Xuất bản với chiến lược “Sức mạnh mềm” trong hội nhập quốc tế
Truyền thông - Ngày đăng : 10:06, 21/10/2020
Các nước đang có những phương thức và sách lược phát triển rất rõ ràng và cụ thể để phát huy hiệu quả của sức mạnh mềm. Đây là cơ hội và cũng là bài học cho xuất bản Việt Nam trong tình hình mới.
Các phương thức phát huy "sức mạnh mềm" trong hoạt động xuất bản
Ý thức được sức mạnh mềm này nên các quốc gia Đông Á đã tập trung chấn hưng nền văn hóa xây dựng hình ảnh cho đất nước và văn hóa mình trong con mắt của người nước ngoài.
Về xuất bản, nằm trong tổng thể của chiến lược xâm nhập bằng sức mạnh mềm này, các nước vùng Đông Á không ngừng tìm kiếm cơ hội để khuyếch trương, quảng bá về đất nước mình bằng một loạt các phương thức:
Tài trợ cho đối tác ở nước sở tại dịch và xuất bản các đầu sách năm trong chương trình quảng bá văn hóa của mình; Xuất bản các sản phẩm bằng tiếng nước ngoài để phục vụ công tác thông tin đối ngoại. Các ấn phẩm này cũng khá đa dạng, từ sách, báo, tạp chí, tới đĩa CD, CD-ROM, VCD, v.v.. và được gửi tặng cho độc giả nước sở tại;
Chủ trì các dự án đồng dịch thuật, đồng xuất bản không nhằm mục đích lợi nhuận, nhất là chương trình liên quan tới các thành viên của hiệp hội xuất bản trong khu vực; Xây dựng thương hiệu quốc gia cho một số sản phẩm xuất bản để có thể dần dần chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới nói chung.
Chiến lược này là chiến lược tổng thể, mang tầm vóc quốc gia và được sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước cả về vật chất lẫn tinh thần.
Thường thường, mục đích của các hoạt động tài trợ dịch thuật được tuyên bố công khai là "thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết giữa các dân tộc và các nước trên thế giới". Tuy nhiên, tác động sâu xa của nó là, qua con đường xuất bản phẩm, dần dần mối thiện cảm ở các nước sở tại đối với hình ảnh đất nước mình, qua đó giúp cho con đường "xâm nhập" của hàng hóa, đầu tư vào nước sở tại dễ dàng thuận lợi hơn.
Không những thế, về tầm dài hạn, xuất bản phẩm góp phần cùng với các nhân tố khác tác động tới tâm trí, tâm lý, nhận thức của công dân nước sở tại.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức phân biệt Chiến lược có chủ đích này với các hoạt động giao lưu, trao đổi, hợp tác về xuất bản như đã nói ở trên như là một nhu cầu hay xu hướng tự nhiên nảy sinh từ hội nhập quốc tế, với mục tiêu về lợi nhuận kinh tế áp đảo mục tiêu gây tác động về mặt văn hóa - xã hội.
Xét về phương diện này, hỗ trợ dịch - xuất bản sách cũng là một hình thức khá phổ biến ở các nước. Không chỉ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có chương trình tài trợ mà các quốc gia lớn khác như Mỹ, Pháp, Đức, Nga... cũng có những chương trình này.
Phương thức hỗ trợ khá đa dạng: hỗ trợ cho nhà xuất bản; hỗ trợ dịch giả, hỗ trợ cho đối tượng trong nước; hỗ trợ cho đối tượng nước ngoài; hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng nước mình và từ tiếng nước mình ra tiếng nước ngoài. Phần lớn sự hỗ trợ về tài chính đều là từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Sách lược phát triển ở một số nước khu vực Đông Á
Nhật Bản - ngay từ năm 1943 đã xây dựng sách lược chấn hưng văn hóa và nêu lên phương châm "văn hóa lập quốc" của thể ở XXI. Năm 2001, nước này đã thông qua Luật Cơ bản Chấn hưng Văn hóa Nghệ thuật. Trên cơ sở đó, năm 2002, Nội các Nhật Bản đã thông qua phương châm cơ bản chấn hưng văn hóa-nghệ thuật. Hiện tại, văn hóa là ngành hoạt động kinh tế lớn thứ hai, sau ngành chế tạo, chiếm tới 18% GDP.
Các sản phẩm của ngành truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản chiếm tới 65% thị trường thế giới, 80% thị trường Châu Âu. Xuất khẩu loại sản phẩm này của Nhật sang Mỹ lớn gấp 3 lần lượng xuất khẩu thép. The Japan Foundation (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản) được thành lập vào năm 1972, là một pháp nhân đặc biệt đảm nhận việc giao lưu văn hóa quốc tế và sau đó, được tổ chức lại là một pháp nhân hành chính độc lập vào tháng 10 năm 2003.
Mục đích của The Japan Foundation là: góp phần làm cho môi trường quốc tế tốt hơn và góp phần vào việc duy trì và phát triển các mối quan hệ hài hòa giữa các nước khác với Nhật Bản thông qua việc tăng cường hiểu biết của các nước về Nhật Bản, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, khích lệ tình hữu nghị và thiện chí giữa các dân tộc trên thể giới, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa và các lĩnh vực khác thông qua việc thực thi có hiệu quả và toàn diện các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế.
The Japan Foundation hoạt động theo ba lĩnh vực chính như sau: Giao lưu Văn hóa Nghệ thuật; Đào tạo tiếng Nhật tại nước ngoài; Nghiên cứu tiếng Nhật và Giao lưu Trí tuệ. Trong mỗi lĩnh vực nêu trên đều có các chương trình tài trợ để hỗ trợ cho các hoạt động giao lưu quốc tế của các cá nhân và các tổ chức.
Ngoài ra, The Japan Foundation cũng tự lập kế hoạch và tổ chức các sự kiện, hỗ trợ liên tục cho các trường đại học và các tổ chức khác tại nước ngoài, cung cấp thông tin có được từ việc nghiên cứu, khảo sát…
Bên cạnh đó, là các chương trình hỗ trợ dịch và xuất bản về Nhật Bản, tức là hỗ trợ cho các dự án liên quan tới việc dịch hoặc xuất bản các tác phẩm Nhật Bản về nhân văn, khoa học xã hội và nghệ thuật, xuất bản sách giới thiệu văn hóa Nhật Bản bằng ngôn ngữ nước ngoài.
Ngoài The Japan Foundation, Cơ quan Văn hóa (Agency for Cultural Affairs) đã đầu tư hàng triệu yên để dịch các tác phẩm của tác giả Nhật ra tiếng Anh. Ngoài ra, Quỹ Suntory thì lại giới thiệu loại sách học thuật về chủ đề văn hóa Nhật ra công chúng nước ngoài…
Giờ đây, truyện tranh liên hoàn (Manga) của Nhật đã trở thành một sản phẩm nổi tiếng khắp Nhật Bản (chiếm tới 20% tổng giá trị thị trường sách ở Nhật Bản) và khắp thế giới. Bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, Châu Âu đã hào hứng đón nhận loại truyện này và đã dịch ra các thứ tiếng như Pháp, Đức, Ý; sau đấy là khu vực Châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam.
Hàn Quốc cũng đề ra chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Cùng với phim ảnh tuyên truyền về Hàn Quốc, các nhà xuất bản Hàn Quốc cũng cho thấy dấu hiệu tiến triển của việc bán bản quyền các loại sách của Hàn Quốc, đặc biệt là đầu sách liên quan tới phim truyền hình hay loại phim nhiều tập nhẹ nhàng của Hàn Quốc đang được trình chiếu ở các nước Châu Á.
Để đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực này, có nhà xuất bản đã lập hẳn chi nhánh của mình tại nước ngoài, như Tập đoàn Woonjin chẳng hạn. Với mong muốn để độc giả Mỹ biết nhiều hơn nữa phong vị Hàn Quốc, Tập đoàn này - vốn chuyên xuất bản sách giáo dục trẻ em đã thành lập một chi nhánh của mình tại Mỹ dưới thương hiệu là Bearport Publishing để giao dịch và thực hiện luôn cả việc xuất bản những đầu sách Hàn Quốc được dịch ra tiếng Anh.
Để thúc đẩy quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra nước ngoài, Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực triển khai Dự án gọi là "100 cuốn sách từ Hàn Quốc" với mục đích giới thiệu 100 đầu sách hay để dịch và xuất bản bằng Các thứ tiếng sau: Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật.
Việc Dịch thuật Văn học Hàn Quốc thành lập năm 2001 là một thiết chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc. Chức năng của Viện này là phát triển, quảng bá văn hóa và văn học Hàn Quốc ra khắp thế giới. Viện có những chương trình tài trợ cho giao lưu văn hóa, học tập (tiếng Hàn hay văn hóa Hàn Quốc), đặc biệt chương trình tài trợ tổ chức cho sự kiện tiếp thị - quảng cáo ở nước ngoài cho những sách Hàn Quốc được dịch và xuất bản ở nước ngoài…