Tham gia chuỗi cung ứng và thách thức từ EVFTA
Truyền thông - Ngày đăng : 20:43, 04/11/2020
Đối với Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 trên thế giới, thứ 8 ở châu Á và lớn thứ 2 trong ASEAN, và ngược lại EU hiện cũng là một trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Dựa trên nền tảng mối quan hệ đối tác chiến lược sẵn có, Hiệp định EVFTA tạo thêm cho Việt Nam rất nhiều lợi thế, ưu đãi và cơ hội mới, bao gồm: Hướng tới xóa bỏ gần 100% biểu thuế của EU; Động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững; Thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; Đa dạng hóa đối tác, mở rộng không gian chiến lược.
Theo chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB), về lâu dài, tác động kết hợp của Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới quá trình tái cấu trúc các chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra cơ hội cho Việt Nam lấp đầy chỗ trống trong chuỗi cung ứng.
Sự gần gũi địa lý của Việt Nam với Trung Quốc, giống như các quốc gia khác ở Đông Nam Á, là một trong những lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn và duy trì kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, chi phí thấp, ổn định chính trị, các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng và những nỗ lực được nhà nước hậu thuẫn để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp. Những yếu tố đó khiến Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng
Với việc áp dụng ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, EVFTA giúp DN Việt Nam có được nhiều ưu thế hơn hẳn so với các quốc gia không ký Hiệp định tự do thương mại với EU.
Các ưu đãi về thuế quan đem cơ hội lớn cho DN Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa trực tiếp sang nước ngoài hoặc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia xuất khẩu sang châu Âu. Tuy nhiên, muốn hàng hóa Việt Nam tiến sâu vào EU, các DN Việt cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa dựa trên công nghệ số với các tiêu chuẩn của EU.
Người tiêu dùng cũng như các DN châu Âu rất chú trọng đến tính bền vững, minh bạch, đảm bảo chất lượng, vấn đề lao động của chuỗi cung ứng ở Việt Nam, vậy nên các DN Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường châu Âu phải tập trung phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình. Chỉ khi đó, DN Việt Nam mới có thể tham gia các chuỗi liên kết theo giá trị và đưa hàng hóa lên các sàn giao dịch đạt chuẩn quốc tế.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có khả năng theo dõi được nhà cung cấp, tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô đến khi sản xuất các công đoạn khác nhau ở từng địa điểm và cuối cùng là lắp ráp, đóng gói sản phẩm cuối cùng. Xây dựng chuỗi cung ứng sẽ cho phép DN xác định, kiểm tra được các nhà cung cấp có thể đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng, môi trường, lao động của Hiệp định hay không, đồng thời có hướng giải quyết hiệu quả khi các nhà cung cấp không tuân thủ.
Các giải pháp phần mềm hoạch định nguồn lực DN ERP (Enterprise Resource Planning) và quản lý chuỗi cung ứng là một trong các công cụ hữu hiệu để các DN theo dõi được hoạt động của chuỗi cung ứng của mình. Ngoài ra, các công nghệ mới như blockchain, QR code hay RFID cũng có tiềm năng rất lớn trong việc theo dõi và truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong chuỗi cung ứng.
Việc ứng dụng các công nghệ số có thể giúp tối DN ưu hóa nguồn lực và đơn giản hóa các yêu cầu truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên, khi triển khai các DN cần xem xét những công nghệ số phù hợp. Trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng, từ đó DN có thể xây dựng chiến lược kinh doanh và chiến lược định giá phù hợp cho dài hạn và trung hạn.