Hà Tĩnh, thực hiện các giải pháp đấu tranh các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc trên mạng xã hội
Phát thanh truyền hình - Ngày đăng : 15:42, 30/10/2020
Hà Tĩnh cũng là địa phương tích cực tham mưu, kiến nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông đấu tranh trực tiếp, kiên quyết với đơn vị chủ quản các MXH, buộc gỡ bỏ các nội dung xấu, độc khi có yêu cầu. Đồng thời, đầu tư xây dựng Trung tâm giám sát an ninh mạng, ứng dụng các phần mềm tầm soát, kiểm duyệt nhằm nhanh chóng nắm bắt, phát hiện các thông tin xấu độc, bịa đặt lan truyền trên không gian mạng để có sự định hướng, xử lý kịp thời.
Tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng Công an và các cơ quan chức năng địa phương để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên môi trường mạng, đặc biệt là các hành vi đã được quy định rõ trong Luật An ninh mạng và Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Trong công cuộc đấu tranh với những nội dung xấu, độc trên mạng xã hội. Các ngành, địa phương, đơn vị của tỉnh này cũng tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân khi tham gia MXH, có ý thức sàng lọc, loại bỏ những thông tin xấu, độc; xây dựng quy chế phát ngôn, chia sẻ thông tin của cán bộ công nhân viên chức trên MXH. Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền trên các loại hình truyền thông. Đặc biệt, cần chú trọng truyền thông MXH, nhất là các trang, tài khoản có lượng người theo dõi, tương tác lớn để lan tỏa các thông tin tích cực; định hướng, phản bác thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, nhà nước, thông tin tiêu cực, lừa đảo, sai sự thật… trên môi trường mạng.
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia MXH cần giao tiếp, tương tác trên môi trường này cần học cách ứng xử có văn hóa và trên hết là phải tuân thủ các quy định pháp luật. Cụ thể, Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc. Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân. Thông tin bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động KT-XH; xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, v.v...
Ngoài ra, hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên môi trường internet và MXH cũng đã được quy định chi tiết trong Luật Viễn thông 2009, Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 27/2018/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nếu vi phạm, người tham gia MXH sẽ bị xử lý tùy theo mức độ, từ xử phạt hành chính (5 – 50 triệu đồng) đến áp dụng các hình phạt bổ sung, cao hơn nữa là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong bối cảnh hiện nay, các thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật, lừa đảo… trên MXH vẫn đang trong tình trạng rất phức tạp. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các thế lực thù địch, phần tử cực đoan đã và đang lợi dụng MXH để công kích, xuyên tạc, "tung hỏa mù" hòng thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của đất nước, quê hương ta.
Nắm rõ tình hình đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh đã không ngừng tuyên truyền, vận động người dân khi tham gia MXH cần tỉnh táo nhận diện âm mưu của kẻ thù và các phần tử chống đối; phải luôn có ý thức rằng mình là người có trách nhiệm với đất nước, quê hương, với cộng đồng và gia đình, bản thân; tuyệt đối không phát ngôn, chia sẻ, phát tán những thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật hoặc thông tin chưa được kiểm chứng để tránh những hệ lụy, vi phạm không đáng có. Khi phát hiện thông tin xấu độc hoặc có dấu hiệu lừa đảo, sai sự thật..., cần báo ngay cho các cơ quan chức năng, trong đó có Sở TT-TT và lực lượng công an các cấp để xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.