Việt Nam - Thụy Điển hợp tác sâu rộng về đổi mới sáng tạo

Hội nhập - Ngày đăng : 15:51, 12/11/2020

Thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Đây là lúc để hợp lực và cùng nhau xây dựng một trạng thái bình thường mới thông qua đổi mới bền vững.

Các đại diện đổi mới sáng tạo của Việt Nam Junction-X và BK-Holding, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội đã tham gia "Hội nghị thượng đỉnh những người tiên phong đổi mới 2020 - Thay đổi cách chúng ta hợp tác".

Việt Nam - Thuỵ Điển hợp tác mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Được tổ chức dưới hình thức trực tuyến do tình hình Covid-19, hội nghị diễn ra vào ngày 10 và 11/11/2020. Các đại diện Việt Nam cùng chia sẻ, trao đổi và tham gia quá trình đồng sáng tạo với các nhà đổi mới sáng tạo hàng đầu khác đến từ Thụy Điển, Hàn Quốc và Singapore thông qua loạt các buổi trao đổi mở và các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự được tiếp cận, tham khảo các dự án đổi mới sáng tạo đã triển khai trong thực tế, theo hướng hợp tác với các đối tác, hoặc theo các cách thức mới, sáng tạo nhằm đạt được kết quả cao hơn. Sự kiện do Viện Thụy Điển và Innovation Pioneers phối hợp tổ chức.

Được thành lập vào năm 2008, Innovation Pioneers là mạng lưới lớn nhất Thụy Điển với hơn 50 tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu từ hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo của Thụy Điển. Các thành viên mạng lưới làm việc về đổi mới sáng tạo trên cả cấp độ chiến lược và thực thi hoạt động. Họ đều là những nhà lãnh đạo, những nhà thực hành và chiến lược gia.

Ban tổ chức Hội nghị cho biết: "Tầm nhìn của chúng tôi là xây dựng khả năng đổi mới thông qua phát triển và kết nối giữa các đại diện hàng đầu từ cộng đồng đổi mới. Với mục tiêu này, chúng tôi đã chọn ba quốc gia ở châu Á, nơi chúng tôi nhìn thấy tiềm năng đặc biệt để thúc đẩy trao đổi lãnh đạo về đổi mới, sáng tạo, và đó là các nước Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam".

Việt Nam - Thuỵ Điển hợp tác mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo - Ảnh 2.

Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Thương mại, Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam Johan Alvin.

Ông Johan Alvin, Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Thương mại, Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam nhấn mạnh: "Nếu có một lĩnh vực mang lại lợi ích chung mà Thụy Điển và Việt Nam hợp tác và làm việc sâu rộng hơn cùng với nhau trong thời gian tới, đó chắc chắn sẽ là đổi mới, sáng tạo".

Cũng theo ông Johan Alvin, Thụy Điển là một nền kinh tế dựa trên tri thức và là một trong những quốc gia đổi mới, sáng tạo nhất trên toàn thế giới. Những lý giải chính của thành công này là sự cởi mở và khả năng thích ứng của xã hội Thụy Điển trong việc thúc đẩy và kích thích sự đổi mới, sáng tạo. Đổi mới không chỉ quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhưng là chìa khóa để giải quyết hàng loạt thách thức như tính bền vững của môi trường. Để hồi phục trở lại tốt hơn và xanh hơn sau Covid19, chúng ta cần sửdụng các ý tưởng và thực tiễn đổi mới.

Chia sẻ về cách cộng đồng công nghệ Việt Nam đang thúc đẩy văn hóa và hệ sinh thái khởi nghiệp, cô Hương Nguyễn, Trưởng nhóm Cộng đồng, JunctionX Hanoi cho biết tổ chức mình đang làm việc chặt chẽ với các cố vấn từ các công ty khởi nghiệp, chuyên gia tăng tốc khởi nghiệp và cộng đồng phi lợi nhuận khác. 

Cô cho biết: "Xây dựng một cộng đồng sáng tạo đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhưng cũng có thể là một hành trình thú vị nếu bạn có đam mê và sẵn sàng tìm thấy hạnh phúc khi bắt tay thực hiện. Những con người đứng sau sự đổi mới là yếu tố quan trọng nhất, họ có thể thất bại trong ý tưởng đầu tiên nhưng sẽ có thêm 100 ý tưởng thành công trong tương lai".

Trong khi đó, cô Jen Vũ Hương, Giám đốc Chương trình Cộng đồng của BK-Holdings, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBK) chia sẻ trường ĐHBK đang nỗ lực thúc đẩy quá trình đổi mới và tạo ra môi trường, nền văn hóa cho đổi mới sáng tạo nảy nở.

Cô nhận định: "Những thách thức chúng ta nhận thấy là việc lập kế hoạch phát triển chiến lược nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các trường đại học và thị trường - từ các chính sách phù hợp trên xuống cho đến cấp cơ sở với mỗi cá nhân như một tác nhân sáng tạo để thay đổi".

Theo chia sẻ của Jen Vũ Hương: "Điều đó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa cá nhân - cá nhân, giữa các phòng ban - bộ phận, giữa  nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp và điều quan trọng là phải có "một nhạc trưởng sáng tạo" để kết nối tất cả dấu chấm - tất cả nỗ lực chung của các trường đại họctrong việc thúc đẩy văn hóa đổi mới".

Báo cáo năm nay của WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới), Đại học Cornell và trường kinh doanh INSEAD xếp Thụy Điển vị trí thứ hai trong số các quốc gia sáng tạo nhất trên thế giới. Đây là năm thứ hai liên tiếp Thụy Điển đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng.

Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2020 đo lường khả năng tạo ra môi trường tốt cho đổi mới của 131 quốc gia. Đặc biệt, chỉ số này xem xét bảy yếu tố: nguồn nhân lực, về tri thức và công nghệ, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển của thị trường, môi trường kinh doanh, đầu ra sáng tạo và thể chế.

Trong khi đó, Việt Nam cho thấy những phát triển và tín hiệu tích cực trong đổi mới sáng tạo. Việt Nam hiện đứng thứ 42 trên thế giới và thứ 9 ở châu Á. Đáng chú ý, Việt Nam đứng đầu về đổi mới sáng tạo trong nhóm 29 nền kinh tế cùng mức thu nhập, một kết quả khích lệ!


Hoàng Linh