45 sản phẩm, giải pháp, 17 doanh nghiệp ATTT Việt Nam đạt "Chìa khoá vàng" 2020
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 11:58, 18/11/2020
Ngày 18/11/2020 tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam (VNISA) đã tổ chức Lễ công bố và trao tặng danh hiệu Chìa khóa vàng 2020.
Sau gần 3 tháng triển khai thực hiện, Chương trình Bình chọn 2020 của VNISA đã lựa chọn và trao danh hiệu Chìa khóa vàng cho 45 sản phẩm, dịch vụ, ATTT; giải pháp CNTT an toàn tiêu biểu phục vụ cho chuyển đổi số của 17 doanh nghiệp, tổ chức ATTT trong cả nước theo 5 hạng mục. Kết quả cụ thể như sau:
Hạng mục "Sản phẩm ATTT chất lượng cao xuất sắc": 07 sản phẩm
Hạng mục "Sản phẩm ATTT triển vọng xuất sắc": 12 sản phẩm
Hạng mục "Dịch vụ ATTT tiêu biểu": 15 dịch vụ
Hạng mục "Giải pháp CNTT an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số": 06 giải pháp
Hạng mục "Giải pháp hóa đơn điện tử an toàn": 05 giải pháp
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định: "Bộ TT&TT xác định ATTT mạng là điều kiện then chốt, tiên quyết để phục vụ chuyển đổi số. Trong vấn đề an toàn an ninh mạng, vấn đề làm chủ công nghệ cũng được xác định là yếu tố căn cơ, then chốt".
Cũng theo Thứ trưởng, Bộ TT&TT cùng với VNISA luôn đặt ra mục tiêu phát triển kép là làm chủ công nghệ, giải pháp, sản phẩm an toàn an ninh mạng trong nước, từ đó chúng ta vươn ra thị trường toàn cầu. Trong những năm qua, VNISA đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ DN trong lĩnh vực này một cách hiệu quả.
VNISA cũng là cầu nối giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là đối với Bộ TT&TT. Những kết quả hoạt động của Hiệp hội trong thời gian vừa qua đã góp phần tích cực thúc đẩy lĩnh vực ATTT mạng của Việt Nam. Năm 2020 là năm thứ 5 VNISA tổ chức bình chọn sản phẩm, dịch vụ ATTT trong nước. Tiếp nối thành công của những chương trình trước đây, Bộ TT&TT đánh giá đây là hoạt động có ý nghĩa tích cực. Uy tín của chương trình cũng không ngừng được nâng cao sau mỗi lần tổ chức, thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, DN trong lĩnh vực tham gia ủng hộ.
Năm nay, theo Ban tổ chức, có 56 sản phẩm đến từ 18 DN tham dự, số lượng sản phẩm tăng hơn năm ngoái 87%. Đây là tín hiệu đáng mừng, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao hơn năm trước. Thông qua chương trình sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của sản phẩm, dịch vụ nội địa, tạo niềm tin cho người sử dụng, qua đó mở rộng thị trường cho DN.
Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT kêu gọi các tổ chức, DN cùng tham gia tích cực vào hoạt động này. Những gì chúng ta đạt được đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều bài toán về sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng trong nước cần DN chung tay giải quyết như giải bài toán nhu cầu thiết bị tường lửa để bảo vệ mạng nội bộ, người dân của 1.000 xã của Việt Nam khi mà sản phẩm trên thị trường vẫn có mức giá cao hay giải pháp truy cập Internet hiệu quả, chi phí hợp lý, dễ dàng triển khai cho các trường học trên toàn quốc.
"Đây là bài toán nhức nhối của xã hội và cũng là sứ mệnh của DN ATTT cùng tham gia giải quyết", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Chìa khóa vàng 2020 khẳng định chất lượng sản phẩm, dịch vụ ATTT Make in Vietnam
Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hội đồng bình chọn Chìa khóa vàng 2020 cho biết giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT - truyền thông, vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã hiện hữu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và có vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia. Năng lực bảo đảm ATTT của đất nước được dựa trên một nền tảng hết sức quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và hệ sinh thái ATTT do các DN Việt Nam làm chủ.
Để góp phần hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các các sản phẩm, dịch vụ ATTT của Việt Nam, từ năm 2015, VNISA đã đồng hành cùng DN ATTT trong Chương trình Bình chọn sản phẩm, dịch vụ ATTT xuất sắc, tiêu biểu thường niên. Và đến năm 2020, Chương trình đã được đổi tên là Chương trình bình chọn Chìa khóa vàng.
Từ 1 hạng mục bình chọn năm 2015, tới năm 2020, Chương trình đã đưa ra 05 hạng mục, với sự tham gia của nhiều các loại hình sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ATTT Việt Nam. Chương trình đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của các DN ATTT với các sản phẩm, dịch vụ được ứng dụng công nghệ tiến tiến trên thế giới và từng bước chiếm lĩnh các thị trường an toàn, an ninh mạng trọng yếu trong nước.
Buổi Lễ trao tặng danh hiệu Chìa khóa vàng 2020 nhằm tôn vinh các DN ATTT Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, từng bước khẳng định những ưu thế về chất lượng và khả năng đáp ứng thị trường của sản phẩm, dịch vụ ATTT Make in Vietnam.
Chủ tịch Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Kết quả các Chương trình bình chọn cũng là kênh thông tin quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận rõ nét hơn về thị trường sản phẩm, dịch vụ ATTT và đưa ra những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho DN Việt nam một cách phù hợp.
Danh sách đơn vị đạt Danh hiệu "Chìa khóa vàng" 2020: (1)Công ty An ninh mạng Viettel; (2) Công ty TNHH an ninh ATTT CMC (3) Công ty Cổ phần BKAV; (4) Công ty CP Tập đoàn MK; (5) Học viện Kỹ thuật Quân sự; (6) Công ty CP Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông - Tập đoàn VNPT; (7) Công ty CNTT VNPT - Tập đoàn VNPT; (8) Viện 10 - Bộ Tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng; (9) Công ty CP phần mềm và hỗ trợ Công nghệ; (10) Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT; (11) Công ty CP Công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam; (12) Công ty CP tin học Mi Mi; (13) Công ty CP dịch vụ tin học HPT; (14) Công ty CP công nghệ SAVIS; (15) Công ty CP công nghệ thẻ Nacencomm; (16) Công ty CP công nghệ tin học EFY Việt Nam; (17) Tổng Công ty giải pháp DN Viettel.
Danh sách các sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu "Chìa khóa vàng" 2020
Sản phẩm ATTT chất lượng cao xuất sắc, gồm: (1) Giải pháp Tường lửa ứng dụng Web (VCS-SWP) của Công ty An ninh mạng Viettel; (2) Giải pháp Giám sát bất thường trên máy trạm (VCS-aJiant) của Công ty An ninh mạng Viettel; (3) Giải pháp Giám sát an ninh mạng (VCS-CyM) của Công ty An ninh mạng Viettel; (4) Giải pháp giám sát và phòng thủ ATTT CMC của Công ty TNHH an ninh ATTT CMC; (5) Hệ thống giám sát và điều hành An ninh mạng Bkav eEye của Công ty An ninh mạng Viettel; (6) Giải pháp Giám sát lớp mạng (VCS-NSM) của Công ty CP BKAV; (7) Giải pháp Phòng chống mã độc và quản trị tập trung CMDD của Công ty TNHH an ninh ATTT CMC.
Sản phẩm ATTT triển vọng xuất sắc, gồm: (1) Khóa bảo mật FIDO® KeyPass S3 của Công ty CP Tập đoàn MK; (2) Giải pháp Phân tích hành vi bất thường (VCS-KIAN) của Công ty An ninh mạng Viettel; (3) Giải pháp Cập nhật tri thức an ninh mạng (VCS-Threat Intelligence) của Công ty An ninh mạng Viettel; (4) Hệ thống phát hiện mã độc thông minh mta-SMaD của Học viện Kỹ thuật Quân sự; (5) Hệ thống camera bảo mật cao của Công ty CP Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông - Tập đoàn VNPT; (6) Giải pháp phát hiện ứng cứu sự cố điểm cuối VNPT của Công ty CNTT VNPT - Tập đoàn VNPT; (7) Tường lửa ứng dụng web CMC của Công ty TNHH an ninh ATTT CMC. (8) Sản phẩm Máy tính an toàn của Công ty CP Công nghệ Công nghiệp BCVT - Tập đoàn VNPT; (9) Sản phẩm Bkav Web Aplication Firewall của Công ty CP Bkav; (10) Sản phẩm Bkav Load Balancer của Công ty CP BKAV; (11) Hệ thống ETX thu thập, xử lý thông tin trên không gian mạng ứng dụng AI của Viện 10 - Bộ Tư lệnh 86; (12) Sản phẩm Bkav VPN Gateway của Công ty Cổ phần BKAV.
Dịch vụ ATTT tiêu biểu, gồm 15 dịch vụ: (1) Dịch vụ Kiểm tra đánh giá ATTT mạng của Công ty An ninh mạng Viettel; (2) Dịch vụ kiểm tra, đánh giá ATTT mạng MISOFT của Công ty CP phần mềm và hỗ trợ Công nghệ; (3) Dịch vụ tư vấn và đánh giá cấp chứng chỉ PCI DSS của Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT; (4) Dịch vụ đánh giá kiểm thử xâm nhập CMC của Công ty TNHH an ninh ATTT CMC; (5) Dịch vụ Giám sát và Xử lý sự cố ATTT mạng của Công ty An ninh mạng Viettel; (6) Dịch vụ đánh giá an ninh mạng của Công ty Cổ phần BKAV; (7) Dịch vụ đánh giá ATTT của Công ty CNTT VNPT -Tập đoàn VNPT; (8) Dịch vụ Giám sát An ninh ATTT CMC của Công ty TNHH an ninh ATTT CMC; (9) Nền tảng điều hành an ninh mạng tập trung FPT.EagleEye mSOC của Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT; (10) Dịch vụ giám sát và vận hành ATTT VNCS SOC của Công ty CP Công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam; (11) Dịch vụ Giám sát ATTT của Công ty CNTT VNPT - Tập đoàn VNPT; (12) Dịch vụ Tư vấn xây dựng Hệ thống Quản lý ATTT theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 của Công ty CP tin học Mi Mi; (13) Dịch vụ giám sát ATTT HPT của Công ty CP dịch vụ tin học HPT; (14) Dịch vụ Rà soát và gỡ bỏ mã độc của Công ty An ninh mạng Viettel; (15) Giải pháp Giám sát An ninh mạng SAVIS SOC của Công ty CP công nghệ SAVIS.
Giải pháp CNTT an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số: (1) Giải pháp Chứng thực điện tử và ký số TrustCA của Công ty CP công nghệ SAVIS; (2) Giải pháp định danh và xác thực điện tử VNPT eKYC của Công ty CNTT VNPT - Tập đoàn VNPT; (3) Giải pháp BAS - Bkav Authentication System của Công ty CP BKAV; (4) Hệ thống Quản lý điều hành văn bản VNPT eOffice của Công ty CNTT VNPT - Tập đoàn VNPT; (5) Giải pháp Trục tích hợp liên thông dữ liệu (VNPT VXP) của Công ty CNTT VNPT -Tập đoàn VNPT; (6) Hệ thống quản lý chứng từ điện tử VNPT DocHub của Công ty CNTT VNPT - Tập đoàn VNPT.
Giải pháp hóa đơn điện tử an toàn, gồm 5 giải pháp: (1) Phần mềm hóa đơn điện tử CA2-EINVOICE của Công ty CP công nghệ thẻ Nacencomm; (2) Phần mềm hóa đơn điện tử iHOADON của Công ty CP công nghệ tin học EFY Việt Nam; (3) Hệ thống Hóa đơn điện tử - Sinvoice của Tổng Công ty giải pháp DN Viettel; (4) Giải pháp EHoaDon của Công ty CNTT VNPT - Tập đoàn VNPT; (5) Hóa đơn điện tử VNPT Invoice của Công ty Cổ phần BKAV.