ASEAN tiến tới ban hành hướng dẫn chung về phát triển hệ sinh thái 5G

Bản tin ICT - Ngày đăng : 08:34, 18/11/2020

Đây là đề xuất của các đại biểu, đại diện các nước thành viên ASEAN tại Hội thảo trực tuyến về phát triển hệ sinh thái 5G do Bộ TT&TT chủ trì diễn ra trong 2 ngày 16 - 17/11 từ đầu cầu Hà Nội.

ASEAN tiến tới ban hành hướng dẫn chung về phát triển hệ sinh thái 5G - Ảnh 1.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Triệu Minh Long chủ trì Hội thảo

Phát biểu trong phiên Hội thảo chiều ngày 17/11, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT, đơn vị chủ trì Hội thảo cho biết đây là ngày thứ 2 của Hội thảo phát triển hệ sinh thái 5G trong khu vực ASEAN. Trong phiên hội thảo đầu tiên các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế đã trao đổi, chia sẻ và cập nhật chương trình công tác, chính sách phát triển mạng 5G.

Vụ trưởng Triệu Minh Long cũng bày tỏ cảm ơn Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) đã hỗ trợ và tư vấn cho các nước ASEAN phát triển hệ sinh thái 5G trong khu vực ASEAN.

ASEAN tiến tới ban hành hướng dẫn chung về phát triển hệ sinh thái 5G - Ảnh 2.

Ông Makiguchi Eiji, Cục trưởng Cục chiến lược toàn cầu, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản

Là nước đối tác hỗ trợ ASEAN trong thúc đẩy 5G, ông Makiguchi Eiji, Cục trưởng Cục chiến lược toàn cầu, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết: Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của ICT và hạ tầng số, theo đó hạ tầng ICT cần phải được nâng tầm, bao gồm triển khai mạng 5G. Công nghệ 5G không chỉ làm cho việc thông tin liên lạc thông minh hơn mà còn giải quyết các thách thức của xã hội như già hóa dân số, thiên tai thảm hoạ, theo đó, có thể nói mạng 5G là hạ tầng xã hội, cần được triển khai rộng rãi trên toàn quốc và đặc biệt cả ở vùng nông thôn.

ASEAN tiến tới ban hành hướng dẫn chung về phát triển hệ sinh thái 5G - Ảnh 3.

Hành trình triển khai 5G của Nhật Bản

"Nhật Bản mong muốn hỗ trợ các nước ASEAN phát triển hệ sinh thái để thúc đẩy triển khai 5G trên diện rộng. Nhật Bản đã ứng dụng 5G tại các nhà máy, nông nghiệp thông minh, năng lượng, xây dựng... ASEAN cũng có thể phát triển 5G trong các lĩnh vực này", ông Makiguchi Eiji chia sẻ.

Tại Hội thảo, ông Đào Ngọc Tuyển, Vụ Hợp tác quốc tế cho biết để thúc đẩy 5G ở khu vực ASEAN, một cuộc thăm dò về 5G với 5 nội dung chính đã được triển khai gồm: các vấn đề chung, khung chính sách về phát triển 5G, phát triển hệ sinh thái 5G, các trở ngại và các sáng kiến về 5G.

Theo đó, các vấn đề về 5G được các nước ASEAN quan tâm gồm: nhóm đặc trách về 5G, các kế hoạch và chiến lược quốc gia về 5G, các chính sách phổ tần 5G, các chính sách về mạng lưới và hạ tầng, nghiên cứu và phát triển (R&D), các ứng dụng và chuẩn bảo mật 5G.

ASEAN cũng gặp những trở ngại về thúc đẩy 5G gồm mạng lõi, sự sẵn sàng phổ tần, xây dựng nền tảng 5G, các biện pháp bảo mật, khoảng cách giữa tương lai và thực tiễn triển khai hệ sinh thái 5G, sáng tạo ứng dụng 5G cụ thể, khoảng cách số giữa khu vực thành thị và nông thôn, chuyên gia về 5G.

Từ những thực tiễn của nghiên cứu thăm dò này, ASEAN sẽ xây dựng hướng dẫn phát triển hệ sinh thái 5G cho khu vực ASEAN, bao gồm các nội dung về chính sách, quy định, thời gian giới thiệu và triển khai 5G, các ứng dụng 5G điển hình, xây dựng đội ngũ chuyên gia, lộ trình 5G.

Về chính sách, đáng chú ý là khu vực dự kiến xây dựng khung chính sách thử nghiệm "sandbox" để thúc đẩy và ứng dụng 5G, thành lập khu sáng tạo cho nghiên cứu mạng 5G, hình thành trung tâm sáng tạo và thử nghiệm 5G, giảm thuế đối với chi phí R&D 5G.

Nhà mạng Nhật Bản sáng tạo triển khai 5G

Tại Hội thảo, ông Mickey, CEO của Rakuten và Rakuten Mobile, Nhật Bản cho biết cách tiếp cận mang tính cách mạng của Rakuten Mobile đối với lĩnh vực viễn thông đã được ghi nhận rõ ràng. Công ty đã thiết kế và xây dựng mạng di động ảo hóa hoàn toàn từ đám mây đến đầu cuối đầu tiên trên thế giới và tung ra dịch vụ 4G LTE ở Nhật Bản vào đầu năm nay trong thời điểm mà nhiều người mô tả là thời điểm thử thách nhất của thế kỷ này. Sau đó, chỉ 6 tháng sau, công ty ra mắt dịch vụ 5G, cung cấp cho khách hàng gói dịch vụ nâng cấp có tên Rakuten UN-LIMIT V, bổ sung 5G vào gói hiện có mà không phải trả thêm phí.

ASEAN tiến tới ban hành hướng dẫn chung về phát triển hệ sinh thái 5G - Ảnh 4.

Các đại biểu tham dự phiên họp trực tuyến

Sau khi ra mắt 5G gần đây, ông Mickey cho biết thêm Rakuten Mobile đã sẵn sàng đưa kiến trúc mạng của mình ra thế giới thông qua nền tảng truyền thông Rakuten hoặc RCP (Rakuten Communications Platform).

Mục tiêu đằng sau RCP là trao quyền cho các công ty viễn thông và các doanh nghiệp trên toàn thế giới dễ dàng rút ra những bài học Rakuten Mobile đã làm ở Nhật Bản: Cung cấp một mạng di động mở, an toàn, tốc độ và chi phí thấp, tạo ra các dòng doanh thu mới, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ, phong phú.

RCP sẽ mang đến cho nhà mạng mới và cũ quyền truy cập vào thiết kế mạng tốt nhất của Rakuten Mobile, kết hợp công nghệ mới nhất trong ảo hóa và tự động hóa. Quá trình này rất đơn giản, khách hàng của RCP có thể truy cập vào một thị trường trực tuyến, nơi họ có thể nhấp, mua và triển khai mọi thứ cần thiết để chạy mạng di động 5G ảo hóa, riêng, trên nền tảng đám mây của họ, ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Lan Phương