Thương mại điện tử Đông Nam Á: Nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp
Kinh tế số - Ngày đăng : 16:28, 16/11/2020
Lễ hội mua sắm "Ngày Độc thân" (11/11) khởi nguồn từ Trung Quốc đã lan tỏa đến nhiều nơi trên thế giới và trở thành ngày hội "săn" hàng giá rẻ lớn nhất thế giới hàng năm. Không giống như các thị trường khác, lễ hội mua sắm Ngày Độc thân tại Đông Nam Á (SEA) có nhiều điểm khác biệt.
Trong 5 năm qua, SEA là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất về TMĐT trên toàn cầu. Ngành công nghiệp này đã tăng tốc kể từ năm 2016, với sự đầu tư gia tăng từ các nhà lãnh đạo toàn cầu, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và bí quyết kinh doanh TMĐT tốt.
Theo một nghiên cứu chung từ Bain & Company và Facebook, người tiêu dùng trong khu vực này đã chi tiêu nhiều hơn 23% mỗi năm từ năm 2018 đến năm 2020.
"Người tiêu dùng kỹ thuật số trong khu vực đã gia tăng nhanh và thói quen khám phá của họ đang thay đổi. Việc củng cố độ tin cậy và nổi bật của thương hiệu giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết, khi người tiêu dùng cởi mở hơn với việc chuyển đổi thương hiệu và dựa nhiều hơn vào các nền tảng TMĐT", Gwendolyn Lim, đối tác của Bain & Company cho biết.
Bằng cách cung cấp hàng triệu sản phẩm thuộc nhiều danh mục khác nhau, trải nghiệm web và thiết bị di động tốt nhất, khuyến mại thường xuyên và phạm vi phân phối rộng khắp, doanh thu bán hàng của ba công ty lớn - Lazada, Shopee và Tokopedia - đã tăng hơn 7 lần kể từ năm 2015.
Người dùng Đông Nam Á cũng dành nhiều thời gian hơn trên Internet di động hơn bất cứ ai khác trên hành tinh này, với gần 4 giờ mỗi ngày, trong khi tại Anh và Hoa Kỳ là hơn 2 giờ/ngày, còn tại Đức, Nhật Bản và Pháp là khoảng 1 giờ 30 phút/ngày.
Trong bối cảnh đại dịch, thói quen cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng tại Đông Nam Á đã thay đổi, thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sang kỹ thuật số nhanh và mạnh mẽ hơn ở rất nhiều ngành và lĩnh vực, đặc biệt là các nền tảng TMĐT.
Shopee có trụ sở tại Singapore gần đây đã ghi nhận chiến dịch 9/9 thành công nhất cho đến nay với hơn 12 triệu mặt hàng được bán trong vòng 1 giờ đầu tiên. Trong khi đó, đối với Zalora, kể từ khi bắt đầu tham gia vào ngày 11/11 năm 2014, doanh số bán hàng đã tăng gấp đôi mỗi năm.
Theo một báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company, lĩnh vực TMĐT của khu vực Đông Nam Á chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ ngay trước đại dịch. Tốc độ tăng trưởng vượt gần 600% chỉ trong 4 năm, từ 5,5 tỷ USD năm 2015 lên 38 tỷ USD trong năm ngoái. Chưa dừng lại ở đó, dự báo lĩnh vực TMĐT sẽ vượt 150 tỷ USD vào năm 2025.
Chỉ riêng trong năm 2019, 4 nền tảng TMĐT đã huy động vốn - hoặc đang đàm phán để huy động - tổng cộng khoảng 1,7 tỷ USD. Tokopedia có thể bảo đảm 1,5 tỷ USD trước khi phát hành lần đầu ra công chúng, trong khi Tiki.vn dự kiến huy động được 100 triệu USD. Bukalapak huy động được 50 triệu USD vào tháng 1, còn công ty TMĐT Việt Nam Sendo đã huy động được 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C từ các cổ đông hiện tại cũng như nhà đầu tư mới vào tháng 11.
Ngoài ra, Shopee đã tiếp tục đầu tư 1 tỷ USD trong 4 quý vừa qua, trong khi Lazada có khả năng cũng đầu tư với quy mô tương tự. Bên cạnh việc tăng cường công nghệ và cơ sở hạ tầng kho vận, một phần lớn các khoản đầu tư này còn dành cho việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về TMĐT. Ví dụ, Shopee đã chi khoảng 500 triệu USD cho hoạt động tiếp thị trong 4 quý vừa qua.
Có thể thấy, cơ hội cho các doanh nghiệp là rất lớn, khi ngành TMĐT ở Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines đang tăng trưởng từ 20 - 30% mỗi năm, còn Indonesia và Việt Nam đang dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng trên 40%/năm.
Thị trường TMĐT trong khu vực đang tăng trưởng nhanh chóng do mức tăng trưởng kinh tế tổng thể cao và mức độ thâm nhập Internet ngày càng tăng, điều này cũng có nghĩa là có rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển.