Covid-19 khiến người dân dành nhiều thời gian với Internet, thanh toán di động
Quốc tế - Ngày đăng : 16:25, 26/10/2020
Covid-19 còn được coi là "cú huých" giúp thị trường thanh toán điện tử bùng nổ bởi lệnh giãn cách đã khiến nhu cầu mua sắm trực tuyến phát triển mạnh mẽ.
Trung bình người dùng sử dụng smartphone 4 giờ mỗi ngày
Trên thế giới, khoảng 70% người dùng sử dụng smartphone nhiều hơn do tác động trực tiếp từ Covid-19. Còn tại Việt Nam, theo báo cáo "Thị trường điện thoại và ứng dụng di động Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020" do Appota phát hành, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) chiếm đến 70% tổng dân số, tương đương 150 triệu thiết bị. Trong đó, tỷ lệ người sử dụng smartphone chiếm hơn 45% dân số và xếp hạng thứ 15 trên thế giới. Số lượng thuê bao 3G - 4G chiếm 53% người dùng smartphone.
Cũng theo báo cáo, mỗi người sử dụng smartphone trung bình dành khoảng 4 giờ mỗi ngày. Các hoạt động phổ biến trên smartphone bao gồm: nhắn tin, sử dụng mạng xã hội, giải trí, mua sắm, thanh toán trực tuyến. Cụ thể, hoạt động nhắn tin chiếm 93%, mạng xã hội chiếm 94%, xem video và giải trí lên đến 85%...
Nhờ hạ tầng kết nối phát triển đã khiến Việt Nam đã trở thành thị trường "mobile-first" và "ưu tiên smartphone" khi đây là thiết bị kết nối Internet chính thay vì PC/laptop hay tivi, máy tính bảng. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà phát triển và tiếp thị ứng dụng có thể khai thác được nhiều hình thức quảng cáo mới trên các thiết bị di động.
Tác động của Covid - 19 khiến các nhà phát hành lớn hưởng lợi
Thời điểm đại dịch khiến người dân phải ở nhà và điều này đã khiến chơi game trở thành hình thức giải trí phổ biến. Đặc biệt tại Việt Nam, các tựa game di động miễn phí vẫn chiếm tỷ lệ cao. Điều này khiến trò chơi di động dễ dàng tiếp cận và thu hút được rất nhiều người chơi mới vào thời gian giãn cách xã hội mà không mất nhiều chi phí marketing.
Cụ thể, trong quý 1/2020 lượt tải về (download) tăng 40% so với cùng kì, số lượng người chơi cũng gia tăng khoảng 30%. Lý giải cho điều này, báo cáo của Appota chỉ ra nguyên nhân cho rằng chuỗi cung ứng gián đoạn khiến các nhà phát hành nhỏ đình trệ hoạt động nên khó có thể tận dụng được lượng người dùng gia tăng do giãn cách xã hội.
Các tựa game có sẵn tên tuổi và phát hành đủ tiềm lực duy trì hoạt động sẽ được hưởng lợi từ lượng người chơi gia tăng đột biến trong thời kì dịch bệnh. Điển hình, 3 bộ môn eSport được chơi nhiều nhất bao gồm Liên Quân Mobile, Garena Free Fire và PUBG Mobile, cả 3 đều là bộ môn eSport đến từ các nhà phát hành lớn từ Việt Nam.
Livestream nội dung game và eSport tăng trưởng "đột phá"
Cùng với đó, phát trực tuyến (livestream) nội dung game và eSport cũng tăng trưởng dựa theo nhu cầu chơi game. Theo khảo sát, tại Việt Nam có 52% số người theo dõi các bộ môn eSport và các tựa game họ không chơi, điều đó chứng tỏ lượng khán giả xem phát trực tuyến game còn lớn hơn số người thực sự chơi rất nhiều.
Ngoài ra, những người sáng tạo trên nền tảng Facebook Gaming cũng liên tiếp phá các kỷ lục cá nhân của mình về lượt theo dõi, lượt tương tác và lượt người dùng theo dõi trong cùng một thời điểm. Nam Blue, một người sáng tạo thuộc OTA Network đã đạt mức CCV kỷ lục 137.000 người xem trên Facebook Gaming.
Top 10 game trên App Store (Tháng 7/2020)
So với cùng kì năm 2019, dưới những tác động của dịch bệnh, các hoạt động trên Internet thực sự đang thực sự phát triển rõ rệt hơn bao giờ hết. Điều này mở ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà cung cấp nội dung giải trí, quảng cáo hay thương mại điện tử trong việc phát triển sản phẩm và thúc đẩy kinh doanh.
Số giao dịch tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm
Trước những thách thức của đại dịch đã khiến người tiêu dùng nhận ra những lợi ích thiết thực của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Theo báo cáo của Appota, số giao dịch điện tử tăng 76% so với cùng kì năm ngoái, giá trị giao dịch lên tới 4,9 triệu tỉ đồng tăng 178%. Trong đó, số giao dịch trên smartphone đạt 472 triệu giao dịch tăng 177%.
Đặc biệt, trong thời điểm giãn cách xã hội, số giao dịch qua ngân hàng điện tử (ebanking) tăng từ 15 - 30 triệu giao dịch trong 1 ngày.
Đặc biệt, các ví điện tử cũng tăng nhanh theo xu hướng thanh toán không tiền mặt, cụ thể: Ví MoMo đạt mức tăng trưởng ở quý 2 là 50% so với quý 1, ví Zalo Pay và Nganluong.vn cũng tăng lần lượt là 36% và 30% so với quý 1. Theo báo cáo của Appota, người dùng vẫn sẵn sàng dùng ví ngay cả khi không có khuyến mãi.
Rõ ràng, trước những tác động của Covid-19, thanh toán điện tử ngày càng trở nên phổ biến và tương lai của Ví điện tử ngày một phát triển tại thị trường Việt Nam.
Cũng trong tháng 10 đã có thêm 1 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cấp phép trung gian thanh toán là AppotaPay. Như vậy, đã có 39 doanh nghiệp (DN) không phải ngân hàng đã được NHNN cấp phép trung gian thanh toán.
Sự phát triển lượng người dùng ngày càng lớn khiến càng nhiều đơn vị muốn nhảy vào thị trường Ví điện tử. Chính vì vậy, thị trường này trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết với những cuộc đua "đốt tiền" không cân sức từ các ông lớn nhằm thu hút người dùng.
Bà Liên Nguyễn, Giám đốc phát triển DN Appota cho rằng: "Thị trường thanh toán trực tuyến ở Việt Nam sẽ phát triển rất tốt trong thời gian tới, và thực tế dịch Covid-19 đã tạo ra cú huých khá bất ngờ, thúc đẩy thanh toán số phát triển và đem lại những tín hiệu khả quan trong thị trường ví điện tử. Người dùng, đặc biệt là giới trẻ đang dần thay đổi thói quen và hành vi khá nhanh, ví dụ với các hình thức mới livestreaming các đơn vị TMĐT và thanh toán trực tuyến có thể kết hợp với nhau tung ra các khuyến mãi nhất định để thúc đẩy người dùng thanh toán trực tuyến nhiều hơn".
do Appota phát hành với mục đích cập nhật bức tranh toàn cảnh về thị trường thiết bị ĐTDĐ và smartphone tại Việt Nam. Trong đó tập trung vào các mảng: thị phần smartphone tại Việt Nam, trò chơi di động, quảng cáo di động và thanh toán điện tử, TMĐT đặc biệt hữu ích với các thương hiệu, nhãn hàng, các nhà phát hành cũng như những người làm tiếp thị.