Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác xây dựng Chính phủ điện tử theo 4 hợp phần chính

Diễn đàn - Ngày đăng : 10:34, 14/10/2020

Chiều 13/10, Văn phòng Chính phủ (VPCP) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về triển khai thỏa thuận khung chiến lược về chương trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực chính phủ điện tử (CPĐT) của Việt Nam.

Sự nỗ lực, cam kết mạnh mẽ và hợp tác của hai bên trong triển khai xây dựng CPĐT

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết VPCP tiếp nhận chính thức sự hỗ trợ của USAID trong xây dựng CPĐT, hiện đại hóa quản trị công và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thông qua việc ký kết Bản ghi nhớ triển khai thỏa thuận khung chiến lược về chương trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực CPĐT của Việt Nam.

Bản ghi nhớ là một trong những văn kiện quan trọng thể hiện sự nỗ lực, cam kết mạnh mẽ và mong muốn hợp tác của hai bên trong triển khai xây dựng CPĐT, cải cách TTHC, trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên, pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam và Hoa Kỳ tham gia hoặc ký kết.

Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác trong xây dựng Chính phủ điện tử - Ảnh 1.

VPCP và USAID ký kết biên bản ghi nhớ triển khai thỏa thuận khung chiến lược về chương trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực chính phủ điện tử của Việt Nam - Ảnh: VGP

"Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa VPCP và USAID diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ. Như vậy, chúng ta đang khởi tạo những tín hiệu tốt đẹp cho hợp tác giữa hai bên trong những năm tiếp theo", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Hoa Kỳ, USAID tại Việt Nam trong việc triển khai các chương trình, dự án của USAID tại Việt Nam nói chung, Bản ghi nhớ này và dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (dự án LinkSME) nói riêng.

Nỗ lực vượt bậc trong triển khai CPĐT

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ cắt giảm được 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tới đây, VPCP sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ để đẩy mạnh hơn nữa cải cách kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trong thời gian qua, VPCP đã tích cực, chủ trì xây dựng và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng làm nền tảng cho việc phát triển CPĐT tại Việt Nam như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước (đã có gần 3 triệu văn bản gửi nhận trên Trục liên thông); Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ E-Cabinet (đã phục vụ 22 phiên họp Chính phủ và 544 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế 205.000 bộ tài liệu, hồ sơ giấy); Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Hệ thống đã kết nối với hệ thống thông tin báo cáo và các hệ thống thông tin liên quan của 30 bộ, cơ quan với 20 chế độ báo cáo và 106/200 chỉ tiêu kinh tế-xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hiện tại 106/106 chỉ tiêu kết nối đã cung cấp dữ liệu).

Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác trong xây dựng Chính phủ điện tử - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP

Các hệ thống thông tin nêu trên đã giúp tiết kiệm tổng chi phí xã hội ước tính trên 8.500 tỷ đồng/năm và quan trọng hơn là tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan trong hệ thống hành chính, giữa Chính phủ với người dân và DN; vừa tạo lực kéo vừa tạo lực đẩy trong triển khai CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, góp phần thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.

Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), sau 10 tháng hoạt động, đã tích hợp, cung cấp 1.634 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại 4 cấp chính quyền, có hơn 76,7 triệu lượt truy cập, gần 331.000 tài khoản đăng ký, hơn 20,180 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 458.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và trên 6.500 giao dịch thanh toán với số tiền giao dịch lên tới gần 8,4 tỷ đồng.

Đây là sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả của bạn bè quốc tế nói chung, của Đại sứ quán, USAID tại Việt Nam nói riêng.

Ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng đối với những nỗ lực vượt bậc của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai CPĐT. VPCP đã đạt được những tiến bộ quan trọng về thể chế hóa cải cách hành chính và xây dựng các nền tảng CPĐT toàn diện, đặc biệt với sự ra đời của Cổng DVCQG và việc tích hợp TTHC thứ 1.000 lên hệ thống này, hoàn thành hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Trục liên thông văn bản quốc gia và gần đây là đưa vào triển khai Hệ thống Thông tin Báo cáo Quốc gia.

Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác trong xây dựng Chính phủ điện tử - Ảnh 3.

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP

Với thỏa thuận vừa được ký kết, USAID sẽ giúp Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường sự phối hợp liên ngành và tính minh bạch, đồng thời phát triển nền tảng CPĐT là Cổng DVCQG. Những tiến bộ này sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thông tin, mang lại lợi ích cho cả người dân và DN, đồng thời góp phần giúp Việt Nam vượt qua khó khăn do đại dịch.

Ông Daniel J. Kritenbrink nhấn mạnh: "Nỗ lực này là bằng chứng rõ ràng cho thấy hai đất nước chúng ta là những đối tác tin cậy với tình hữu nghị được xây dựng trên nền tảng sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đã có những tiến bộ phi thường trong 25 năm qua kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao".

Theo Bản ghi nhớ, các hoạt động hợp tác bao gồm 4 hợp phần chính: Hỗ trợ tăng cường năng lực thực thi các quy định về cung cấp và giải quyết DVCTT; hỗ trợ quản lý sự thay đổi và truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả Cổng DVCQG; hỗ trợ tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ Cổng DVCQG, cải thiện giao diện và trải nghiệm người dùng trên hệ Cổng DVCQG; hỗ trợ tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các trung tâm một cửa, tập trung vào số hóa các kết quả giải quyết TTHC và truy cập kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa thông qua Cổng DVCQG.

PV