Cuốn sách nghiên cứu mới về giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 08:48, 17/11/2020

Những trao đổi về cuốn sách trong sự kiện góp phần bổ sung thêm những thông tin mới về nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử giáo dục thuộc địa nói riêng.

Nhân dịp ra mắt tác phẩm Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa của TS. Nguyễn Thụy Phương, thuộc Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn Sử Việt (giai đoạn 2), Omega+ kết hợp cùng Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm "Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa" đồng thời ra mắt Tủ sách Pháp ngữ - giai đoạn 2 tại Hà Nội. Giai đoạn 1 của Tủ sách này đã xuất bản được 15 tác phẩm.

Tọa đàm ra mắt sách “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa” - Ảnh 1.

Các diễn giả cùng khách tham dự trao đổi tìm hiểu kỹ hơn về hệ thầng giáo dục của Pháp ở Việt Nam thời thuộc địa

Tham gia tọa đàm, diễn giả cùng khách tham dự đã có dịp tìm hiểu kỹ hơn về hệ thống Giáo dục của Pháp ở Việt Nam thời thuộc địa - một đề tài nghiên cứu vẫn gây nhiều tranh cãi dù đã gần một thế kỷ trôi qua. Những trao đổi về cuốn sách trong sự kiện góp phần bổ sung thêm những thông tin mới về nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử giáo dục thuộc địa nói riêng.

Đồng thời, toạ đàm giúp độc giả Việt có những cái nhìn và đánh giá khách quan về thành tựu và hạn chế của nền giáo dục thuộc địa, mà thời bấy giờ cũng được coi là một công cụ để thực hiện mục đích chính trị của chủ nghĩa thực dân.

Cuốn sách "Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa"

Tác phẩm "Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa - huyền thoại đỏ và huyền thoại đen" tổng hợp những nghiên cứu của TS. Nguyễn Thụy Phương về di sản giáo dục thực dân. Dựa trên những tài liệu và văn bản khai thác được từ các trung tâm lưu trữ nước ngoài, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thuộc địa Pháp, tác giả đã cố gắng phân tích một cách hệ thống về giáo dục Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung thời thuộc địa, từ đó rút ra những thành tựu và hạn chế của nền giáo dục thời kỳ này.

Tọa đàm ra mắt sách “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa” - Ảnh 2.

Cuốn sách tổng hợp những nghiên cứu của TS. Nguyễn Thụy Phương

Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng là "một ca đặc biệt trong Đế chế Pháp". Việt Nam tiền thuộc địa đã có sẵn một hệ thống đào tạo quan bảng, khoa cử lấy khuôn mẫu từ chế độ khoa bảng Khổng giáo Trung Hoa.

Cuối thế kỷ 19, chế độ khoa bảng này mất dần vị trí độc tôn vì khả năng kém thích nghi trước thời cuộc. Chỉ còn mỗi tinh thần hiếu học như một thứ bản sắc văn hóa Việt là vẫn được coi trọng, vì học hành là con đường tiến thân để thành đạt. Người Pháp đã biết cách đặt thuộc tính văn hóa Việt này vào hệ thống giáo dục thuộc địa tại Đông Dương, vốn được coi là một hệ thống đầy đủ và kiện toàn nhất trong tất cả các xứ thuộc địa của Pháp.

Ở những thập niên đầu của thế kỷ 20, tầng lớp tinh hoa Đông Dương kiểu mới được đào tạo trong nhà trường Pháp, tha thiết với quá trình hiện đại hóa, đã bắt đầu tìm cách tận dụng những lợi ích của "sứ mạng khai hóa". Họ đòi hỏi cho con cái họ được học lên bậc trung và đại học, thậm chí trong những ngôi trường trung học danh giá vốn chỉ dành cho học sinh Pháp.

Trường Pháp có tiếp nhận con cái họ nhưng học phí đắt đỏ và đầu ra thì hiếm hoi và bạc bẽo. Hễ khi tình hình chính trị căng thẳng, chính quyền lập tức thít chặt đầu vào ở các trường bên Pháp, chẳng hạn như hạn chế đưa sinh viên Đông Dương sang Pháp trong những năm 1930.

Những ai du học ở Pháp trở về đều chung một suy nghĩ rằng, những giá trị đang thịnh hành ở chính quốc đều bị mất giá trên chính xứ sở của họ. Vì không còn đủ kiên nhẫn về một cuộc cải tổ thuộc địa giản đơn nên trong cuộc đấu tranh, họ huy động và vận dụng những kỹ năng và kiến thúc tiếp thu được từ nhà trường Pháp.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, giáo dục Pháp vẫn "chinh phục" được giới tinh hoa người Việt, Lào và Campuchia. Ngay cả khi ảnh hưởng chính trị và quân sự của Pháp suy yếu từ những năm 1940 trở đi thì tầng lớp này vẫn tiếp tục gửi con em họ đến học ở những trường trung học Pháp.

Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn Sử Việt

Chia sẻ về dự án "Tủ sách Pháp ngữ", ông Vũ Trọng Đại - Giám đốc Công ty sách Omega Việt Nam cho biết: "Với Omega+, việc công bố và xuất bản Tủ sách Pháp ngữ phải đem lại hai tác động, thứ nhất là làm thay đổi tư duy người đọc theo hướng tiếp cận tri thức đa chiều; thứ hai là tạo ra mối quan tâm khai thác kho tàng Pháp ngữ đồ sộ và hết sức giá trị mà bấy lâu nay bị bỏ ngỏ vì được cho là kén độc giả, khó triển khai, khó phát hành.

"Tủ sách Pháp ngữ giai đoạn 2 sẽ tập trung khai thác sách biên khảo, nghiên cứu mới nhiều hơn, những nghiên cứu này đa phần do các học giả đương đại viết, qua đó đóng góp tốt hơn cho giới nghiên cứu trong nước cũng như độc giả phổ thông. Chủ đề cũng rộng hơn: giáo dục thuộc địa và hậu thuộc địa, dân tộc học, dân tộc học tôn giáo, nhân vật - hồi ký, Việt Nam: đô hộ thực dân và kháng chiến dân tộc…"- Ông Đại chia sẻ.

Đây là tủ sách bao gồm những tác phẩm tiêu biểu nghiên cứu về Việt Nam của các học giả Pháp. Tủ sách được hình thành từ năm 2018, kết thúc giai đoạn 1 (tức 7/2020) đã xuất bản được 15 tựa sách, qua giai đoạn 2 đã xuất bản được 3 tựa sách, bao gồm tác phẩm mới nhất: "Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa", như vậy cho đến nay, tủ sách đã xuất bản được 18 tựa sách.

Bắt đầu từ giai đoạn 2, tủ sách sẽ được gọi với tên mới: Tủ sách "Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ". Tủ sách sẽ tập trung khai thác sách biên khảo và các nghiên cứu mới nhiều hơn; những nghiên cứu này đa phần do các học giả đương đại viết, qua đó đóng góp tốt hơn cho giới nghiên cứu trong nước cũng như độc giả phổ thông, thay vì xuất bản nhiều những tài liệu du ký hay ghi chép tản mạn của người nước ngoài như trước đây.

T.H