Vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia
Chính phủ số - Ngày đăng : 16:25, 18/11/2020
Khẳng định vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong chuyển đổi số nền kinh tế
Phát biểu tại Hội nghị "Xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của doanh nghiệp (DN)" ngày 18/11, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban chia sẻ: "Các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta: Đầu tàu, hướng dẫn, dẫn dắt các thành phần khác trong việc phát triển các lĩnh vực đặc biệt, như các lĩnh vực cần nhiều vốn đầu tư, có hàm lượng khoa học cao, một số lĩnh vực đặc biệt mới hình thành. Bảo đảm phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia, vai trò quan trọng trong gánh vác chức năng xã hội".
Với độ "phủ" rộng lớn của mình, các Tập đoàn/Tổng công ty thuộc Ủy ban, khi chuyển đổi số sẽ tạo ra hiệu ứng dẫn dắt chuyển đổi số đối với những lĩnh vực nền kinh tế như: ngành năng lượng (điện, xăng dầu, dầu khí); ngành viễn thông (VNPT, MobiFone); ngành giao thông vận tải; lương thực; nông lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch UBQLVNN: Tập đoàn/Tổng công ty thuộc Ủy ban phải đi đầu trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, phải là trung tâm đổi mới sáng tạo
Khi các đầu tàu chuyển mình, hàng loạt các DN vệ tinh và đơn vị thành viên bắt buộc phải có sự thay đổi để tạo sự đồng bộ và thích ứng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trước hết trong nội bộ các nhóm Tập đoàn/Tổng công ty; tiếp đến là áp lực cạnh tranh và yêu cầu hiện đại hóa phải chuyển đổi số. Trong một chừng mực nhất định, các DN có mức ứng dụng công nghệ cao sáng tạo ra các sản phẩm/dịch vụ mới theo công nghệ số, tạo hiệu ứng kích thích chính các khách hàng của mình cũng phải chuyển đổi số.
Các DN lớn với tiềm lực về nguồn nhân lực, vốn đầu tư và quy mô thị trường sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực hình thành các tiêu chuẩn về hệ thống/kỹ thuật; các bài học kinh nghiệm; quy trình triển khai để các DN nhỏ và vừa làm theo.
Để thực hiện tốt vai trò này, các Tập đoàn/Tổng công ty phải đi đầu trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, phải là trung tâm đổi mới sáng tạo: đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Song song đó, các Tập đoàn/Tổng công ty cần tăng cường trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với nhau về chuyển đổi số: kinh nghiệm về chuyển đổi thống nhất hạ tầng CNTT/đám mây; triển khai các ứng dụng CNTT hiệu quả trong quản trị điều hành - ưu tiên/tạo điều kiện sử dụng sản phẩm giải pháp của các DN trong Ủy ban.
Nâng cao năng lực số và hình thành các DNcông nghệ số Việt Nam
Đối với Tập đoàn/TCT công nghệ thuộc Ủy ban là VNPT và MobiFone, theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, ngoài việc thực hiện chuyển đổi số nội bộ, cần nâng cao năng lực số - khẳng định vai trò thực hiện chuyển đổi số cho Chính phủ/chính quyền và các DN khác.
Cụ thể, hai DN này cần chuẩn bị năng lực số: hạ tầng số; danh mục sản phẩm giải pháp số theo các lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các Tập đoàn/Tổng công ty khác trong Uỷ ban thực hiện việc chuyển đổi số theo các ngành/lĩnh vực, nhằm tích lũy kinh nghiệm để tham gia chuyển đổi số cho các DNkhác cùng lĩnh vực đó, góp phần số hóa nền kinh tế quốc gia.
Ủy ban đánh giá cao các kết quả đóng góp của VNPT và MobiFone trong việc tham gia chuyển đổi số cho Chính phủ/bộ/ban ngành, điển hình là các công việc như: Dịch vụ Data Center/Cloud; Trục liên thông văn bản quốc gia; Cổng dịch vụ công; Hệ thống báo cáo chỉ tiêu kinh tế xã hội của Chính phủ; Hệ thống văn bản điều hành; chuyển đổi số DN với các giải pháp hạ tầng: nền tảng dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC); dịch vụ chuyên gia mạng (managed network service), quản trị DN, chăm sóc khách hàng (tổng đài khách hàng DN mBiz360)…
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh cũng chia sẻ định hướng đối với các Tập đoàn/Tổng công ty về những công việc cần làm trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức và quyết tâm về việc chuyển đổi số. DN có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; trong đó, việc xác định sớm lộ trình và kế hoạch cụ thể của mỗi Tập đoàn/Tổng công ty; phải coi việc này vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp, giai đoạn này vừa là cơ hội vừa là thách thức để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của mình. Đi nhanh, đi trước sẽ chiếm ưu thế, nếu đi chậm, đi sau thì sẽ giảm năng lực cạnh tranh và mất thị trường.
Thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số. Hình thành văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa, giá trị đạo đức căn bản của con người và chủ quyền số quốc gia. Chuyển đổi số là phương thức để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh doanh của mỗi DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Đây cũng chính là nội dung đã được Bộ Chính trị nhấn mạnh tại Nghị quyết số 52-NQ/TW.
Các lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân sẽ phải thay đổi nhanh nhất, đó là các lĩnh vực: Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp, công nghệ thông tin và viễn thông.
"Chúng ta đang có một chính phủ kiến tạo, theo đó các vấn đề về thể chế chính sách đang dần được hoàn thiện, lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Cần xác định một định hướng lớn rằng: DN công nghệ số Việt Nam phải là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu. VNPT, MobiFone và các DN khác phải nắm vững định hướng này", Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.