Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh/thành
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 20:55, 16/10/2020
Theo đó, đối tượng áp dụng Đề án là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trừ một số cơ quan không thực hiện chức năng quản lý nhà nước hoặc ít cung cấp thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp); UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy định rõ tiêu chí 3 cấp
Cụ thể, bộ chỉ số chuyển đổi số gồm 3 cấp: Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh; Chỉ số chuyển đổi số cấp bộ; Chỉ số chuyển đổi số quốc gia.
Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột chính (pillar) gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ số chính: chỉ số đánh giá về chuyển đổi nhận thức, chỉ số đánh giá về kiến tạo thể chế, chỉ số đánh giá về phát triển hạ tầng và nền tảng số, chỉ số đánh giá về thông tin và dữ liệu số, chỉ số đánh giá về hoạt động chuyển đổi số, chỉ số đánh giá về an toàn an ninh mạng, chỉ số đánh giá về đào tạo và phát triển nhân lực.
Mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí (chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, hạ tầng và nền tảng số, thông tin và dữ liệu số, hoạt động xã hội, an ninh mạng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số).
Chỉ số chuyển đổi số cấp bộ không đánh giá riêng theo các trụ cột như cấp tỉnh mà đánh giá chung chỉ số chuyển đổi số của bộ để đảm bảo những tiêu chí đánh giá là tương đồng, phù hợp với đặc điểm của mỗi bộ phụ trách một trụ cột khác nhau.
Chỉ số chuyển đổi số cấp bộ cũng gồm 7 chỉ số chính như chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, trong mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí (đánh giá qua số lượng báo cáo - điều tra xã hội học, sắc thái thông tin trên không gian mạng, phỏng vấn các chuyên gia).
Chỉ số chuyển đổi số quốc gia được cấu trúc theo 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chỉ số này cũng gồm 7 chỉ số chính như chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, trong mỗi chỉ số chính có các chỉ số thành phần.
Căn cứ theo kết quả đánh giá chuyển đối số cấp tỉnh và cấp bộ, các chỉ số thành phần và tiêu chí của Chỉ số chuyển đổi số quốc gia sẽ được Bộ TT&TT quy định và điều chỉnh cho phù hợp thực tế.
Đánh giá được áp dụng trên thang điểm chuẩn
Theo Đề án, khi đánh giá DTI của từng cấp sẽ có những thang điểm chuẩn, cụ thể đối với thang điểm chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh là 1.000 điểm chia cho 3 trụ cột theo tỷ lệ: 400 điểm cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số mỗi trụ cột 300 điểm. Thang điểm đánh giá của chỉ số chuyển đổi số cấp bộ là 500 điểm.
Đối với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và cấp bộ, điểm đánh giá theo số liệu báo cáo và điều tra xã hội chiếm 80%; điểm đánh giá theo sắc thái thông tin trên không gian mạng chiếm 10%; và điểm đánh giá qua phỏng vấn chuyên gia chiếm 10%.
Riêng trong đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, điểm cho chỉ số của mỗi trụ cột chiếm 20%, các chỉ số chính còn lại là 10% số điểm (đánh giá theo số liệu báo cáo thống kê và điều tra xã hội học). Với chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, điểm cho chỉ số chính hoạt động chuyển đổi số chiếm 16%, điểm cho chỉ số chính kiến tạo thể chế chiếm 14%, các chỉ số chính còn lại mỗi chỉ số 10% số điểm (đánh giá theo số liệu báo cáo thống kê và điều tra xã hội học.
Quyết định cho phép các bộ, tỉnh tự đánh giá cho điểm kết quả thực hiện chuyển đổi số của đơn vị mình (điểm đánh giá được thể hiện tại cột "tự đánh giá" của bảng chỉ số) và theo Hướng dẫn của Bộ TT&TT. Ngoài ra các bộ, tỉnh cũng có thể theo dõi được sự thay đổi thứ hạng của mình mỗi khi có số liệu mới của các tiêu chí đánh giá được cập nhật vào phần mềm.
Để đảm bảo tính công bằng, khách quan, Bộ TT&TT đánh giá độc lập các tiêu chí có số liệu do Bộ TT&TT tự giám sát qua hệ thống. Đồng thời, Bộ cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định để xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết. Khi có kết quả cuối cùng, điểm đánh giá các bộ, tỉnh sẽ được thể hiện tại cột do "Bộ TT&TT đánh giá" của bảng chỉ số.
Còn lại, đối với các thành phần đánh giá điểm trên công cụ: điều tra xã hội học, sắc thái thông tin trên không gian mạng, phỏng vấn các chuyên gia, mặc định hoặc loại trừ cũng được quy định cụ thể trong Quyết định 1726.
Các giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá chuyển đổi số, trong quyết định đề án trên cũng đưa ra các yêu cầu cho các đơn vị cùng những giải pháp cụ thể:
Các đơn vị cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và hiệu quả cuộc chuyển đổi số, cần bố trí nguồn lực đảm bảo việc thực hiện công tác theo dõi, đánh giá, liên tục, trung thực, khách quan.
Tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Bộ chỉ số chuyển đổi số dưới các hình thức như hội nghị, hội thảo, các phương tiện thông tin đại chúng. Cần sự thay đổi nhận thức cấp lãnh đạo, sự quan tâm, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Ngoài ra cần tăng cường ứng dụng CNTT, bảo đảm kinh phí cho công tác xác định Bộ tiêu chí Chuyển đổi số cấp tỉnh, bộ qua việc xây dựng, hoàn thiện phần mềm đánh giá chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyển đổi số, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp…
Bộ TT&TT cũng chỉ đạo các cơ quan đơn vị thuộc Bộ tích cực thực hiện việc tổng hợp, cung cấp thông tin, số liệu về các tiêu chí, thành phần có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao. Cục Tin học hóa có trách nhiệm xây dựng trình Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan đơn vị thuộc bộ, các bộ, các tỉnh triển khai việc xác định Chỉ số chuyển đổi số trong phạm vi trách nhiệm của bộ, tỉnh …
Đối với Cục ATTT, thực hiện đánh giá trên không gian mạng các chỉ số thông qua thu thập thông tin và phân tích dữ liệu từ không gian mạng. Với các cơ quan báo chí thuộc Bộ như báo VietNamNet, Tạp chí TT&TT phối hợp với Cục Tin học hóa thực hiện công tác tuyên truyền về chuyển đổi số và Bộ chỉ số về chuyển đổi số trên các chuyên trang, ấn phẩm của mình…
Quyết định có hiệu lực từ ngày 12/10/2020, trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị có vướng mắc lien hệ với Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT để được hướng dẫn.