Video xấu độc vẫn đang âm thầm đầu độc trẻ em

Truyền thông - Ngày đăng : 19:42, 13/11/2020

Không ít video gắn mác dành cho trẻ em nhưng thực chất bên trong nội dung lại ẩn chứa những hình ảnh bạo lực, nhạy cảm, không phù hợp với lứa tuổi trẻ nhỏ vẫn đang xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.

Trong thời buổi công nghệ số bùng nổ, việc trẻ nhỏ tiếp cận, sử dụng điện thoại thông minh vô cùng dễ dàng, trong khi phụ huynh thường có xu hướng "giao phó" điện thoại thông minh, máy tính bảng cho trẻ, mặc con khám phá thế giới qua những video, trò chơi.

Chúng ta tận hưởng những lợi ích từ môi trường mạng, nhưng đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ ham lợi nhuận để câu view, câu like, hòng kiếm danh, kiếm tiền và những kẻ xấu lợi dụng môi trường mạng để thực hiện các hành vi phạm tội. Trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do chưa có đủ kiến thức, tư duy phản biện và các kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân.

Báo động tình trạng trẻ em tiếp xúc với các video xấu độc

Chúng ta không khó để bắt gặp những video với những nội dung độc hại, bạo lực, phản cảm, với hàng loạt các phong trào nổi tiếng như: thử thách nghẹt thở (choking game) - bằng cách tự nín thở hoặc nhờ người khác kẹp cổ, người tham gia sẽ ngừng thở trong một khoảng thời gian; thử thách lửa (fire challenge) - tự đốt bản thân và dập lửa ngay sau đó; hướng dẫn tự tử, ăn xà phòng, dao đâm vào người hoặc nhảy lầu không chết, nhiều câu nói thô thiển biến thành xu hướng, các bài hát chế văng tục, chửi bậy, thiếu tính giáo dục… xuất hiện tràn lan trên YouTube, Facebook…

Đây là những mô típ kích thích trẻ em tự làm hại bản thân, tự hành hạ thân thể, thậm chí tự tử đã được lặp đi lặp lại dưới nhiều hình thức tinh vi và khó nhận biết gây nguy hiểm cho trẻ em.

Và thử thách Momo là một ví dụ, hàng loạt trẻ em trên thế giới đã bị cuốn vào thử thách này, một nhân vật kinh dị đưa ra mệnh lệnh cho những đứa trẻ tự làm hại bản thân, bạo lực gia đình. Điều đáng nói thử thách Momo xuất hiện trên trong những video YouTube Kids, gắn vào những bộ phim hoạt hình mà trẻ hay xem, rồi cả thử thách cá voi xanh - trào lưu nguy hiểm mà nhiều trẻ em trên thế giới đã làm theo dẫn đến những vụ tự tử rất đỗi thương tâm.

Video xấu độc vẫn đang âm thầm đầu độc trẻ em - Ảnh 1.

Thử thách MoMo trên YouTube từng gây lên làn sóng phẫn nộ của phụ huynh trên thế giới

Mới đây, một sự việc đau lòng đã xảy ra khiến các bậc phụ huynh không khỏi bàng hoàng, sợ hãi. Nạn nhân vụ việc thương tâm là một bé gái tên D., (5 tuổi) đã tử vong vì học và làm theo trò treo cổ khi xem YouTube.

Được biết bộ phim hoạt hình mà D thường xem là Heo Peppa Pig được làm nhái dựa theo bộ phim hoạt hình chính thống Peppa Pig (Heo Peppa) là loạt phim hoạt hình dành cho lứa tuổi mầm non của Anh xây dựng lên nhân vật heo peppa rất dễ thương, nhưng loạt phim hoạt hình nhái trên YouTube này không chỉ chứa những hình ảnh bạo lực, máu me mà còn những hình ảnh reo rắc tự tử cho trẻ.

Những nội dung độc hại này đều chọn chung một mô tuýp dựa trên các nhân vật hoạt hình nổi tiếng, được nhiều em nhỏ yêu mến, bắt chước theo như Peppa Pig, Elsa, Spider-Man, Micky Mouse… Nên nếu chỉ đơn giản lướt qua, nhiều bậc phụ huynh cũng dễ bị lầm tưởng huống hồ trẻ con. Do đó, nếu không có sự kiểm soát của người lớn thì trẻ nhỏ rất dễ xem phải những video có nội dung độc hại.

Trên thực tế, một đoạn video có nội dung độc hại một khi trở nên phổ biến sẽ "bình thường hóa các hành động sai trái" làm cho tất cả chúng ta hiểu sai về bản chất của sự việc, những đứa trẻ bị ảnh hưởng sẽ thực hiện những hoạt động bắt chước theo đoạn video ấy một cách tự nhiên mà không ý thức được hành vi của mình.

Chị Minh Hạnh (Thạch Thất, TP. Hà Nội) thường ngày bận rộn công việc không có nhiều thời gian để chơi với con cái nên chị thường xuyên cho con sử dụng điện thoại và máy tính. Mới đây, chị ngỡ ngàng khi thấy hai con nhỏ của mình vô tư văng bậy với người lớn. Lúc này, gia đình mới tá hỏa kiểm soát lại những nội dung con hay xem trên mạng thì thấy rất nhiều video nhạc chế với nền nhạc của một số bài hát đang thịnh hành. Điều đáng nói là những lời nhạc chế này có nhiều ngôn từ không trong sáng, văng tục, chửi bậy và hai đứa con chị thuộc làu làu nhiều lời bài hát mà chẳng cần ai dạy.

Với thực trạng hiện nay, có lẽ cần phải gióng lên một hồi chuông cảnh báo với các bậc cha mẹ vẫn hay có thói quen giao phó con mình cho điện thoại thông minh, máy tính bảng để con tha hồ khám phá mà không biết rằng đó là một môi trường đầy rẫy cạm bẫy với những hệ lụy khó lường cho con trẻ.

Ngăn chặn video xấu độc cần sự đồng lòng từ nhiều phía

Có thể nói việc trẻ nhỏ dùng điện thoại đang là vấn đề mà các phụ huynh rất đau đầu, việc ngăn chặn triệt để những nội dung xấu trên các nền tảng mạng xã hội cũng là một vấn đề nan giải. Do đó, để ngăn chặn cái xấu, tạo một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ và cho tất cả mọi người, chúng ta cần một giải pháp tổng thể, sự chung tay của tất cả các bên liên quan.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, đó không chỉ nên là việc thắt chặt việc quản lý các nội dung xấu độc tràn lan trên môi trường mạng, tức là xử lý việc đã rồi, mà còn cần phát triển các chính sách, các nền tảng và các phong trào tương tác lành mạnh trên môi trường mạng, nỗ lực xây dựng, truyền thông về cái tốt đẹp đẩy lùi cái xấu.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng cũng cần có vai trò trong việc đảm bảo nền tảng của họ là an toàn và hữu ích đối với trẻ em, sẵn sàng gỡ bỏ, ngăn chặn những tài khoản, nhưng nội dung không lành mạnh trên môi trường mạng.

Video xấu độc vẫn đang âm thầm đầu độc trẻ em - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Đối với gia đình và nhà trường, việc giáo dục cho cả cha mẹ, thầy cô và trẻ em về các kiến thức số, bao gồm các rủi ro trên môi trường mạng cần được đẩy mạnh và thực chất để tất cả đều có tư duy phản biện và biện pháp ứng phó với các rủi ro trên môi trường mạng.

Trẻ nhỏ chưa thể phân biệt được những hành động nguy hại nên phụ huynh phải là người định hướng, không nên để con tự do xem bất cứ những gì chúng tò mò. Cha mẹ cần phải giám sát các hoạt động của con trên Internet; phải biết con mình đã tiếp xúc với những nội dung nào để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Để làm được điều này đòi hỏi phụ huynh phải dành nhiều thời gian hơn cho con.

Các tổ chức đoàn, đội cũng cần phải nâng cao nhận thức và có trách nhiệm hơn về việc giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng. Trong các buổi sinh hoạt Đội, sinh hoạt chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, cần hướng dẫn cụ thể việc tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Đã đến lúc việc giáo dục, phổ cập kỹ năng tham gia mạng xã hội phải được đặt ra một cách bài bản và chính thống cho tất cả các em.

Các tổ chức xã hội và các cơ quan báo chí truyền thông cũng cần vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ các thông điệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Những rủi ro trên mạng Internet sẽ còn nhiều và diễn biến phức tạp hơn nữa, nhất là khi lĩnh vực làm video cho trẻ em đang là mảnh đất màu mỡ và dần trở thành xu hướng phổ biến. Để trẻ em có môi trường phát triển an toàn đòi hỏi trách nhiệm và phối hợp hành động thực tế của cả gia đình, nhà trường và các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc định hướng, kịp thời kiểm soát hành vi của trẻ.

Thời gian gần đây, đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn khoảng 900 trang mạng phát tán hình ảnh, video văn hóa đồi trụy, các trò chơi trực tuyến (game online) có tính chất tiêu cực đối với thế hệ trẻ, bao gồm: hơn 100 các trang mạng đăng tải phim lậu; gần 200 các trang trò chơi trực tuyến không phép; gần 300 các trang game bài, cờ bạc và khoảng 300 các trang web khiêu dâm.

MP