệ thống phân tích dữ liệu… Hai là, hướng đến các mô hình kinh doanh và dịch vụ mang lại giá trị mới. Một DN số phải sử dụng dữ liệu và công nghệ để phát triển không ngừng nghỉ mô hình bán hàng mới, cách thức giao hàng mới hay những dịch vụ mới. Ba là, tối ưu hóa quy trình vận hành, ra quyết định dựa trên công nghệ".

Hạ tầng số linh hoạt sẽ quyết định thành công của chuyển đổi số - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT tham luận tại hội nghị xây dựng CPĐT và chuyển đổi số DN do Ủy ban QLVNN tại DN tổ chức mới đây.

Về chiến lược hành động đối với chương trình chuyển đổi số quốc gia, VNPT đã và đang tham gia với vị thế DN công nghệ trụ cột. Đối với chuyển đổi số chính quyền, VNPT đã được Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương tin tưởng đồng hành trong nhiệm vụ xây dựng Chính phủ số.

Thế mạnh của VNPT trước tiên là hạ tầng số đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế rộng khắp toàn quốc, bao gồm hạ tầng cáp quang tốc độ cao, mạng di động 4G và sắp tới là 5G, trung tâm dữ liệu ở 3 miền với công nghệ ảo hóa hiện đại. Thế mạnh thứ hai, là thế mạnh về nguồn nhân lực CNTT. Các đơn vị nghiên cứu, phát triển dịch vụ số của VNPT như VNPT-IT, VNPT-Media, VNPT-Technology đang thu hút số lượng lớn các kỹ sư CNTT trình độ cao, đặc biệt là công nghệ 4.0. Hiện tại 63 tỉnh/thành phố đều có sự hiện diện của giải pháp do VNPT cung cấp, trong đó 30/63 tỉnh sử dụng gần như trọn vẹn bộ giải pháp trong hệ sinh thái Chính quyền số của VNPT.

Hạ tầng số linh hoạt sẽ quyết định thành công của chuyển đổi số - Ảnh 3.

Từ những kinh nghiệm trong quá trình chuyển dịch số tại chính VNPT, cũng như kinh nghiệm tư vấn và triển khai chuyển đổi số, ông Liêm chia sẻ 3 kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho DN.

Thứ nhất, đối với bất kỳ một tổ chức hay DN nào, việc chuyển đổi số toàn diện phải được hiểu là một tiến trình liên tục và dài hạn, trưởng thành số là một mục tiêu di động.

Thứ hai, kinh nghiệm chỉ ra chúng ta nên bắt đầu từ đơn vị chức năng back-office như kế toán tài chính, nhân sự, đầu tư… bằng các giải pháp văn phòng số. Lý do vì đây là khu vực ít rủi ro nhất khi áp dụng giải pháp CNTT mà lại giúp cho DN khởi tạo được sự tự tin đối với chuyển đổi số, cũng như bồi dưỡng kỹ năng số cho nhân viên. Lấy ví dụ VNPT đã số hóa 100% các quy trình lõi trong quản trị DN bao gồm: quản trị nhân sự, đầu tư – vốn, kế toán, quản trị tài sản.

Cuối cùng, mọi sáng kiến chuyển đổi số đều quan trọng, nhưng VNPT cho rằng có một vấn đề được coi là đặt nền móng. Đó là hạ tầng số linh hoạt và bảo mật. Điều này có nghĩa là cần vận dụng hạ tầng công nghệ sao cho vừa đảm bảo an toàn và tính riêng tư của thông tin, vừa mềm dẻo thích ứng với nhu cầu biến đổi linh hoạt và sự phát triển mới của quy trình hoạt động, quy trình kinh doanh.

Để thực hiện điều này, hạ tầng số phải lấy điện toán đám mây làm trụ cột. Tiếp theo là phát triển và sử dụng các nền tảng số thay vì các ứng dụng riêng lẻ. Nền tảng (platform) cho phép tái sử dụng và phát triển các ứng dụng như một dịch vụ (Software-as-a-service). Việc lựa chọn hạ tầng số, các nền tảng số và các ứng dụng như một dịch vụ phù hợp sẽ giúp đẩy nhanh các sáng kiến chuyển đổi số và tạo ra lợi thế cạnh tranh của DN.

TH