5 tỉnh khu vực Tây Nguyên: Đẩy mạnh cải cách TTHC, xây dựng CPĐT
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:44, 19/11/2020
Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng làm việc với 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) tại các địa phương này.
Tích cực triển khai xây dựng CPĐT, cải cách TTHC
Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ. Từ đó tập trung hết sức cho cải cách hành chính, xây dựng CPĐT.
Đối với 5 địa phương khu vực Tây Nguyên, mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng đã tích cực triển khai xây dựng CPĐT, cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Cả 5 tỉnh hiện đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia; bước đầu đã triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.
Hiện nay, Lâm Đồng là tỉnh đang cải cách mạnh mẽ, tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị thời gian tiếp theo 5 địa phương áp dụng chữ ký số vào quá trình giải quyết hồ sơ điện tử.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng cho biết, đoàn công tác rất quan tâm triển khai DVCTT để phục vụ người dân, DN. 5 tỉnh khu vực Tây nguyên là địa phương có địa giới hành chính rộng, việc người dân đến các trung tâm hành chính tại địa phương có thể còn khó khăn, tốn kém, mất thời gian đi lại. Vì vậy, Tổ trưởng Tổ công tác mong muốn 5 địa phương đẩy mạnh kết nối, đưa DVCTT lên Cổng DVCQG để người dân, DN làm TTHC không phụ thuộc thời gian, địa giới hành chính.
Đánh giá cao tỉnh Lâm Đồng đang vận hành hiệu quả Trung tâm điều hành thông minh TP. Đà Lạt với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh (TPTM), Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh TPTM thực chất là mang đến các lợi ích, dịch vụ tốt nhất cho người dân. Vì vậy, việc đẩy mạnh kết nối các dịch vụ công để phục vụ người dân, DN chính là một trong những mục tiêu xây dựng TPTM của tỉnh Lâm Đồng.
Gửi, nhận văn bản điện tử tại một số địa phương tăng 2,5 lần
Đến nay có 5/5 tỉnh đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk đã liên thông gửi, nhận văn bản điện tử cả 4 cấp hành chính trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước như Lâm Đồng tăng 5 lần, Đắk Lắk tăng 2,5 lần, Kon Tum và Gia Lai tăng 2 lần, còn Đắk Nông có số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục còn thấp. Một số tỉnh đạt tỷ lệ cao về gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan trong tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật) như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum.
Các tỉnh đều đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền, bước đầu đã triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Một số tỉnh có số lượng xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử nhiều như Kon Tum (95% cấp tỉnh, 85% cấp huyện, 70% cấp xã), Đắk Lắk (100% cấp tỉnh, 60% cấp huyện, 30% cấp xã).
Đắk Lắk và Kon Tum đã áp dụng chữ ký số cá nhân của lãnh đạo tỉnh trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử.
Đối với tình hình triển khai cung cấp DVCTT và tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG, hiện tất cả các tỉnh đã triển khai kết nối với Cổng DVCQG và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái và kết quả xử lý hồ sơ.
Lâm Đồng, Kon Tum là hai tỉnh đã triển khai tốt việc tích hợp, cung cấp DVCTT trên Cổng DVCQG lần lượt là 173 và 204 dịch vụ công.
Trong nhiệm vụ Chính phủ giao về cải cách TTHC, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị 5 địa phương tiếp tục các nhiệm vụ, xây dựng CPĐT, cụ thể là ứng dụng CNTT để tạo ra các cải cách thực chất; chính quyền với chính quyền và chính quyền với cán bộ công chức, đề nghị các địa phương quan tâm đến gửi nhận văn bản điện tử.
Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị 5 địa phương thống nhất, đẩy mạnh phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ và các đơn vị liên quan để đến ngày 30/11 hoàn thành việc ký số tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Đồng thời, đề nghị các địa phương trong triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính không cầu toàn, học hỏi những điểm các địa phương khác đã làm hiệu quả trong cải cách TTHC.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị 5 địa phương kết nối mạnh mẽ với Trục liên thông văn bản quốc gia, hoàn thành trước 30/11/2020.
Riêng đối với các dịch vụ công, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các địa phương rà soát, cấu trúc lại quy trình, tăng tốc độ kết nối với Cổng DVCQG; chọn dịch vụ người dân, DN cần nhất thực hiện kết nối trước, quyết tâm hoàn thành kết nối 30% dịch vụ công vào Cổng DVCQG vào cuối năm 2020.