Muốn thúc đẩy chuyển đổi số thì chính sách không thể analog
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 09:19, 11/11/2020
Đã đến lúc "phải đưa cuộc sống vào pháp luật, vào nghị quyết. Những cái hay cái mới cần nhanh chóng được thể chế hóa, nhưng quy định phải có cơ sở khoa học, sát với thực tế cuộc sống, mang hơi thở của cuộc sống, phải từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cuộc sống, chứ không chỉ là yêu cầu, mong muốn chủ quan duy ý chí. Giao quyền gắn trách nhiệm và có kiểm soát chứ đừng tạo ra quá nhiều trình tự, thủ tục, coi như một công cụ vạn năng để kiểm soát thì không phải", TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ.
Chuyển đổi số để tồn tại và phát triển
Tại Hội nghị bàn tròn lãnh đạo Công nghệ thông tin (CNTT) với chủ đề "Chuyển đổi số và giải pháp cho các doanh nghiệp trong thời kỳ COVID-19" diễn ra mới đây, lãnh đạo khối CNTT của nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành ngân hàng, viễn thông, năng lượng, bảo hiểm, logistic, truyền hình đã lần lượt chia sẻ mô hình, kinh nghiệm của mình về chuyển đổi số cũng như nêu các kiến nghị để Đảng, Chính phủ có biện pháp tháo gỡ.
Bản thân các đơn vị này đã ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và chủ động xây dựng định hướng chuyển đổi số từ rất sớm. Trong đó, khối doanh nghiệp tài chính - ngân hàng là một trong những nhóm ngành tham gia tích cực nhất.
Theo ông Trần Nhất Minh - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Dịch vụ công nghệ của Ngân hàng VIB, cho biết: Trong bối cảnh CMCN 4.0 và sự bùng phát của đại dịch COVID-19, người dùng có xu hướng chuyển dịch từ hoạt động mua sắm truyền thống sang hình thức online. Do vậy, chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp này tập trung vào dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ điện toán đám mây và nền tảng mở Open API.
Big Data được sử dụng để phân tích hành vi khách hàng, điện toán đám mây để tiết kiệm chi phí và thử nghiệm các giải pháp còn Open API tạo ra nền tảng mở để tích hợp thêm các tiện ích mới.
Trong đại dịch COVID-19, nhờ triển khai dịch vụ đăng ký thẻ qua website, lượng thẻ bán qua kênh online của VIB chiếm tới 20% số thẻ mới được phát hành. Con số này bằng 1/4 so với tổng lượng thẻ do 5.000 nhân viên ngân hàng phát triển được theo cách thức truyền thống.
Ông Hoàng Minh Tuấn - Phó Giám đốc khối CNTT của MBBank, chia sẻ: Với Ngân hàng TMCP Quân đội MBBank, chuyển dịch số đang là trọng tâm của doanh nghiệp này với mục tiêu tăng thêm 10 triệu khách hàng mới và 90% giao dịch của ngân hàng sẽ dựa trên nền tảng số.
Để đạt mục tiêu này, MBBank đang đẩy mạnh việc tự động hóa quy trình và triển khai các giải pháp về robotic. Theo đó, toàn bộ quy trình đối soát thẻ, đổ lương theo lô và một số công việc có tính chất chu kỳ đã được MBBank vận hành bằng công nghệ robotic. Trong năm 2020, MBBank đã đưa vào vận hành hệ thống loyalty point số, cho phép người dùng mua dịch vụ và đổi điểm. MBBank cũng đã thử nghiệm việc thanh toán bằng robotic, áp dụng chữ ký số và xác thực điện tử (eKYC) trên nền tảng app.
Khi triển khai dịch vụ tài khoản số đẹp, chỉ sau 3 tháng, MBBank đã thu hút được 400.000 khách hàng mở tài khoản mới. Với việc gia tăng lượng khách hàng lớn như vậy, MBBank đã phải xác thực điện tử (eKYC) mới có thể giải quyết được tình trạng tắc nghẽn. Hiện nay, toàn bộ nhu cầu mở tài khoản, thanh toán đều được xác thực bằng eKYC.
Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, chia sẻ: Đơn vị này đã số hóa quy trình hoạt động bằng việc đưa vào vận hành hệ thống cảng điện tử. Trước đây, mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt người ra vào cảng để làm thủ tục trực tiếp. Với hệ thống cảng điện tử, lượng người đến cảng đã giảm 90% nhờ toàn bộ thủ tục đều được thực hiện online.
Với sự chủ động chuyển đổi số, các tổ chức, doanh nghiệp đã không chỉ tồn tại mà còn phát triển ngay giữa cơn khủng hoảng do đại dịch COVID-19 tạo ra. Những thành công ấy có thể lượng hóa được khá rõ ràng. Nhưng nếu như chính sách của Nhà nước thông thoáng và nhất quán thì các doanh nghiệp này còn có thể nắm bắt nhiều cơ hội phát triển mạnh hơn nữa.
Đã đến lúc cuộc sống phải đi vào chính sách
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đại Trí - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Dù có các quy định mới được ban hành ủng hộ cho phát triển công nghệ thông tin như Nghị định 73, một số chính sách vẫn còn nhiêu khê và chậm sửa đổi. "Tôi khẳng định tầm quan trọng của các quy định, nhưng thực tế việc tuân thủ rất mệt mỏi. Công sức của chúng tôi dành cho nghiên cứu công nghệ và ứng dụng công nghệ không còn được bao nhiêu mà phải tập trung vận hành làm sao cho đúng quy định", ông Trí nói.
Nhiều chính sách liên quan tới dự án công nghệ vẫn còn thiếu thực tế và chậm sửa đổi. "Chi phí cho nhân công, chuyên gia và cài đặt hệ thống quá thấp, không đánh giá được đúng chất xám các chuyên gia đã bỏ ra", ông Trí nhận xét. Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng ban Viễn thông và CNTT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đề xuất: Nên có các chính sách liên quan đến định mức đầu tư về công nghệ. Rất khó cho các doanh nghiệp nhà nước như EVN, đặc biệt là các Bộ, ngành khi lập dự án công nghệ dựa trên tính hiệu quả. Khi thực hiện các dự án đầu tư CNTT, rất khó để xác định được mức độ hiệu quả một cách trực tiếp. Điều này là bởi CNTT chỉ là hệ thống hỗ trợ việc sản xuất chứ không trực tiếp sinh ra doanh thu. Do vậy, ông Tuấn kiến nghị sửa các định mức liên quan đến đầu tư cho CNTT. Để đẩy mạnh chuyển đổi số đúng nghĩa, cần ban hành chính sách liên quan đến định mức đầu tư cho CNTT, quy định cụ thể dành ra mức chi phí tối thiểu (theo phần trăm) dành cho công nghệ, ví dụ như doanh nghiệp được chi bao nhiêu % doanh thu đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D).
Điều này cũng được ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank ủng hộ. "Khi nói đến chuyển đổi số, chúng ta nói đến thí điểm và trải nghiệm. Tất cả những đầu tư này vì vậy không chắc chắn 100% mang lại hiệu quả", ông nói. "Nếu phải chắc chắn đem lại hiệu quả thì sẽ không ai dám đầu tư công nghệ mới, từ đó hạn chế sự sáng tạo. Nhưng không có mạo hiểm thì không có sáng tạo". Vì vậy, ông cho rằng Việt Nam cần phải có định mức cho hoạt động đầu tư R&D để nghiên cứu, thử nghiệm.
Bên cạnh đó, ông Lân và các lãnh đạo trong giới ngân hàng cũng cho rằng hành lang pháp lý hiện nay về đầu tư, đặc biệt liên quan đến vốn Nhà nước khiến ngân hàng hay doanh nghiệp nhà nước khó hợp tác với startup hoặc fintech.
Luật Đấu thầu quy định không cho phép hợp tác với các đối tác có lỗ tài chính trong 3 năm. Thế nhưng, đơn vị startup nào cũng đều gánh lỗ. Đây là điều bất khả thi đối với các công ty fintech, start-up hoặc ngay cả các sàn thương mại điện tử. Với quy định này, các ngân hàng sẽ không thể phối hợp với các công ty fintech cũng như thúc đẩy sự phát triển của các start-up, khiến luồng tiền quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước lớn không chảy được vào các fintech hoặc startup tiềm năng, cũng không kết nối được đầu ra cho họ.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm ngân hàng Số của BIDV, cho rằng: Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có dự thảo về sandbox nhưng nội dung vẫn đang thiên nhiều quá vào công nghệ mà chưa quy định về phạm vi hoạt động.
Một câu chuyện quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số theo ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) là việc định danh số khách hàng. Hiện nay, các dịch vụ xác thực như CA mới chỉ cung cấp cho doanh nghiệp, nên theo ông, cần cung cấp thêm dịch vụ xác thực cho khách hàng cá nhân.
Ông cho biết từng chứng kiến một đơn vị trung gian thanh toán có hàng trăm nghìn đại lý nhưng toàn bộ đều phải ký tay. Các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác cũng tương tự. Vì thế, việc cấp chữ ký số cá nhân để thực hiện giao dịch hợp đồng điện tử sẽ là mô hình đột phá thời gian tới, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao tính an toàn bảo mật thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số.
Theo ông Ngô Diên Hy, nếu cung cấp chữ ký số theo gói dịch vụ một năm như hiện nay sẽ không có ai sử dụng cả. Cấp chữ ký số dùng 1 lần cho cá nhân sẽ vừa rẻ, vừa thuận tiện và đảm bảo an toàn thông tin tốt hơn những giải pháp hiện đang sử dụng. Tuy nhiên, dù đã có quy định là đủ cơ sở pháp lý thay cho chữ ký tươi nhưng thực tế triển khai chữ ký số vẫn rất khó. "Mỗi nơi triển khai một kiểu, trong một số văn bản vẫn quy định phải có chữ ký tươi, đóng dấu đỏ. Nhiều đơn vị kiểm tra mà thấy chữ ký photo xong đóng dấu đỏ cũng không chấp nhận", ông Ngô Diên Hy chia sẻ.
Xác thực định danh trực tuyến (eKYC) đã được ngành ngân hàng rục rịch áp dụng. "Đứng về góc độ công nghệ, eKYC không có rào cản nào. Thậm chí, eKYC an toàn hơn so với giao dịch trực tiếp vì nâng thêm tầm xác thực nhờ nhận diện khuôn mặt", ông Hy cho biết.
Gần đây có nhiều vụ lừa đảo dựa trên việc sử dụng tài khoản giả (mua lại tài khoản của cá nhân có thực), vì thế việc áp dụng eKYC giúp xác thực khuôn mặt người thực hiện giao dịch sẽ an toàn hơn. Với tính tiện lợi và an toàn của eKYC, ông Hy cũng
đề nghị mở rộng việc eKYC trong một số lĩnh vực khác, cụ thể như cấp dịch vụ xác thực số cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm này, ông Tào Đức Thắng - Phó TGĐ tập đoàn Viettel, kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có chính sách định danh số không chỉ cho người dân mà cả cho các thiết bị vì xu thế vạn vật kết nối (IoT) đang không ngừng phát triển. Bên cạnh đó, ông Thắng muốn thúc đẩy xây dựng hành lang pháp lý cho việc khai thác và sử dụng dữ liệu, tránh tình trạng quy định không rõ ràng dẫn đến việc doanh nghiệp vô tình vi phạm.
Tại hội thảo về Hành lang pháp lý trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank, chia sẻ rất thẳng thắn: "Để đưa ra các sản phẩm, tôi vẫn hay đùa với mọi người là sợ nhất hai thứ. Một là sợ phải đi xin cấp giấy phép bởi các quy định trong những thông tư hiện hành hầu hết không có những điều này. Sợ thứ hai là pháp chế trong chính ngân hàng mình. Làm sao để các vị ấy nói làm sản phẩm này không vi phạm quy định nọ, thông tư kia thì mới yên tâm được làm".
Vụ trưởng Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cũng thừa nhận: "Ông Hưng nói sợ xin phép thì tôi thú thực, ở cương vị Vụ trưởng Vụ Thanh toán, tôi cũng sợ khi phải cấp phép. Các văn bản quy định pháp luật được xây dựng từ nhiều năm trước, khi mà chưa ai nghĩ sau này có QR Pay, Tokenization... như bây giờ nên khi cấp phép, đối chiếu vào các quy định đó thì cả người xin phép lẫn người cho phép đều sợ cả".
Chia sẻ những khó khăn chung, ông Võ Tấn Long - Giám đốc Khối ngân hàng số, VPBank cũng kể một thực tế. "Có những sản phẩm chúng tôi chỉ cần phát triển trong một tháng là sẵn sàng chạy, nhưng để nó được tung ra bên ngoài thì mất thêm 3 tháng vì các thủ tục". Ông Long cho rằng, khó khăn nhất khi làm ngân hàng số là phải thay đổi nhận thức của tất cả các bộ phận và hệ sinh thái liên quan.
TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ, trong cuộc trao đổi trên VietNamNet mới đây1 cũng khẳng định: Cái mới ra đời chưa bao giờ là suôn sẻ. Cải cách mà không có sự phản ứng thì không phải là cải cách. Vì vậy, chúng ta phải có cơ chế để khuyến khích cho những ý tưởng mới, cách làm hay, những cái chưa có tiền lệ, thậm chí là không phù hợp với quy định, quy trình hiện hành.
"Về cơ chế chính sách, chúng ta hay hô hào đưa pháp luật vào cuộc sống , đưa nghị quyết vào cuộc sống nhưng một điều rất quan trọng là phải đưa cuộc sống vào pháp luật, vào nghị quyết. Những cái hay cái mới cần nhanh chóng được thể chế hóa, nhưng quy định phải có cơ sở khoa học, sát với thực tế cuộc sống , mang hơi thở của cuộc sống , phải từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cuộc sống , chứ không chỉ là yêu cầu, mong muốn chủ quan duy ý chí", TS Đinh Văn Minh nhận xét.
Cả doanh nghiệp và nhà nước cần cách tiếp cận mới
Để tìm ra không gian tăng trưởng mới, nhiều ngân hàng hiện đang đẩy mạnh các dịch vụ beyond banking, tức các sản phẩm không liên quan ngân hàng. Tuy vậy, do bị ràng buộc về chính sách, họ rất khó cạnh tranh với các công ty fintech.
Trong cuộc làm việc mới đây với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở tầm nhìn mới cho lĩnh vực này: "Doanh nghiệp cần phải tạo ra một khối số với không gian độc lập. Không nên gắn tỷ lệ phần trăm của khối số trong tổng doanh thu bởi không có khái niệm cơ cấu doanh thu trong chuyển đổi số. Nhiều đơn vị tuy chuyển đổi số nhưng lại quay về việc ứng dụng CNTT. Việc ứng dụng CNTT và dùng nó như một công cụ đã được thực hiện suốt 20 năm nay, còn chuyển đổi số là một cách làm hoàn toàn khác"2. Chuyển đổi số phải làm inside (các dịch vụ lõi ngân hàng) trước khi nghĩ tới beyond. Ngân hàng phải chuyển đổi số trước tiên từ chính các dịch vụ mà mình đang cung cấp. Trong đó, người được hưởng lợi đầu tiên phải là các khách hàng trung thành thay vì những khách hàng mới.
Chuyển đổi số chủ yếu đụng chạm vào những điều không có trong quy định. Do vậy, một trong những dấu hiệu nhận dạng chuyển đổi số là sự mâu thuẫn với các quy định hiện tại. Để phát triển các dịch vụ không liên quan tới ngân hàng (beyond banking), giải bài toán này thông qua hình thức hợp tác với các doanh nghiệp khác.
Ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT - cho rằng, trải nghiệm mới đối với các dịch vụ ngân hàng không bắt đầu từ cây ATM hay chi nhánh mà thể hiện qua việc cung cấp dịch vụ mọi lúc, mọi nơi bằng chính chiếc điện thoại thông minh. "Thay vì tạo ra một đơn vị nhỏ để thực hiện chuyển đổi số cả một tập đoàn lớn, hãy để chuyển đổi số bao trùm lên toàn bộ máy. Thay vì để khách hàng chủ động tiếp cận, các ngân hàng số giờ đây phải chủ động tiếp cận khách hàng và có khả năng dự đoán mức xét duyệt khoản vay từ trước cả khi khách hàng có nhu cầu".
Ngân hàng dùng lịch sử giao dịch trong quá khứ làm kênh thông tin để quyết định việc cho vay. Với các công ty công nghệ, những đơn vị này này ra quyết định cho vay dựa trên việc đánh giá khả năng trả nợ. Đây là điểm khác biệt về cơ chế, chính sách cho vay của các công ty fintech khi so sánh với ngân hàng truyền thống. Ngân hàng phải định hình lại các mối quan hệ, không coi các doanh nghiệp công nghệ số là đối thủ cạnh tranh mà xem họ như đối tác để cùng cung cấp dịch vụ. Ngân hàng có thể trở thành công ty công nghệ bằng cách hợp tác với chính các công ty công nghệ, ví dụ như các doanh nghiệp viễn thông để tạo ra không gian tăng trưởng mới.
Không chỉ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, chuyển đổi số gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và tác động sâu sắc tới mọi thành phần kinh tế. Còn nhớ tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam" năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Để thực hiện khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, thể chế pháp luật trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đóng vai trò rất quan trọng. Công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến cùng với chất lượng nguồn nhân lực, năng lực thể chế sẽ quyết định tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để giúp Việt Nam phát triển đột phá, vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.
Một trong những yêu cầu cấp bách của CMCN 4.0 là xây dựng và hoàn thiện thể chế, cùng với chính sách pháp luật. Trước hết, chúng ta cần nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh để kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang biến những vấn đề pháp lý quốc tế thành vấn đề pháp lý của quốc gia và ngược lại. Điển hình là cơ chế pháp luật để điều chỉnh các mô hình kinh tế chia sẻ, quyền sở hữu đối với tài sản mã hóa, việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo,... "Sự chậm trễ này đôi khi còn là rào cản làm nhụt nhuệ khí đổi mới sáng tạo, làm nản tâm huyết cống hiến, trí tuệ, lực lượng nhân lực công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, khiến chúng ta không thể đột phá và dễ tụt lại phía sau"3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Hiện chưa có cơ chế khuyến khích được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các nền tảng theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Ví dụ, nước ta có ngành du lịch quy mô lớn nhưng cơ quan quản lý không có ngân sách để đầu tư các nền tảng lớn trong khi doanh nghiệp có khả năng thì không có cơ chế tham gia.
Vì vậy, với các dự án quan trọng, quy mô lớn, cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp thực hiện, tạo điều kiện để họ đầu tư nghiên cứu và xây dựng sản phẩm trước. Ngoài ra, cần luật hóa việc kinh doanh, khai thác dữ liệu. Với các hệ thống thông tin doanh nghiệp đầu tư trước, cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dữ liệu được hình thành theo quy định của Luật.
Việc cho phép doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình xây dựng chính phủ điện tử đã có tiền lệ ở một số nước phát triển. Tại Singapore, chính phủ khai thác nguồn lực doanh nghiệp bằng cách chia thành hai nhóm. Nhóm 1 là các doanh nghiệp có thể tận dụng về công nghệ và nhóm 2 là có thể cùng đồng hành phát triển.
Vào thời điểm đầu làm chính phủ điện tử, Singapore tận dụng công nghệ của các tập đoàn đa quốc gia và kỹ năng tích hợp hệ thống của các công ty nội địa. Với cách này, chính phủ và các công ty trong nước đã tích luỹ cũng như chuyển giao được một số công nghệ đáng kể. Còn tại Mỹ, chính phủ ký hợp đồng dịch vụ đám mây với Microsoft, Amazon.
Để đất nước vững vàng tiến vào kỷ nguyên số, để chiến lược chuyển đổi số quốc gia thực sự mang lại hiệu quả thì chính sách không thể "analog". Chỉ cần cắt đi những mắt lưới bất hợp lý trong chính sách và hành lang pháp lý thì con đường cao tốc cho sự phát triển sẽ tự động hiện ra.
Tài liệu tham khảo:
1.vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dai-hoi-dang/coi-troi-cho-nguoi-dung-dau-dam-nghi-dam-lam-dam-chiu-trach-nhiem-678568.html
2. https://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/144785/Tuong-lai-cua-ngan-hang-la...-doanh-nghiep-cong-nghe-so.html
3. https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/cach-mang-cong-nghiep-4-0-phai-la-cuoc-cach-mang-ve-the-che-544552.html
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 13+14 tháng 10/2020)