Phát triển nguồn nhân lực tại ASEAN trong bối cảnh thế giới công việc đang đổi thay

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 09:08, 28/10/2020

Việc nhanh chóng áp dụng các công nghệ số mới để đối phó với tác động của đại dịch Covid-19 và tạo điều kiện phục hồi kinh tế đã đặt ra không ít những thách thức, làm xuất hiện các công việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng mới.

Tính đến ngày 25/10, khu vực ASEAN đã ghi nhận hơn 800.000 ca nhiễm và khoảng 21.000 trường hợp tử vong do Covid-19. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), đại dịch Covid-19 cũng khiến hơn 30 triệu người dân ASEAN rơi vào tình trạng thất nghiệp, khoảng 18 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, trong đó 3 triệu người ở mức cực kỳ nghèo.

Theo nhận định của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cuộc suy thoái toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra đã tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế và thị trường lao động.

Báo cáo "Tương lai việc làm 2020" của WEF công bố ngày 21/10 cho biết: "Tự động hóa cùng với cơn suy thoái kinh tế do Covid-19, đang tạo ra một viễn cảnh xáo trộn gấp bội đối với người lao động. Covid-19 đang làm tăng tốc các thay đổi công nghệ có thể khiến 85 triệu việc làm mất mát trong 5 năm tới nhưng đồng thời cũng giúp tạo ra 97 việc làm mới".

Các công việc liên quan AI và dữ liệu lên ngôi

Bên ngoài xáo trộn hiện tại do các lệnh phong tỏa và suy thoái kinh tế, xu hướng các công ty tăng cường ứng dụng công nghệ sẽ làm thay đổi các nhiệm vụ, công việc và kỹ năng vào năm 2025. Việc áp dụng điện toán đám mây, dữ liệu lớn và thương mại điện tử vẫn là những ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng đã có sự gia tăng đáng kể đối với mã hóa, robot và trí tuệ nhân tạo (AI).

Phát triển nguồn nhân lực tại ASEAN trong bối cảnh thế giới công việc đang đổi thay - Ảnh 1.

WEF cho rằng sự chuyển dịch ở bộ phận lao động giữa con người và máy móc có thể làm mất đi 85 triệu việc làm vào năm 2025 nhưng đồng thời cũng tạo ra 97 triệu việc làm mới.

"Covid-19 đã thúc đẩy sự xuất hiện của tương lai việc làm. Việc tăng tốc tự động hóa và ảnh hưởng từ cuộc suy thoái Covid-19 đã làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng hiện có trên các thị trường lao động và đảo ngược mức tăng việc làm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008", Saadia Zahidi, Giám đốc điều hành của WEF, cho biết.

WEF dự báo đến năm 2025, công việc gần như sẽ được phân chia đồng đều cho máy móc và con người với máy tính sẽ đảm nhận phần lớn các công việc liên quan đến xử lý dữ liệu, các công việc hành chính và các công việc chân tay thường ngày.

Những việc làm sẽ trở nên dư thừa bao gồm trợ lý hành chính, nhân viên nhập liệu, nhân viên chấm công, kế toán... Trong khi đó, các công việc có nhu cầu cao sẽ bao gồm các công việc trong nền kinh tế xanh, các vai trò trong các lĩnh vực dữ liệu và AI cũng như những công việc mới trong lĩnh vực kỹ thuật, điện toán đám mây và phát triển sản phẩm.

Theo WEF, một số vị trí công việc có nhu cầu ngày càng tăng là nhà khoa học và phân tích dữ liệu, chuyên gia học máy và AI, chuyên gia dữ liệu lớn, chuyên gia Internet vạn vật (IoT), chuyên gia chiến lược và tiếp thị số hóa, chuyên gia chuyển đổi số hóa, nhà phân tích an ninh thông tin, nhà phát triển ứng dụng và phần mềm.

Báo cáo WEF dự báo số lượng công việc cũng sẽ tăng lên trong lĩnh vực tiếp thị, kinh doanh và sản xuất nội dung cũng như các vai trò đòi hỏi năng lực làm việc với những người có nền tảng xuất thân khác nhau.

Khoảng cách về kỹ năng tiếp tục gia tăng

Một trong những phát hiện chính của báo cáo "Tương lai việc làm 2020" - tổng hợp dựa trên quan điểm của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp - là khoảng cách kỹ năng tiếp tục tăng cao khi những kỹ năng theo yêu cầu trong các công việc thay đổi trong 5 năm tới.

"Các nhóm kỹ năng hàng đầu mà các nhà tuyển dụng lớn trên thế giới coi trọng nhất trong 5 năm tới bao gồm: tư duy phản biện, phân tích và giải quyết vấn đề cũng như các kỹ năng tự quản lý như học tập tích cực, khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng và tính linh hoạt", WEF tuyên bố.

Phát triển nguồn nhân lực tại ASEAN trong bối cảnh thế giới công việc đang đổi thay - Ảnh 2.

Theo cuộc khảo sát của WEF ở các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, 94% ý kiến cho biết họ kỳ vọng nhân viên sẽ học thêm các kỹ năng mới trong quá trình làm việc.

Các công ty ngày càng gia tăng đầu tư vào việc đào tạo lại đội ngũ hiện tại. Báo cáo của WEF dự báo 50% người lao động hiện nay sẽ cần phải học hỏi các kỹ năng mới để làm việc hiệu qua hơn trong một môi trường ngày càng gia tăng tự động hóa.

ASEAN thích ứng như thế nào?

Tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay mới đây, các đại biểu đều nhất trí rằng ứng phó với đại dịch Covid-19 không còn cách nào khác là thúc đẩy phát triển bền vững, đào tạo nguồn lao động đáp ứng được với những thách thức mới. Người lao động không chỉ cần trình độ chuyên môn, trách nhiệm mà còn đòi hỏi tính sáng tạo, nâng cao tay nghề, ưu tiên học tập suốt đời.

Trong bối cảnh đó, ASEAN cam kết thúc đẩy triển khai áp dụng các công nghệ mới và xử lý các khoảng cách số đa dạng trong kỹ năng, cơ sở hạ tầng và các quy định, trong và giữa các quốc gia thành viên ASEAN, cũng như những rủi ro và thách thức mà quá trình số hóa kéo theo.

ASEAN đã và đang nỗ lực đa lĩnh vực nhằm tăng cường nguồn nhân lực ASEAN với mục tiêu phát triển một lực lượng lao động khu vực có tính tự cường, cạnh tranh và sẵn sàng cho tương lai. Các nỗ lực này bao gồm việc Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN đã thông qua Điều khoản tham chiếu Hội đồng Giáo dục và Đào tạo nghề nghiệp ASEAN (TVET), sẽ hỗ trợ công tác tăng cường lĩnh vực TVET của ASEAN trong khu vực.

Trước những cơ hội và thách thức liên quan đến các tiến bộ nhanh chóng của kỹ thuật, sự dịch chuyển môi trường địa chính trị và các nền kinh tế xanh, các nhà lãnh đạo ASEAN trông đợi các lĩnh vực giáo dục và lao động sẽ cùng nỗ lực thực hiện Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Lộ trình của tuyên bố bao gồm các hành động, chương trình cụ thể cũng đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay ngày 16/9 và sẽ được trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 ghi nhận vào cuối năm 2020.

Phát triển nguồn nhân lực cũng chính là một trong những mục tiêu lâu dài, là kim chỉ nam cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN như đã được ghi trong Hiến chương ASEAN. Thực hiện mục tiêu này đòi hỏi một cách tiếp cận quyết liệt và hài hòa với sự tham gia của tất cả các cơ quan chuyên ngành liên quan.

TH