CMC phát triển sản phẩm AI "Make in Vietnam"
Make in Vietnam - Ngày đăng : 18:03, 10/11/2020
Đây cũng là năm đầu tiên TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi AI 2020. Sự kiện đã thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia, các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước về việc giải quyết các bài toán thiết thực xuất phát từ thực tiễn.
Ngày hội DN CNTT và AI TP. Hồ Chí Minh do UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì, Sở TT&TT phối hợp với Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh (HCA), Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ - Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Trình diễn các sản phẩm AI "made by CMC"
Là một trong những DN đi đầu trong đầu tư nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam, Tập đoàn Công nghệ CMC đã đồng hành cùng cuộc thi với tư cách nhà tài trợ Vàng, đồng thời mang đến các sản phẩm AI "made by CMC".
Hội thi "Giải pháp ứng dụng AI 2020" được tổ chức với mục đích nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng AI, khuyến khích các cá nhân, nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế đề xuất các giải pháp tiên tiến ứng dụng AI nhằm giải quyết các bài toán quan trọng phục vụ cuộc sống. Thông qua đó tôn vinh các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN và cá nhân có các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ AI xuất sắc và tiềm năng.
Tính từ tháng 6 - 8/2020, đã có tổng cộng 217 đội dự thi với 534 thí sinh ở nhóm 1 (AI-Challenge) và 39 hồ sơ đăng ký dự thi ở nhóm 2 (AI-Solution). Tham gia vào phần thi Sản phẩm ứng dụng AI-Solution, Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CIST) đã đáp ứng các tiêu chí để lọt vào top 8 nhóm sản xuất xuất sắc nhất với giải pháp ứng dụng lắng nghe mạng xã hội CMC Social Listening và hệ thống phần mềm quản lý và phân tích hình ảnh thông minh cho nhận diện khuôn mặt CIVAMS.FACE.
Giải thưởng là sự ghi nhận cụ thể với những đóng góp cống hiến của CMC đối với sự phát triển của AI tại Việt Nam.
CMC Open Cognitive Platform giúp triển khai, thử nghiệm các ứng dụng AI
Trong khuôn khổ Ngày hội, tại hội thảo "Ứng dụng của AI và chuyển đổi số", ông Lê Anh Vũ, Giám đốc sáng tạo CMC Telecom đã giới thiệu về CMC Open Cognitive Platform - nền tảng mới của CMC - cho phép các đơn vị có thể triển khai, thử nghiệm các ứng dụng AI của mình ngay trên nền tảng này.
Ông Lê Anh Vũ cho biết, đây sẽ là nền tảng học sâu (deep learning) mở đầu tiên ở Việt Nam với khả năng rút ngắn thời gian thiết lập, linh hoạt trong mô hình triển khai cũng như tương thích với các nhà phát triển ứng dụng mã nguồn mở, các bộ thư viện hỗ trợ phát triển ứng dụng và nhiều các ưu điểm khác.
Trong khi đó, tại nhà văn hóa sinh viên TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Anh Vũ với vai trò là diễn giả khách mời đã bày tỏ niềm vui bởi sự xuất hiện của thế hệ các bạn sinh viên với các công trình AI tiềm năng dự thi vào Hội thi năm nay.
Đây được xem là những dấu hiệu tích cực khi Việt Nam đã bắt đầu sở hữu những nguồn lực về AI rất trẻ, từng bước làm chủ và mang đến những công trình công nghệ "Make in Vietnam" mang tính thực tiễn cao. Đây cũng là lần đầu tiên ông Lê Anh Vũ giới thiệu CMC Open Cognitive Platform ra công chúng.
Nghiên cứu và phát triển AI là một trong những ưu tiên đầu tư nghiên cứu và phát triển của công nghệ của CMC. Tập đoàn có nhiều công trình ứng dụng AI hỗ trợ DN trong nước nhiều năm qua, có thể kể đến như #CloudCamera, #OCR (nhận diện chữ viết tay), #Smartcity, #AIChatbot, #SocialListening, #DataMatching hay CIVAMS.FACE.
CMC cho biết, trong tương lai, CMC sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm AI "Make in Vietnam" với nhiều tính năng ưu việt, mang tính thực tiễn cao để giải quyết các bài toán chung cho cộng đồng và DN.
CMC Open Cognitive Platform
Là nền tảng học sâu mở đầu tiên ở Việt Nam với khả năng rút ngắn thời gian thiết lập, linh hoạt trong mô hình triển khai cũng như tương thích với các nhà phát triển ứng dụng mã nguồn mở, các bộ thư viện hỗ trợ phát triển ứng dụng và nhiều các ưu điểm khác.
So với nền tảng AWS SageMaker của Amazon hay Google AI Platform của Google thì CMC Open Cognitive Platform có nhiều lợi thế hơn trong khả năng "mở", hỗ trợ tối đa đa dạng các nhu cầu cho DN, các nhóm nghiên cứu công nghệ với mức chi phí hợp lý. Đặc biệt, nền tảng mới này còn là kênh hỗ trợ tối đa cho các nhà phát triển ứng dụng trong và ngoài nước thương mại hóa các sản phẩm của họ với chương trình #OpenMSPProgram.