Một số cuốn sách giá trị về hợp tác, đối ngoại của Việt Nam với các nước

Truyền thông - Ngày đăng : 09:18, 12/10/2020

Với những luận chứng súc tích và nguồn tư liệu phong phú, cùng những nhận xét, đánh giá rất hữu ích và đáng tin cậy, những cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích đối với bạn đọc.

25 năm Việt Nam tham gia ASEAN qua góc nhìn của người trong cuộc

Một số cuốn sách giá trị về hợp tác, đối ngoại của Việt Nam với các nước - Ảnh 1.

Cuốn sách với nội dung là những kinh nghiệm quý báu của Việt Nam trong quá trình tham gia ASEAN

Cuốn sách tập hợp 25 bài viết của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao, các nhà ngoại giao kỳ cựu trong và ngoài nước về "thuở ban đầu" khi Việt Nam đến với ASEAN, kinh nghiệm quý báu của Việt Nam trong quá trình tham gia ASEAN.

Những trang hồi ức sinh động và suy nghĩ sâu lắng của các tác giả đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh về thế giới, khu vực và Việt Nam trong quá trình 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Qua đó, nêu bật những lợi ích thiết thực mà quá trình tham gia ASEAN mang lại cho Việt Nam cũng như những đóng góp của Việt Nam cho thành công chung của ASEAN những năm qua.

Cuốn sách cũng gợi mở về hướng đi tương lai của ASEAN, cũng như định hướng tham gia ASEAN của Việt Nam trong thời gian tới.

Một số cuốn sách giá trị về hợp tác, đối ngoại của Việt Nam với các nước - Ảnh 2.

Cuốn sách là tài liệu tham khảo cho bạn đọc quan tâm đến Hàn Quốc

Việt Nam - Hàn Quốc: 25 năm hợp tác, phát triển (1992-2017) và triển vọng đến năm 2022

Cuốn sách gồm ba chương, khái quát những nhân tố khách quan và chủ quan tác động tích cực và tiêu cực đến quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 1992-2017, phân tích thực trạng mối quan hệ hai nước trong giai đoạn này, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ những hạn chế, tồn tại cản trở mối quan hệ lâu đời giữa hai quốc gia - dân tộc, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992-2022).

Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị cho nhiều đối tượng độc giả, đặc biệt là những bạn đọc quan tâm đến đất nước Hàn Quốc phát triển năng động với "làn sóng văn hóa Hàn Quốc" đã và đang trải rộng khắp châu lục cũng như trên toàn cầu.

Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh

Trong gần hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Mỹ và Nga dần hướng sự quan tâm của mình đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, nhằm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ổn định và cân bằng hướng về lâu dài.

Một số cuốn sách giá trị về hợp tác, đối ngoại của Việt Nam với các nước - Ảnh 3.

Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc một bức tranh toàn diện về tiến trình phát triển chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga đối với Việt Nam

Còn đối với Việt Nam, chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga có sự thay đổi gì so với trong thời kỳ Chiến tranh lạnh? Liệu Việt Nam có thể trở thành đối tác bình đẳng được với Nga và Mỹ trong quan hệ đối ngoại không? Hay trong tương lai, quan hệ song phương của Mỹ và Nga đối với Việt Nam sẽ như thế nào?...

Những câu hỏi này sẽ lần lượt được trả lời trong các chương của cuốn sách "Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh" do Tiến sĩ Bùi Thị Thảo, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Huế biên soạn.

Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc một bức tranh khách quan, sinh động và tương đối toàn diện về tiến trình phát triển chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga đối với Việt Nam trong và sau Chiến tranh lạnh.

Trên cơ sở phân tích so sánh, cuốn sách "Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh" không chỉ trình bày hệ thống sự điều chỉnh chính sách của mỗi cường quốc Mỹ, Nga đối với Việt Nam qua hai thời kỳ trong và sau Chiến tranh lạnh, mà còn chỉ ra và đi sâu phân tích những tương đồng và khác biệt trong chính sách của mỗi nước đối với Việt Nam.

Đây là nội dung quan trọng, không chỉ cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết căn bản, có hệ thống về sự điều chỉnh chính sách của Mỹ, Nga đối với Việt Nam mà ở góc độ nhất định, mang lại những hàm ý sâu sắc cho việc hoạch định chính sách của nước ta một cách hiệu quả, phù hợp với từng đối tác trong bối cảnh mới.

Với kết cấu chặt chẽ, nội dung cuốn sách được chia thành ba chương: Chương I: Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh (1991-2015); Chương II: Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nga đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh (1991-2015); và Chương III: Một số nhận xét về sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga đối với Việt Nam.

Chương I của cuốn sách tập trung phân tích sự điều chỉnh liên tục, linh hoạt trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam từ dè dặt giữa trừng phạt và hòa giải (G.H.W. Bush) sang chính sách hợp tác với việc lần đầu tiên xác định "quan hệ đối tác" với Việt Nam (B. Clinton) đến chính sách hợp tác ở mức độ cao hơn và hướng đến cơ chế "đối tác ổn định, bền vững" (G.W. Bush).

Quá trình điều chỉnh tuy trải qua nhiều thăng trầm và vẫn còn tiếp diễn nhưng sự điều chỉnh lớn nhất trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam từ sau Chiến tranh lạnh là chuyển từ đối đầu sang đối thoại và hợp tác đa cấp độ.

Sự phát triển trong chính sách trên cho thấy, mặc dù vẫn tồn tại một số khác biệt trong quan hệ hai nước, song vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được Hoa Kỳ chú trọng. Kết quả này đặt nền tảng vững chắc cho những chuyển biến mạnh mẽ trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam dưới thời Tổng thống Barack Obama hiện nay.

Như vậy, có thể thấy rằng, sau khi điều chỉnh, chính sách của Mỹ đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh đáp ứng những thay đổi có tính thời đại của bối cảnh quốc tế, đáp ứng xu hướng phát triển chung: hòa bình, hợp tác, cùng phát triển của nhân loại.

Trên cơ sở phân tích những biến động trong chính sách của Liên Xô đối với Việt Nam thời kỳ 1945-1991 và chính sách của Nga đối với Việt Nam từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chương II đi sâu phân tích nguyên nhân và nội dung sự điều chỉnh chính sách của Nga đối với Việt Nam: từ chính sách "liên minh, trên tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa và lợi ích quốc gia" của Liên Xô trong Chiến tranh lạnh đến chính sách "bỏ rơi đồng minh" rồi đến "hợp tác" (B. Yeltsin) và "hợp tác toàn diện" (V. Putin) của Nga sau Chiến tranh lạnh.

Chương này cũng cho thấy những khác biệt về nội dung và hình thức của quan hệ Nga - Việt thời kỳ sau Chiến tranh lạnh so với quan hệ Xô - Việt (1945-1991), đồng thời chỉ ra lý do của sự khác biệt đó. Có thể nói, chính sách đối ngoại của Nga đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh được khôi phục vào cuối thời kỳ cầm quyền của B. Yeltsin nhưng chỉ thật sự tái sinh dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống V. Putin (2000-2008) và phát triển mạnh mẽ hơn dưới thời D. Medvedev, đặc biệt là hai nhiệm kỳ tiếp theo của Tổng thống V. Putin (từ năm 2012 đến nay).

Một số nhận xét về sự điều chỉnh chính sách của Mỹ và Nga đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh được tác giả đưa vào chương cuối của cuốn sách. Đó là những phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về sự tương đồng và khác biệt trong chính sách của mỗi cường quốc đối với Việt Nam; về những tác động từ sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ, Nga đối với Việt Nam cũng như đối với khu vực Đông Nam Á hay châu Á - Thái Bình Dương. Cuối cùng, tác giả cũng đưa ra một số dự báo bước đầu về chính sách đối ngoại và quan hệ song phương của Mỹ, Nga đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Với những luận chứng súc tích và nguồn tư liệu phong phú, cùng những nhận xét, đánh giá rất hữu ích và đáng tin cậy, cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích đối với các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, những người tham gia hoạch định chính sách và những độc giả quan tâm tới vấn đề này.

T.H