Thay đổi chiến lược giúp Microsoft tăng trưởng gấp 7 lần
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 10:32, 14/11/2020
Thay đổi về sứ mệnh
Thời của CEO đầu tiên - Bill Gates - sứ mệnh của Microsoft là mỗi gia đình sẽ có ít nhất một chiếc máy tính để bàn. Ngày hôm nay, Microsoft đã thay đổi một cách toàn diện trên toàn cầu. Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng Giám đốc thứ 3 của Microsoft, ông Satya Nadella, Microsoft có một sứ mệnh mới đó là trao toàn bộ quyền năng cho các tổ chức và cá nhân trên thế giới để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Đã từng có thời điểm con gà đẻ trứng vàng cho Microsoft là phần mềm - cụ thể là Windows và Microsoft Office. Nhưng giống như mọi thứ khác trong ngành công nghệ, tiến hoá là điều tất yếu phải diễn ra. Các công ty công nghệ từ chối tiến hoá đều sẽ lụn bại.
Microsoft hiển nhiên biết rõ điều đó và họ đã tiến hoá. Một ví dụ rõ ràng là Microsoft Azure. Dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft, cùng với AWS và Google Cloud, đã trở thành một thế lực lèo lái ngành công nghiệp đang thay đổi từng ngày. Azure hiện nay là con gà đẻ trứng vàng trong thế giới mới của Microsoft - nhiều đến mức công ty vẫn đang nắm thành trì vững chắc trên thị trường desktop bắt đầu nhận ra có lẽ còn có những cách tốt hơn nữa để duy trì và củng cố ảnh hưởng lên desktop. Microsoft đã luôn làm mọi thứ trong khả năng của mình để thuyết phục người dùng chuyển từ các phần mềm máy khách thông thường lên đám mây và các giải pháp trực tuyến khác. Các phần mềm của hãng nay cũng đang dần trở thành một dịch vụ trả phí định kỳ nền web.
Với việc dịch chuyển như vậy, ông Satya đang làm thay đổi toàn bộ Microsoft, và đây cũng là lý do tại sao Microsoft đang là công ty trị giá 260 tỷ đô la Mỹ năm 2015, hôm nay đã trở thành 1.600 tỉ đô la Mỹ, tức tăng gấp 7 lần. Và một công ty khổng lồ lại tăng trưởng nhanh như vậy thì bí quyết chỉ có thể là sự thay đổi chiến lược.
Năm 2015, Microsoft vẫn là công ty có các phần mềm khá đóng như những thập niên trước. Nhưng trong Microsoft đã dịch chuyển trở thành công ty ủng hộ và có xu hướng trở thành công ty có nền tảng mở. Ví dụ điển hình là Microsoft đã chi ra 7,6 tỉ đô la Mỹ để mua toàn bộ nền tảng GitHub, đây là nền tảng có 35 triệu kỹ sư phát triển lớn nhất thế giới. Điều này có nghĩa là công nghệ Microsoft đã chấp nhận trở thành công ty công nghệ có nền tảng mở.
Hiện thực hóa sứ mệnh tại Việt Nam
Với sứ mệnh mới, Microsoft duy trì khẩu hiệu "Không để lại ai ở phía sau". Tại Việt Nam, Tập đoàn đã hiện thực hóa điều này thông qua những khoản đầu tư lớn, khoảng 20 triệu USD trong 20 năm hoạt động ở Việt Nam, để phục vụ các mục đích xã hội, và đang tiếp tục gia tăng thêm các giá trị mới cho hoạt động này. "Đó cũng là lý do vì sao tôi về Microsoft", ông Phạm Thế Trường chia sẻ. "Khác với trước đây, Microsoft hiện nay không còn gửi một thư nào gửi đến các doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu bản quyền. Chúng tôi cũng không còn tổ chức các hội thảo giới thiệu Window mới hay Office mới. Nhưng Microsoft Việt Nam hiện nay có mức tăng trưởng rất tốt, dẫn đầu châu Á Thái Bình Dương. Và tôi tin nếu Microsoft thực hiện khảo sát mức hài lòng khách hàng trong thời gian vừa rồi sẽ là rất cao".
Lý do rất đơn giản là hiện nay, Microsoft Việt Nam chỉ cung cấp những cái mà khách hàng thực sự cần và dùng. Microsoft ngày nay trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam không đánh giá sự thành công của tổ chức bằng doanh số bán hàng, mà đánh giá thành công bằng mức tiêu dùng (consumption).
"Tức là nếu chúng tôi bán 10 đồng thì chúng tôi đo xem người dùng đang dùng bao nhiêu trong số 10 đồng đó. Có nghĩa là Microsoft hiện nay đang thu tiền những thứ mà doanh nghiệp thực sự đang dùng chứ không phải những thứ người ta đã mua. Và đây là một cuộc thay đổi rất lớn", ông Trường cho biết.
Dữ liệu của Hãng cho thấy, về sản phẩm, tại Việt Nam, có 4 mảng sản phẩm của Microsoft đang vận hành khá tốt: thứ nhất là môi trường làm việc hiện đại (modern workplace); thứ hai là ứng dụng (business app: CRM, ERP); thứ ba là cơ sở hạ tầng (infrastructure); và mảng cuối cùng là dữ liệu và trí tuệ nhân tạo AI.
Đại dịch COVID-19 là cú hích để toàn bộ xã hội, từ các trường học, doanh nghiệp đến các cơ quan Chính phủ đều có nhu cầu làm việc trực tuyến. Tuy nhiên, khi làm việc trực tuyến cũng đi kèm nhiều rủi ro và chúng ta cần phải có các biện pháp phòng vệ.
Trước đây mọi người dùng rất nhiều nền tảng khác, vì quá dễ dùng, nó rất tiện lợi. Nhưng khi có sự cố xảy ra, mọi người bắt đầu tìm đến Microsoft, một nền tảng có thể nói là không thực sự phổ biến như các nền tảng khác bởi nó là nền tảng chuyên nghiệp và đã là chuyên nghiệp thì sẽ khó dùng, mà khó dùng thì mọi người sẽ ít dùng.
"Chúng tôi cũng hiểu điều đó và cũng đã rất nỗ lực. Mặc dù chúng tôi cho rằng phần mềm, đặc biệt là đối với giáo dục và đào tạo miễn phí, nhưng chúng tôi phải nỗ lực đầu tư rất nhiều tiền. Ví dụ trong thời gian vừa rồi chúng tôi đã đào tạo khoảng 5000 giờ, thuê một công ty quốc tế đào tạo cho khoảng 17.000 giáo viên. Và vừa rồi, chúng tôi đã cấp chứng chỉ chuyên gia giáo viên Microsoft có tên là chứng chỉ MIE cho 183 giáo viên trên toàn quốc. Chúng tôi có sự hỗ trợ của các công ty công nghệ và 50 kỹ sư công nghệ làm việc liên tục 24/7 để cấp và hỗ trợ đào tạo cho các trường học", ông Phạm Thế Trường cho biết.
Cũng trong thời gian dịch bệnh COVID vừa qua, Microsoft cùng với các đối tác đã cung cấp nguồn lực kỹ thuật miễn phí. Microsoft Việt Nam đã triển khai tài khoản Office365 A1 với 23 công cụ trực tuyến như dạy học từ xa, email, lịch học cho học sinh, v.v.. Đây là một nền tảng số đã được tích hợp với các nhà cung cấp dịch vụ hệ thống đào tạo trực tuyến của Việt Nam như VNPT hay Viettel.
Học sinh sẽ được học trong một môi trường làm việc số an toàn không giới hạn thời gian đến hết bậc Đại học, trong khi nếu các doanh nghiệp muốn sử dụng gói Office365 A1 này, họ phải trả mức phí 80 đô la Mỹ/một người trong một năm.
Ông Phạm Thế Trường chia sẻ: "Tính đến nay, chúng tôi đã cung cấp miễn phí 4 triệu tài khoản như vậy cho ngành giáo dục và được Chính phủ mời tham gia chính thức trong Ban chuyển đổi số cho ngành giáo dục".
Ngoài ra, Microsoft cũng đã hỗ trợ thử nghiệm nền tảng này cho các doanh nghiệp, tổ chức không phải là giáo dục. Tuy nhiên, khác với việc miễn phí vô thời hạn thì Microsoft có cung cấp cho các doanh nghiệp dùng tạm thời trong vòng sáu tháng, từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2020 và đã có 400.000 người dùng, trong đó hai trăm ngàn là cán bộ nhà nước, các bộ ngành và cả các Hội đồng nhân dân.
Ông Trường cho biết: "Sau khi cung cấp nền tảng này với 4 triệu tài khoản cho giáo dục và 400.000 tài khoản cho khối ngoài giáo dục, thì chúng tôi có đo lường mức độ sử dụng mà chúng tôi gọi là active user. Theo đó, chúng tôi thấy có một sự cải thiện rất đáng kể nếu như không muốn nói một bước nhảy vọt về việc tăng trưởng sử dụng".
Microsoft là công ty thường xuyên có một đội ngũ đầu tư hỗ trợ cho giáo dục. Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến 2020, Microsoft đã đầu tư một chương trình có tên "Enabling Boat" với 1 triệu đô la Mỹ mỗi năm để xây dựng những con thuyền được trang bị đầy đủ máy móc, công cụ và tài liệu để có thể đi dạy học sinh khu vực sông Mê Kong. Ngoài ra, Microsoft cũng có các chương trình học bổng cho nữ sinh trong công nghệ; những chương trình hỗ trợ và đào tạo hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.
"Riêng đào tạo hướng nghiệp, Microsoft có tiến hành đo lường số người sau khi được Microsoft đào tạo có việc làm với mức lương trên 10 triệu VNĐ/tháng. Rất mừng là con số đó trên 60 %", ông Trường cho biết thêm.
Chính sách giành thị phần khôn ngoan
Việc xác định sứ mệnh: "Chúng tôi truyền cho mọi người và mọi tổ chức trên hành tinh sức mạnh và khả năng để họ đạt được nhiều điều hơn" đã khiến Microsoft thay đổi hoàn toàn chiến lược kinh doanh. Hãng đã thực hiện điều này thông qua tăng khả năng cho mọi người bằng cách đầu tư vào công nghệ, tiền bạc, nhân tài trong công ty và tiếng nói của công ty trong những chương trình đẩy mạnh khả năng hòa nhập kỹ thuật số của mọi người.
Microsoft đang chuyển đổi từ một tập đoàn phầm mềm và các sản phẩm của nó được sử dụng bởi hơn 90% máy tính cá nhân trên toàn thế giới trở thành tập đoàn cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.
Trong vài năm trở lại đây, Microsoft đã cung cấp nhiều phần mềm quan trọng của họ một cách miễn phí: cung cấp bản quyền Windows và Windows Phone miễn phí cho các nhà sản xuất PC hoặc điện thoại di động, bản quyền Office miễn phí cho iOS và Android; nhiều ứng dụng di động cũng được cung cấp bằng con đường miễn phí đến người dùng.
Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là: Việc biếu không phần mềm liệu có mang tiền về cho họ? Câu trả lời nằm ở chiến lược giá trong mô hình kinh doanh Freemium = Free +Premium.
Về cơ bản, chiến lược này bao gồm 4 phần: Acquire, Engage, Enlist, và Monetize (tạm dịch: tìm được, thu hút, tranh thủ tình cảm và thu tiền)
- Acquire là cách mà Microsoft khiến người dùng sử dụng sản phẩm miễn phí, điển hình như Office dành cho máy tính bảng và điện thoại thông minh.
- Engage là kế hoạch của Microsoft nhằm kết nối các sản phẩm phần mềm với những dịch vụ phụ thêm, thành lập nên một hệ sinh thái và níu chân người dùng ở lại với dịch vụ của họ.
- Enlist đơn giản là tìm kiếm các đối tượng khách hàng trung thành, những fan hâm mộ và giữ cho vòng lặp này được tiếp tục.
- Cuối cùng hãng sẽ kiếm được tiền từ những người muốn sử dụng phiên bản cao cấp hơn của các dịch vụ đã được họ móc nối vào.
Vấn đề nghe có vẻ đơn giản nhưng dường như chiến lược kinh doanh của Microsoft này khác với cách làm truyền thống vốn có của Hãng. Trong khi đó, Google là hãng đã áp dụng Freemium từ lâu và đã đạt được khá nhiều thành công. Google đã đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ miễn phí, đổi lấy họ thu về được dữ liệu hoặc kiếm tiền bằng quảng cáo.
Ngược lại, cách làm của Microsoft là tìm kiếm khách hàng trung thành, những người sẽ sẵn sàng chi tiền vào các ứng dụng và dịch vụ họ đang "nghiện".
Mô hình kinh doanh này dễ dàng xây dựng một cơ sở người dùng lớn và lôi kéo nhiều người đến với ứng dụng của bạn và sau đó bạn có thể upsell (bán những tính năng nâng cao). Những người "thử trước khi mua" có nhiều khả năng trở thành người dùng tiềm năng và trung thành sau đó. Mô hình linh hoạt bởi vì nó có thể thích nghi với hầu hết cơ sở người dùng
Với biện pháp miễn phí, Microsoft hy vọng trong vòng 2-3 năm sẽ có ít nhất 1 tỉ thiết bị sử dụng hệ điều hành Windows 10. Lợi nhuận chia sẻ từ các nhà phát triển ứng dụng trên nền Windows 10 thừa sức bù lại sự thua thiệt về doanh số Windows mà hôm nay Microsoft quyết định "hy sinh". Chỉ miễn phí cho việc "nâng cấp" Windows từ các phiên bản cũ hơn lên Windows 10 nhưng Microsoft vẫn tiếp tục thu phí bản quyền cho việc cài đặt Windows 10 lên các máy tính PC mới xuất xưởng và máy PC dùng trong doanh nghiệp. Hệ điều hành Windows dùng trong mảng PC doanh nghiệp (mỗi doanh nghiệp có từ vài chục đến hàng trăm máy) là thế mạnh của Microsoft hiện vẫn mang lại cho công ty mỗi năm khoảng 4 tỉ đô la.
Việc bán bản quyền Windows cho các nhà sản xuất máy tính để họ cài đặt lên máy mới xuất xưởng vẫn sẽ được Microsoft tiếp tục, dù chính sách giá có thể thay đổi để cạnh tranh.
Microsoft cũng quyết định cung cấp Windows miễn phí cho các thiết bị di động có màn hình từ 9 inch trở xuống, coi đây là biện pháp cạnh tranh giành thị trường smartphone và tablet.
Cung cấp miễn phí hệ điều hành Windows 10 có thể là bước đi khôn ngoan về chiến lược để giành lại vị trí và thị phần của Microsoft trên thị trường công nghệ thông tin khi "lợi thế về số đông người dùng" đã trở nên hết sức thiết yếu.
Microsoft là một tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phần mềm, dịch vụ và giải pháp công nghệ thông tin, là người tiên phong trong cuộc cách mạng máy tính cá nhân. Tuy nhiên, với sự đột phá không ngừng trong cùng lĩnh vực của các công ty đối thủ cạnh tranh như Apple, Google,.. thì việc làm thế nào để giữ vững ngôi vương của Microsoft đang được giải quyết một cách rất khôn ngoan.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 13+14 tháng 10/2020)