Nhiều nước bắt đầu siết chặt quản lý thuế với Netflix
Phát thanh truyền hình - Ngày đăng : 09:53, 15/11/2020
Netflix do Marc Randolph và Reed Hastings sáng lập vào tháng 8/1997 tại California (Mỹ). Ban đầu, Netflix là một dịch vụ cho thuê phim. Người dùng đặt phim trên trang web của Netflix và nhận đĩa DVD theo đường bưu điện.
Tuy nhiên, hiện nay, Netflix đã phát triển trở thành một trong những nền tảng giải trí trên mạng Internet hàng đầu thế giới. Trong báo cáo thu nhập mới nhất, thu nhập ròng của Netflix trong quý III/2020 là 790 triệu USD với doanh thu 6,4 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020, Netflix đã có thêm 28,1 triệu thành viên trả phí, vượt con số 27,8 triệu vào năm 2019. Tổng cộng, Netflix đang có hơn 195 triệu người đăng ký thuê bao truyền hình trả phí trên toàn cầu.
Với doanh thu khủng nhưng công ty này thường trả rất ít thuế ở những quốc gia không đặt trụ sở đại diện. Đây là một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia.
Các quốc gia quản lý Netflix như thế nào?
Hôm 6/11, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết họ đang chuẩn bị một dự luật theo đó áp dụng mức thuế 5% đối với những "gã khổng lồ" dịch vụ streaming như Netflix và sử dụng số tiền này để phát triển điện ảnh trong nước.
Theo đó, các nhà cung cấp có doanh thu hơn 50 triệu euro được tạo ra từ các dịch vụ ở Tây Ban Nha phải phân bổ 5% doanh thu này để tài trợ cho các tác phẩm nghe nhìn của châu Âu hoặc đóng góp cho Quỹ Bảo vệ Điện ảnh.
Trong số đó, 70% phải được sử dụng để tài trợ cho các tác phẩm của các nhà sản xuất độc lập, bên cạnh mức tối thiểu 40% được dành cho các bộ phim độc lập "bằng bất kỳ ngôn ngữ chính thức nào của Tây Ban Nha".
Đối với những công ty có doanh thu dưới 50 triệu euro, số 5% doanh thu nói trên có thể được chuyển sang mua bản quyền các sản phẩm hoàn chỉnh của châu Âu, nhưng ít nhất 70% phải dành cho các tác phẩm của các nhà sản xuất độc lập.
Còn những công ty có thu nhập dưới 10 triệu euro ở Tây Ban Nha sẽ được miễn khoản đề xuất trên.
Thông báo của Bộ Kinh tế Tây Ban Nha cho biết với dự luật mới này, Bộ sẽ điều chỉnh các điều luật hiện hành "phù hợp với thực tế của thị trường".
Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã chính thức chấp thuận mức thuế 3% đối với doanh thu của những hãng kỹ thuật số như Google, Apple, Facebook và Amazon.
Chính phủ Canada hôm 3/11 cũng công bố dự thảo chính sách quản lý nội dung các dịch vụ truyền phát trực tiếp.
Theo Wall Street Journal, dự thảo C-10 có thể cho phép Ủy ban phát thanh - truyền hình và viễn thông Canada (CRTC) phạt các công ty vi phạm giấy phép đăng ký với số tiền lên đến 10 triệu USD.
Nhiều quốc gia trên thế giới siết chặt quản lý với Netflix.
Hay tại Philippines, hồi tháng 5, nghị sĩ Joey Salceda đề xuất dự luật đánh thuế vào Netflix và nhiều công ty công nghệ nước ngoài. Theo đó, biện pháp này có thể mang về cho Philippines gần 573 triệu USD hằng năm, giúp nước này hồi phục sau tác động của đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, Indonesia đã đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% trên doanh số lên Netflix cùng các công ty công nghệ như Amazon, Google hay Spotify hồi tháng 7. Theo quy định mới, các doanh nghiệp nước ngoài bán sản phẩm, dịch vụ tại Indonesia đạt doanh số ít nhất 600 triệu rupiah (hơn 966 triệu đồng) hoặc có ít nhất 12.000 người dùng truy cập mỗi năm đều phải đóng thuế VAT.
Ngay tại Mỹ, nhiều tiểu bang cũng cố gắng tạo ra nguồn thu từ xu hướng phát triển của các dịch vụ truyền phát trực tiếp phim ảnh, âm nhạc và nhiều loại nội dung truyền thông khác. Một trong những cách được áp dụng là đánh thuế hằng tháng đối với các lượt đăng ký sử dụng dịch vụ.
Đài CNBC cho biết một nửa số tiểu bang tại Mỹ đã bắt đầu đánh thuế trên đăng ký của người dân cho các ứng dụng Hulu, HBO Now và Amazon Prime...
Hồi tháng 8, Hàn Quốc nghi ngờ Netflix cố tình trốn thuế bằng cách tạo báo cáo thâm hụt tài chính. Doanh nghiệp này sau đó bị điều tra tại Hàn Quốc, với cáo buộc trốn thuế nghiêm trọng. Cơ quan Thuế Quốc gia của Hàn Quốc (NTS) đã có chuyến thanh tra văn phòng của Netflix ở Seoul.
Thực tế những nghi ngờ trốn thuế của Netflix đã có từ khá lâu. Năm ngoái, người ta phải đặt nghi vấn khi Netflix đạt lợi nhuận kỷ lục, lên đến 845 triệu USD trong năm 2018, nhưng không phải trả đồng thuế nào ở Mỹ.
Những "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu như Amazon, Google và Netflix thường trả rất ít thuế ở những quốc gia mà họ không đặt trụ sở đại diện. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng những khung chính sách nhằm siết chặt quản lý thuế đối với các công ty này.
(Ảnh minh họa)
Việt Nam rà soát, truy thu thuế với Netflix
Năm 2016, Netflix chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến trên nền tảng này với các gói có mức phí từ 180.000 - 260.000 đồng/tháng. Hiện tại, ứng dụng này có khoảng 300.000 thuê bao tại Việt Nam. Netflix thu mỗi thuê bao ít nhất 120 USD/năm, tương đương doanh thu mỗi năm lên đến 30 triệu USD (khoảng 700 tỷ đồng).
Theo một khảo sát thực hiện hồi đầu tháng 3 bởi Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, Netflix đứng thứ 2 trong top 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến phổ biến tại Việt Nam, chỉ sau FPT Play.
Mặc dù thị phần đứng thứ 2 tại Việt Nam nhưng các dịch vụ của Netflix tại Việt Nam hầu hết đều phải đăng ký sử dụng, thanh toán phí… trực tuyến. Đồng nghĩa số tiền đơn vị này thu được sẽ hoàn toàn đi khỏi Việt Nam mà không ai có thể chặn lại.
Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước và yêu cầu Netflix thống kê doanh thu trong 3 năm từ khi vào Việt Nam để truy thu thuế.
Theo ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế), Luật An ninh mạng đã có hiệu lực nên các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh có thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động trên mạng Internet phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Đồng thời, họ phải có nghĩa vụ chuyển cho cơ quan thuế những dữ liệu này để quản lý thuế.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục củng cố hành lang pháp lý, phối hợp với ngân hàng thương mại, các bộ, ngành làm sạch cơ sở dữ liệu để quản lý thuế. Đồng thời, ngành Thuế cũng đẩy mạnh thanh, kiểm tra đối với các cá nhân, tổ chức đã được tuyên truyền, hỗ trợ về phương tiện kê khai nhưng vẫn không tự giác nộp thuế.
Trước đó, Tổng cục Thuế khẳng định Việt Nam có thu thuế giá trị gia tăng (VAT) với các tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua thuế nhà thầu nước ngoài. Trong đó, Google, Facebook, Netflix… có thu nhập tại Việt Nam thì các doanh nghiệp này đều phải nộp cả thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.