Bài 2: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bố sung Nghị định 181/2013/NĐ-CP:

Phát thanh truyền hình - Ngày đăng : 16:29, 26/10/2020

Ngày 19/8/2020, dự thảo Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến. Việc bổ sung các quy định quản lý đối với hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam đã trở thành yêu cầu bức thiết trong điều kiện quảng cáo trực tuyến đang ngày càng chiếm tỉ lệ lớn về doanh thu trong thị trường quảng cáo.

Bài 2: Tác động đến công tác quản lý và thị trường quảng cáo

 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 181/2013/NĐ-CP nếu được thông qua dự kiến sẽ tác động tới công tác quản lý nhà nước về quảng cáo và thị trường quảng cáo  xuyên biên giới.

Trách nhiệm của các đối tượng tham gia hoạt động quảng cáo được quy định rõ ràng  

Như đã nhắc ở bài 1, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 181/2013/NĐ-CP đã bãi bỏ một số quy định mà không khả thi và không phù hợp với thực tế như việc các  tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước 15 ngày trước khi quảng cáo, tuy nhiên, nghị định lại yêu cầu bổ sung trách nhiệm cụ thể hơn của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Ví dụ: Trách nhiệm chủ động rà soát, kiểm tra sản phẩm quảng cáo không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật quảng cáo và không đặt sản phẩm quảng cáo vào các vị trí có nội dung vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng; trách nhiệm thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cũng phải có giải pháp bảo đảm người phát hành quảng cáo ở Việt Nam có khả năng kiểm soát, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo xuyên biên giới vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về quảng cáo.

Tương tự đối với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (các đại lý quảng cáo), khi thực hiện quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam cũng phải có trách nhiệm kiểm tra nội dung sản phẩm quảng cáo, bảo đảm không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật quảng cáo và yêu cầu không đăng phát quảng cáo ở vị trí có nội dung vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng; thực hiện việc đóng thuế theo quy định. Đây là những quy định cụ thể chưa có tại Nghị định 181/2013/NĐ-CP.

Đặc biệt, đối với người phát hành quảng cáo tại Việt Nam (trang thông tin điện tử, báo điện tử, mạng xã hội, ứng dụng,..) và người quảng cáo, quyền và nghĩa vụ lần đầu tiên được quy định cụ thể. Đối với người phát hành quảng cáo phải: Bảo đảm có khả năng kiểm soát để phát hiện, loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo được cung cấp từ dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; Không đăng, phát sản phẩm quảng cáo của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật Việt Nam bằng văn bản.

Trong khi đó, người quảng cáo cũng có trách nhiệm: Không đăng, phát sản phẩm quảng cáo trên các nền tảng quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam; Chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo khi trực tiếp ký kết quảng cáo với tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; Có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch quảng cáo loại bỏ các sản phẩm quảng cáo bị gắn vào các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Những quy định nói trên sẽ bổ sung hành lang pháp lý trong lĩnh vực quảng cáo, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới đảm bảo nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong tổ chức và quản lý.

Tác động đến thị trường quảng cáo

Đối với thị trường quảng cáo trong nước, những quy định mới yêu cầu trách nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước trong việc ngăn chặn các thông tin, dịch vụ nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Bảo đảm chỉ những nội dung quảng cáo hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam mới được truyền, kể cả truyền qua biên giới, đến người sử dụng Internet tại Việt Nam. Điều này cũng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

T.H