RCEP sẽ thay đổi nền kinh tế khu vực Đông Nam Á
Hội nhập - Ngày đăng : 09:45, 18/11/2020
Sau một chặng đường dài 8 năm, Hiệp định RCEP đã được ký kết ngày 15/11/2020, bao gồm 15 quốc gia trong đó 10 nước thuộc khối ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN có hiệp định tự do thương mại gồm Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Đây được cho là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử.
Hiệp định RCEP, với thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng và tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, tạo nên một khối tự do thương mại lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến. Các quốc gia thành viên sẽ tham gia vào một thị trường mở về hàng hóa, dịch vụ, cơ hội đầu tư, thương mại trong đó các thủ tục hải quan được đơn giản hóa.
Giới chuyên gia nhận định Hiệp định RCEP được ký kết sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho các nước thành viên, đồng thời giúp tăng cường hội nhập khu vực.
Theo một báo cáo công bố mới đây, RCEP sẽ kết nối khoảng 30% dân số và sản lượng kinh tế của thế giới và trong bối cảnh chính trị phù hợp sẽ tạo ra những lợi ích đáng kể. Cụ thể, RCEP có thể tạo ra thêm 209 tỷ USD vào khoản thu nhập hàng năm của thế giới và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030.
"Ước tính rằng RCEP và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) kết hợp với nhau sẽ bù đắp những tổn thất toàn cầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung", báo cáo cho biết.
Tờ channelnewsasia cho hay Hiệp định RCEP và Hiệp định CPTPP được ký kết vào năm 2018 sẽ thúc đẩy các nền kinh tế tại Bắc Á và Đông Nam Á hoạt động hiệu quả hơn bằng cách liên kết các thế mạnh của những nền kinh tế này, bao gồm công nghệ, sản xuất, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên. Khu vực Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi đáng kể từ RCEP với việc tạo ra thêm 19 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 - nhưng ít hơn Đông Bắc Á vì các nước này đã có những hiệp định thương mại tự do với các đối tác RCEP.
Tác động của RCEP là rất ấn tượng mặc dù hiệp định này không đưa ra những điều khoản khắt khe như CPTPP. Nó khuyến khích các chuỗi cung ứng trên toàn khu vực. Các quy định về sở hữu trí tuệ của RCEP cũng được đề cập ít và hiệp định không nói nhiều đến lao động, môi trường hoặc doanh nghiệp nhà nước - tất cả các chương chính trong CPTPP.
Nhưng RCEP có thể cải thiện khả năng tiếp cận các quỹ của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, nâng cao lợi nhuận từ việc tiếp cận thị trường bằng cách tăng cường các liên kết vận tải, năng lượng và thông tin liên lạc. Các quy tắc xuất xứ thuận lợi của RCEP cũng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài.