Chi phí đang là rào cản chuyển đổi số lĩnh vực Y tế

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 21:13, 09/11/2020

Dù cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhiều ứng dụng Y tế số, nhưng chi phí và độ phức tạp trong việc triển khai cùng với thói quen cố hữu của nhân viên, tạo ra rào cản để quá trình chuyển đổi số ngành Y tế được nhanh hơn nữa.

Chi phí và độ phức tạp trong việc triển khai đang là rào cản chuyển đổi số ngành Y tế - Ảnh 1.

Thị trường chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng

Báo cáo Nghiên cứu thị trường Y tế số Việt Nam do Med247 thực hiện khẳng định, tổng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tăng từ 16.1 tỷ USD vào năm 2017 lên tới 20 tỷ USD vào năm 2020 (tăng trưởng kép hàng năm ở mức 12.5%). Trong đó, chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng trưởng với tốc độ tương đương và dự kiến đạt 6.6 tỷ USD vào năm 2020.

Một vấn đề lớn của thị trường Y tế hiện nay là sự quá tải của các bệnh viện công, đặc biệt tại các bệnh viện công cấp Trung ương. Một số bệnh viện công cấp Trung ương lớn ở Việt Nam, như Từ Dũ, Việt Đức và Bạch Mai, ghi nhận số lượng bệnh nhân ở mức từ 120% - 160% so với sức chứa.

Bệnh viện quá tải dẫn đến việc bệnh nhân phải chờ đợi một thời gian dài để được thăm khám. Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ở bệnh viện Việt Đức phải chờ từ 30 - 76 phút để được khám.

Sự quá tải của các bệnh viện công, trong khi tổng chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ gia tăng, đã khiến cho thị trường Y tế Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho bệnh viên tư nhân và các nhà đầu tư ngoại. Tiêu biểu có thể kể đến những thương vụ như  Vinacapital đầu tư 25 triệu USD vào công ty dược Tâm Trí và khoản đầu tư 150 triệu USD của Taiso vào dược Hậu Giang hay vào tháng 8/2020 là thương vụ đầu tư trị giá 26.7 triệu USD từ VinaCapital vào bệnh viện quốc tế Thu Cúc để mở rộng quy mô bệnh viện.

Do đó, việc áp dụng Y tế số đang được đặt ra cấp thiết, nhất là đối với các bệnh viện công, để giảm thiểu thời gian chờ, đem lại hiệu quả cao nhất cho việc khám chữa bệnh của khách hàng.

Chi phí và độ phức tạp trong việc triển khai đang là rào cản chuyển đổi số ngành Y tế - Ảnh 2.

Việc triển khai Y tế số tại một số bệnh viện đã mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, giúp giảm thời gian chờ đợi.

Hiện một số đơn vị đã áp dụng triển khai Y tế số và đã mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân ở Việt Nam. Ví dụ như việc ứng dụng các công nghệ số ở bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân đến hơn 70% và cắt ngắn thời gian để làm thủ tục xuất viện từ 4 giờ xuống chỉ còn hơn 15 phút. Các biện pháp Y tế dự phòng, như hệ thống lưu trữ thông tin tiêm chủng điện tử (ImmReg), giúp tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đúng hẹn đến 25%.

Y tế số giúp rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân

Một trong những xu hướng phát triển quan trọng của Y tế số trong những năm gần đây là ứng dụng bệnh án tế điện tử (EMR). Đến giữa năm 2019, 14 bệnh viện công đã triển khai thành công hệ thống EMR của riêng họ. EMR mang đến rất nhiều lợi ích, như là cải thiện việc quản lý, giảm tỷ lệ lỗi kỹ thuật và tiết kiệm thời gian làm thủ tục hành chính.

Telemedicine cũng là một lĩnh vực đang phát triển nhanh trong những năm gần đây. Hầu hết các bệnh viện công tuyến Trung ương tập trung ở hai thành phố chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi mà chỉ tập trung 16% dân số của cả nước. Hệ quả của sự phân bổ không đều nguồn lực dẫn đến việc thiếu nguồn lực Y tế chất lượng ở ngoại thành và các tỉnh thành xa, khu vực nông thôn.

Chi phí và độ phức tạp trong việc triển khai đang là rào cản chuyển đổi số ngành Y tế - Ảnh 3.

Sự phát triển của telemedicine được hậu thuẫn bởi hạ tầng kỹ thuật số mạnh và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao của người dân ở nông thôn.

Telemedicine có thể trực tiếp giải quyết vấn đề này do nó không bị giới hạn về khoảng cách địa lý và thời gian. Sự phát triển của telemedicine được hậu thuẫn bởi hạ tầng kỹ thuật số mạnh và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao của người dân ở nông thôn.

Tiếp theo, ứng dụng điện thoại là một trong những trào lưu mới nhất của Y tế số. Các ứng dụng chăm sóc sức khỏe đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam nhờ vào sự nâng cao nhận thức về sức khỏe của người dân. Đại dịch COVID-19 gần đây tạo thêm động lực mạnh mẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của ứng dụng điện thoại di động. Ứng dụng khai báo sức khoẻ của chính phủ (Ncovi) đã đạt mức tăng trưởng thần kỳ và vượt cả Facebook để trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở thị trường Việt Nam chỉ sau một tuần ra mắt.

Theo báo cáo Nghiên cứu thị trường Y tế số Việt Nam do Med247 thực hiện cho biết, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và mạnh khi mà tỷ lệ thâm nhập của Internet cố định ở mức 67%, tỷ lệ phủ 4G ở mức hơn 95%. Trong đó, người dùng Internet hàng ngày đang dành khoảng 7 giờ mỗi ngày để vào mạng. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhiều ứng dụng Y tế số như thiết bị đeo điện tử, ứng dụng di động và telemedicine (khám chữa bệnh từ xa).

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, chi phí và độ phức tạp trong việc triển khai các hệ thống Y tế số, bao gồm bệnh án điện tử (EMR) và hệ thống thông tin bệnh viện, cùng với thói quen cố hữu của nhân viên y tế, đang tạo ra một rào cản để quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế được nhanh hơn nữa.

Cuối cùng, một khó khăn lớn nữa cho quá trình chuyển đổi số của ngành là việc các bác sĩ và nhân viên Y tế không sẵn sàng sử dụng công nghệ số trong Y tế. Một số bác sĩ truyền thống tin rằng telemedicine không hiệu quả bằng việc khám trực tiếp cho bệnh nhân, "nhìn sờ gõ nghe".

Còn với ERM, rào càn đến từ việc việc thiếu nguồn lực kỹ thuật và các quan ngại về bảo mật thông tin. Việc dữ liệu sức khoẻ phân mảnh, không đầy đủ và không đạt chuẩn gây ra bởi các thói quen lưu trữ dữ liệu truyền thống cũng dẫn đến khó khăn không cần thiết khi triển khai EMR.

Y tế số là một trong những xu thế đang phát triển nhanh nhất ở thị trường chăm sóc sức khỏe. Y tế số được định nghĩa là việc sử dụng thông tin và các công nghệ truyền thông trong ngành Y tế để quản lý bệnh và các rủi ro liên quan, nhằm nâng cao sức khoẻ. Y tế số hoá ứng dụng rất nhiều công nghệ đa dạng để nâng cao sức khoẻ, như là điện thoại thông minh, thiết bị đeo, telemedicine và mạng xã hội. Người dùng cuối của Y tế số được chia thành các nhóm chính, bao gồm: bệnh nhân, nhà cung cấp dịch vụ Y tế, nhà quản lý hệ thống y tế và dữ liệu.

PV