Chuyển đổi số trong thương mại điện tử: Tăng trưởng không như kì vọng
Chính phủ số - Ngày đăng : 22:27, 12/11/2020
DN TMĐT lạc quan do thói quen người dùng đã thay đổi
Tại Diễn đàn DN chuyển đổi số Việt Nam ngày 11/11 với chủ đề "Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19", ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, quy mô TMĐT Việt Nam tăng nhanh từ năm 2015 đến năm 2019 với mức tăng trưởng trung bình khoảng 30%/năm. Con số tăng trưởng 2020 sẽ có trong sách trắng của Bộ Công thương ra mắt vào tháng 1-2/2021.
"Lúc đầu, tôi nghĩ năm 2020 sẽ tăng trưởng tốt nhờ cú hích Covid-19 nhưng con số năm nay có thể sẽ giảm đi so với con số 25% của năm 2019 vì một số mảng của TMĐT bị sụt giảm nghiêm trọng như du lịch, hàng không", ông Hải cho biết thêm.
Báo cáo của Temasek mới đây cho thấy, năm 2020, chỉ có Việt Nam và Indonesia là 2 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT ở khu vực Đông Nam Á là 2 con số, trong đó Việt Nam khoảng 16%, tương đương khoảng 12 tỷ USD.
Theo ông Hải, Cục TMĐT đã tiến hành khảo sát tác động của Covid-19 đến các DN TMĐT theo từng ngành. Tuy nhiên, điểm chung là do Covid-19 nên mọi người làm việc online nhiều hơn, khi mà 67% DN được hỏi cho biết làm việc online hơn 51%. Trong đó, 87% làm việc online chủ yếu qua các công cụ quen thuộc như email, Zalo, Facebook,... chỉ 21% bỏ tiền ra để sử dụng các phương tiện làm việc trực tuyến chuyên nghiệp.
"Điều này tạo thói quen đối với DN và nhận ra rằng làm việc online không khó khăn, tiết kiệm rất nhiều chi phí", ông Hải chia sẻ thêm.
Mặc dù Covid-19 tác động rất lớn đến nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam, nhưng đa phần DN TMĐT đều rất lạc quan về nhân sự cũng như kế hoạch duy trì DN sau dịch, khi 67% DN đều giữ nguyên nhân sự trong dịch và 51% cho biết sẽ tăng nhân sự sau khi kết thúc dịch Covid-19. "Nguyên nhân của sự lạc quan này là do số lượng người mua sắm online và giá trị giao dịch tăng lên rất nhiều", ông Hải nói.
Sự lạc quan của DN TMĐT còn được thể hiện ở việc họ đều tin tưởng dù doanh thu hiện tại có giảm hoặc tăng chưa được như kì vọng nhưng sẽ phục hồi nhanh chóng trong tương lai.
Khảo sát cho thấy, dù so với doanh thu tháng 2 - 4/2020 thì hơn một nửa DN chỉ tăng khoảng 30% nhưng 50% tin tưởng tiềm năng kinh doanh sẽ tốt hơn khi dịch kết thúc. "Dù nhiều người kì vọng doanh thu thương mại điện tử sẽ tăng mạnh do dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng thực tế không như kì vọng, khi người dùng chủ yếu chỉ mua các mặt hàng nhu yếu phẩm và giảm các mặt hàng khác", ông Hải khẳng định.
Còn tác động Covid-19 đối với các nhóm DN, đầu tiên là đối với nhóm DN cung cấp giải pháp và công nghệ, chúng ta vẫn nghĩ do giãn cách xã hội thì mọi người sẽ chuyển sang sử dụng các công nghệ số nhưng so với cùng kì năm ngoái chỉ 29% số DN tăng trưởng hơn năm ngoái, còn 71% khẳng định bị giảm hơn cùng kì.
"Đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, vì việc tiếp cận với công nghệ không hề dễ dàng do DN rất ngại sử dụng những giải pháp mà họ không hiểu cũng như sợ gặp phải những rủi ro không lường trước được", ông Hải nhấn mạnh.
Ngay cả đối với các nhóm DN sàn TMĐT, tỷ lệ nhóm DN tăng trưởng cũng thấp hơn nhóm DN giảm, chỉ 20% sàn TMĐT cho biết có tăng trưởng so với cùng kì, trong khi 80% giảm hơn cùng kì. "Tuy nhiên, các DN đều lạc quan vì Covid-19 đã tạo ra lượng người mua sắm trực tuyến lớn hơn rất nhiều cũng như hành vi mua sắm của người dùng đã thay đổi", ông Hải khẳng định.
Chỉ có nhóm DN logistics là có sự tăng trưởng tốt do dịch Covid-19 khi số lượng đơn hàng tăng lên, 55% cho biết tăng trưởng hơn so với cùng kì. Tương tự là nhóm DN thanh toán điện tử, với 60% DN tăng trưởng so với năm 2019.
Amazon đang tích cực hỗ trợ DN nhỏ và vừa Việt Nam
Không chỉ đối với các sàn TMĐT trong nước, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại còn hướng đến việc đưa các sản phẩm của Việt Nam ra các quốc tế. Trong phiên thảo luận tại Diễn đàn DN Chuyển đổi số Việt Nam, ông Trần Xuân Thuỷ, Giám đốc Amazon Việt Nam cho biết, đơn vị này đang tích cực hỗ trợ cho các DN trên toàn cầu, trong đó có thị trường Việt Nam, nhất là những DN nhỏ và.
"Chúng tôi đang tạo ra một hệ sinh thái giúp các DN dễ dàng kết nối, nhất là những làng nghề, hộ gia đình... Với sự hỗ trợ của Amazon, các đơn vị này hoàn toàn có thể kinh doanh sòng phẳng, để đưa sản phẩm của Việt Nam ra thế giới", ông Thủy cho biết.
Theo ông Thuỷ, việc kinh doanh truyền thống bán hàng trực tiếp đã làm hàng trăm năm nay rồi, nhưng hiện tại, chỉ cần ngồi trước máy tính là các DN đã có thể bán hàng. Amazon đã xây dựng hệ sinh thái để các DN nhỏ và vừa Việt Nam tận dụng nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới này xuất khẩu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thế giới. "Trong đó, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hay đồ trang trí nhà cửa, ví dụ như thảm cói... đang được bán rất chạy trên Amazon", ông Thủy chia sẻ thêm.
Khi được hỏi về lời khuyên cho các DN tại Việt Nam để có thể bán được tốt trên Amazon, ông Thủy cho rằng, đối với các DN nhỏ và vừa, việc lựa chọn sản phẩm cực kì quan trọng. "Các DN nên tập trung dòng sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, như các sản phẩm thủ công, sản phẩm trang trí nhà cửa... vì nhu cầu những sản phẩm này trong dịch Covid-19 là rất lớn", ông Thủy kết luận.