Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 21:54, 18/11/2020

Chiều nay (18/11), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam 2020 (Vietnam Open Summit 2020) với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia".

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia số vào năm 2030. Và năm 2020 được coi là điểm khởi đầu cho Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, khởi động cho một giai đoạn mới đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội.

Để thúc đẩy Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, ngày 18/11/2020, Bộ TT&TT đã tổ chức Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam 2020 theo hình thức trực tuyến với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia" hướng tới mục tiêu phát triển và làm chủ công nghệ số.

Đưacông nghệ số thâm nhập mọi ngõ ngách của đời sống xã hội bằng công nghệ mở

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "CNTT, công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trở thành không khí thở của chúng ta. Và vì thế, nó phải rẻ như không khí. Và cách để đạt được điều đó là công nghệ mở".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sự sáng tạo toàn dân chỉ có thể xảy ra khi công nghệ là mở - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở Open RAN. Mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở

Theo Bộ trưởng, công nghệ mở ngày nay không còn chỉ là mã nguồn mở nữa, mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở. Và đi cùng công nghệ mở là văn hóa mở. Tất cả chúng ta cùng đóng góp phát triển công nghệ, cùng chia sẻ sử dụng công nghệ. Và vì thế mà giá công nghệ sẽ rẻ đi. CNTT, công nghệ số đã trở thành nền tảng của kinh tế - xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng, cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Nhưng tất cả các quốc gia đều lo lắng về an ninh mạng. Niềm tin sẽ số trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc di chuyển này. Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin này khi công nghệ họ sử dụng là công nghệ mở.

"Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng. Không còn như trước đây, chúng ta mua một "Black box" từ một quốc gia khác và phó mặc số phận của quốc gia mình cho một quốc gia khác. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ khi công nghệ là mở, nhất là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia. Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở Open RAN. Mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở", Bộ trưởng khẳng định.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng: "Sự sáng tạo vĩ đại nhất là sự sáng tạo của toàn dân. Và cũng chính sự sáng tạo này mới có thể giải quyết các vấn đề, các bài toán của từng cá nhân, từng tổ chức nhỏ và của từng quốc gia. Không một công ty nào, một tập đoàn đa quốc gia nào, dù qui mô to đến đâu, có thể giải quyết mọi bài toán, đáp ứng mọi nhu cầu thay đổi. Không ai có thể hiểu bài toán, vấn đề của mình hơn chính mình và vì thế, chúng ta sẽ là người tốt nhất để giải bài toán của mình. Sự sáng tạo toàn dân chỉ có thể xảy ra khi công nghệ là mở".

Để minh chứng, Bộ trưởng cho biết: Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều ứng dụng số Việt Nam, trong đó có Bluezone, CoMeet, đã được mở mã nguồn hoặc phát triển rất nhanh trên nền nguồn mở, đáp ứng các nhu cầu rất Việt Nam, góp phần chống dịch và đưa cuộc sống lên trạng thái bình thường mới.

Cũng theo Bộ trưởng, dữ liệu là dầu mỏ. Trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu, nhất là càng nhiều loại dữ liệu khác nhau thì cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. Người có dữ liệu và người tạo ra giá trị mới từ dữ liệu đó trong nhiều trường hợp không phải là một. Bởi vậy việc mở dữ liệu và dữ liệu mở là quyết định trong việc tạo ra giá trị mới cho người dân, cho đất nước. Bộ TT&TT đã ra mắt cổng quốc gia về mở dữ liệu data.gov.vn và hiện đã có trên 10.000 bộ dữ liệu.

Nghiên cứu sản xuất thiết bị dựa trên công nghệ mở, theo nhận định của Bộ trưởng, sẽ cho phép các DN công nghệ hợp tác, kết hợp sức mạnh của nhau để đi nhanh hơn, chuyên sâu hơn để công nghệ xuất sắc hơn. Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G, mặc dù xuất phát của chúng ta là thấp, rất ít người, cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được.

Hai DN công nghệ lớn của đất nước là Viettel và VinGroup, sau một thời gian độc lập phát triển công nghệ 5G, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT đã thống nhất hợp tác phát triển 5G theo chuẩn mở Open RAN. VinGroup tập trung làm phần vô tuyến - phần cứng, Viettel tập trung làm phần xử lý tín hiệu - phần mềm, và tích hợp thành sản phẩm thương mại. Sự hợp tác này đã đẩy nhanh tiến độ làm chủ thiết bị, cũng như kết hợp thế mạnh công nghệ của nhau để có được thiết bị 5G cạnh tranh quốc tế.

Ngoài ra, sự kết hợp này cũng cộng lại thị trường của hai tập đoàn để tạo ra một thị trường lớn hơn. Trong nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao thì thị trường có vai trò không kém gì công nghệ.

Với một nước đi sau như Việt Nam, theo Bộ trưởng, muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. "Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, DN tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại".

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở, không chỉ là cam kết mà đây còn là chiến lược của chúng ta. Không chỉ là chiến lược mà đây còn là chương trình hành động của chúng ta".

"Mỗi cơ quan, DN hãy nhận lấy cho mình một sứ mệnh, một bài toán và cam kết hành động. Cơ quan nhà nước hãy hành động để xây dựng chính sách, chiến lược. DN hãy hành động để phát triển các nền tảng. Các cơ sở đào tạo hãy hành động để nuôi dưỡng và phát triển cộng đồng", Bộ trưởng kêu gọi.

Việt Nam đang ở đâu trên bàn đồ phần mềm nguồn mở thế giới

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT chia sẻ mạng xã hội lớn nhất của giới lập trình viên trên thế giới Github có 40 triệu lập trình viên đang hoạt động. Nhiều lập trình viên không phải lập trình viên chuyên nghiệp, đang đóng góp vào phát triển phần mềm nguồn mở (PMNM). Trên Github đang lưu trữ 44 triệu kho mã nguồn mở. Trong năm 2019, 87 triệu yêu cầu cập nhật phần mềm trên Github và đặc biệt có 20 triệu vấn đề đã được giải quyết xong, tức là 20 triệu bài toán đã được giải quyết trên Github.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sự sáng tạo toàn dân chỉ có thể xảy ra khi công nghệ là mở - Ảnh 2.

Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Đường: PMNM mà còn là dữ liệu mở, là dữ liệu cấp quyền cho mọi người cùng sử dụng, truy cập, chia sẻ

Về sử dụng PMNM trên thế giới, ngoài Mỹ, Trung Quốc là nước đứng thứ 2 về ứng dụng PMNM trong các nền tảng số, sản phẩm CNTT của mình. Việt Nam đứng trong top 20 thế giới và đứng thứ 3 trong ASEAN về sử dụng PMNM, sau Indonesia, Singapore. Về đóng góp cho cộng đồng PMNM thế giới, Việt Nam chưa lọt vào top 10. Trong top 10, khu vực Đông Nam Á có Indonesia đứng thứ 4 với mức tăng trưởng 42%.

Những con số này, theo ông Đường, nói lên rất nhiều về quy mô, chất lượng nguồn nhân lực lập trình viên của Việt Nam và khả năng làm chủ các dự án nguồn mở. Theo đó, chúng ta cần phấn đấu để Việt Nam vào top 10.

Ông Đường nhấn mạnh, PMNM không phải đơn giản là một trào lưu, một xu thế, đặc biệt đối với các tập đoàn công nghệ lớn. Trong nhiều năm, Microsoft gần như đối nghịch với cộng đồng nguồn mở và bây giờ Microsoft đã tuyên bố là công ty nguồn mở, đánh dấu bằng một động thái là năm 2018 Microsoft đã mua lại Github, trị giá 7,4 tỷ USD và đã đầu tư thêm, phát triển thêm cộng đồng này, thậm chí rất nhiều nền tảng nguồn mở của Microsoft như Windows được tích hợp thêm các nhân mã mở. IBM năm 2019 đã mua Redhat năm 2019 với giá 34 tỷ USD để đưa nền tảng đám mây nghiêng hẳn về phía nguồn mở, công nghệ mở. Rồi các tập đoàn lớn như Google, Facebook… đang là những tập đoàn dẫn dắt cộng đồng nguồn mở hiện nay.

PMNM với các ưu việt là tự do sử dụng, tự do sao chép, chỉnh sửa, tự do phân phối, chia sẻ… Đồng thời, PMNM cũng được sử dụng nhiều để tránh vi phạm sở hữu trí tuệ, bản quyền, cửa hậu, cài cắm phần mềm gián điệp... Ngoài ra, PMNM còn tiết kiệm chi phí, huy động các nguồn lực của cộng đồng, cả cộng đồng quốc tế, làm chủ toàn bộ quy trình phát triển sản phẩm, đào tạo phát triển đội ngũ…

Ngày nay, xu hướng mở không còn chỉ là PMNM mà còn là dữ liệu mở, là dữ liệu cấp quyền cho mọi người cùng sử dụng, truy cập, chia sẻ có định dạng mở để người và máy cùng có thể đọc được. Việc này, theo ông Đường, giúp cho công khai, minh bạch, kích thích sáng tạo và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cũng như tăng khả năng dự báo, giảm thiểu thảm hoạ.

Đề xuất phát triển cộng đồng ở tập trung 3 trụ cột

Trước những cơ hội PMNM mang lại, ông Đường cho rằng, hiện nay chính sách của Việt Nam để phát triển PMNM không đi sau. Vấn đề là cần phải thúc đẩy thực thi. Theo đó, định hướng phát triển PMNM tập trung vào 3 trụ cột chính là: Hệ sinh thái mở "Make in Vietnam", thúc đẩy văn hoá mở, phát triển cộng đồng mở.

Theo ông Đường, cần thúc đẩy việc thực thi chính sách, ưu tiên sử dụng các sản phẩm, nền tảng số, ứng dụng chuẩn mở, nguồn mở, đánh giá và ra mắt các nền tảng số ứng dụng công nghệ mở, khuyến khích các chuẩn kết nối mở, định dạng dữ liệu mở để sử dụng trong các cơ quan nhà nước.

Trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, cần có các dự án, đề tài lớn nghiên cứu PMNM đi vào thực chất, trong đó có các tiêu chí đánh giá thực chất, như tiêu chí tham gia cộng đồng mở thế giới như Github, nghĩa là 1 dự án, đề tài nguồn mở thì phải đưa được lên Github để có được những đánh giá. Hoặc việc học tập, giảng dạy PMNM cũng phải được đánh giá thông qua việc tham gia đóng góp vào các cộng đồng PMNM quốc tế.

Ông Đường cho rằng, để phát triển hệ sinh thái công nghệ mở, các DN công nghệ đặc biệt các DN công nghệ lớn phải làm gương cùng với các startup. "Chúng ta có nhiều tiềm năng chúng ta phải thúc đẩy phát triển các nền tảng mở".

Về phát triển cộng đồng PMNM, cần thúc đẩy văn hóa mở với sự tham gia của cộng đồng các trường ĐH, DN công nghệ, và sự tham gia đo lường của cộng đồng thế giới như Github hay các mạng xã hội khác.

Để thúc đẩy PMNM tại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch CLB PMNM VFOSSA đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần định nghĩa và duy trì luật chơi thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích/áp đặt ứng dụng công nghệ mở cho hệ thống công; Ban hành, cập nhật tiêu chuẩn mở; Công bố các nguồn dữ liệu mở của Nhà nước.

Trong khi đó, các DN lớn cần dẫn dắt cuộc chơi trong từng lĩnh vực ("sếu đầu đàn"); Lôi kéo, tạo sân chơi sáng tạo cho các DN nhỏ và vừa (SME); Gương mẫu trong tuân thủ nguồn mở, đóng góp trở lại cho cộng đồng. Các SME phát huy lợi thế linh hoạt, sắc sảo trong sử dụng công nghệ mở đi đầu ứng dụng công nghệ mở để tạo ra các dịch vụ mới.

10 chương trình hành động năm 2021 của Diễn đàn

Qua các đề xuất của đại diện các đơn vị tham gia trình bày, ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận. Thay mặt Ban Tổ chức Diễn đàn, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa đã tuyên bố Chương trình hành động năm 2021 của Diễn đàn gồm:

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sự sáng tạo toàn dân chỉ có thể xảy ra khi công nghệ là mở - Ảnh 3.

Phó Cục trưởng Đỗ Công Anh công bố 10 chương trình hành động của Diễn đàn

1. Xây dựng và trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ mở để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

2. Ban hành các tiêu chí, tiến hành đánh giá, công bố và khuyến nghị việc sử dụng phần mềm, nền tảng công nghệ mở.

3. Hoàn thành nền tảng điện toán đám mây Chính phủ trên nền tảng Open Stack (Giai đoạn 1).

4. Công bố nền tảng mở cho camera thông minh, cho phép cộng đồng xây dựng ứng dụng chạy trên nền tảng camera thông minh.

5. Làm chủ công nghệ 5G dựa trên công nghệ mở OpenRan. Xây dựng và phát triển cộng đồng OpenRan tại Việt Nam lớn mạnh và có dấu ấn đóng góp vào sự phát triển của OpenRan trên thế giới.

6. Thiết lập nền tảng mở cho AI Việt Nam bằng việc chia sẻ các nghiên cứu khoa học, mã nguồn, mô hình đã được huấn luyện và các bộ dữ liệu mở (đặc biệt các dữ liệu đặc thù của Việt Nam) phục vụ AI.

7. Nghiên cứu, xây dựng nền tảng VnEdu-Blockchain và thí điểm ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục.

8. Mở rộng phạm vi hoạt động của CLB PMNM Việt Nam để thúc đẩy phát triển của cộng đồng công nghệ mở.

9. Xây dựng Trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ mở (OpenTech Center of Excellences).

10. Xây dựng Cổng công nghệ mở GovTech cho Việt Nam.

Lan Phương