Chuyển đổi số ở làng, xã xây dựng và phát triển nông thôn mới bền vững
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:13, 12/10/2020
Quan điểm của Chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng đến việc: "…Hình thành văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa, giá trị đạo đức căn bản của con người và chủ quyền số quốc gia. Chuyển đổi số là phương thức để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc" và "Lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước, bao gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp…".
Với quan điểm lấy người dân là trung tâm chuyển đổi số, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận chuyển đổi số xã hội, chuyển đổi kỹ năng; cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở, đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hóa số; chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số, không ai bị bỏ lại phía sau.
Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ) hướng đến việc "xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững".
Đối với người nông dân, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ chuyển đổi số "tam nông" (nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Những giải pháp này nhằm hướng đến việc biến "mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số". Đây là một sáng kiến đột phá, thể hiện tầm nhìn mới trong phát triển ngành kinh tế quan trọng bậc nhất của nước ta.
Thực hiện chuyển đổi số thành công "tam nông" là một quá trình "dò đá qua sông", chưa có tiền lệ. Vì thế, học hỏi những kinh nghiệm quốc tế là rất quan trọng nhằm đạt được mục tiêu xã hội số và xa hơn nữa là kinh tế số của Việt Nam. Phân tích trường hợp thành công của Hàn Quốc trong thực hiện dự án INVIL (Information Network Village – Làng mạng lưới thông tin), dự án Taobao Village ở nông thôn Trung Quốc trong ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội (KTXH), thu hẹp khoảng cách số có thể sẽ là một bài học quý đối với Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Phần 1: Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong xây dựng làng thông tin INVIL
Giới thiệu bối cảnh
Với chủ đề "Chính phủ số trong thập kỷ hành động cho phát triển bền vững", báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử (CPĐT) của Liên hợp quốc năm 2020 (United Nations E-Government Survey 2020) đã xếp hạng Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ 2 trên toàn thế giới về mức độ phát triển của CPĐT (tăng 1 bậc so với năm 2018).
Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ trong thực hiện các kế hoạch được xây dựng bài bản, có tầm nhìn xa, vốn được khởi đầu từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, bao gồm: Dự án máy tính hóa trong quản trị công vào năm 1978, Dự án mạng quốc gia vào năm 1987, Dự án xây dựng mạng tốc độ cao vào năm 1995, Dự án thúc đẩy thông tin hóa vào năm 1996, Dự án chính phủ điện tử năm 2001 (IDN, 2012).
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia khác, Hàn Quốc cũng đã gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình phát triển CPĐT của mình. Đó là khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị có thể sẽ đe dọa đến sự thành công và phát triển bền vững của các dự án xây dựng CPĐT do các giá trị không được lan tỏa đến rộng khắp các địa phương và tầng lớp dân chúng. Chính vì thế, tháng 01/2001, Hàn Quốc đã ban hành Luật về Thu hẹp khoảng cách số. Cũng trong năm này, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành dự án Làng mạng lưới thông tin (Information Network Village - INVIL).
Dự án INVIL
Theo Cơ quan Trung ương quản lý INVIL (INVIL Central Agency, 2013), mục tiêu chủ yếu của INVIL thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, thông qua tăng cường mức độ sẵn có của dịch vụ CPĐT, và nâng cao mức sống của người dân bằng việc thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT). Dự án INVIL được kỳ vọng nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương trong việc ứng dụng CNTT&TT nhằm thúc đẩy nền kinh tế khu vực thông qua các giao dịch TMĐT, giáo dục và thông tin công cộng. Các làng INVIL thường tạo ra một môi trường sử dụng mạng Internet cung cấp cho cư dân thông tin, đào tạo họ và hướng dẫn họ tiếp cận nhiều loại hình thông tin khác nhau liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày và hoạt động kinh tế của cư dân, và quan trọng hơn là tạo điều kiện hình thành các cộng đồng địa phương và liên kết họ lại với nhau.
Dự án INVIL khởi đầu năm 2001 với chỉ 21 làng, xã, thì đến năm 2013, INVIL đã phủ đến 361 làng/xã trên tất cả 9 tỉnh, thành phố của Hàn Quốc. Từ năm 2001 đến năm 2004, dự án đã đầu tư khoảng 84 tỷ won cho 191 ngôi làng (IDN, 2012), bao gồm cả vốn của Chính phủ và chính quyền các cấp. Trong đó, 71,4% nguồn vốn được đầu tư cho tạo lập môi trường, xây dựng hệ thống hạ tầng và nội dung thông tin, 23% còn lại dùng để mua sắm máy tính phân phối cho các ngôi làng.
Các năm đầu tiên, dự án chủ yếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng các trung tâm INVIL tại các ngôi làng, mua sắm và phân bổ máy tính đến các hộ gia đình, xây dựng website. Theo đó, Tập đoàn viễn thông của nhà nước, Korea Telecom (KT) đã chủ động tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án. Cơ cấu đầu tư của INVIL cũng thay đổi theo từng thời kỳ, trong khi từ năm 2002, chi phí mua sắm máy tính được tài trợ bởi chính quyền địa phương, thì từ năm 2006 trở đi dự án chủ yếu tập trung vào phát triển thương mại điện tử, quảng bá du lịch nhằm tạo thu nhập bền vững cho cư dân.
Cơ cấu đóng góp ngân sách của INVIL cũng rất linh hoạt. Mặc dù đều được tài trợ bởi cả Chính phủ và chính quyền địa phương, tuy nhiên, tùy vào điều kiện kinh tế của từng tỉnh mà mức độ đóng góp sẽ được phân bổ khác nhau. Đơn cử như Gangwon và Gyungki, đây là 2 tỉnh gần với Seoul, dễ dàng phát triển du lịch hơn nên mức độ đóng góp lên tới tương đương 50% ngân sách, cao hơn nhiều so với các tỉnh khác. Vào năm 2013, trong số 361 làng INVIL, thì có tới 110 làng được đầu tư hoàn toàn bởi vốn địa phương, 251 làng còn lại được ngân sách Trung ương đầu tư ban đầu như là một nguồn vốn mồi.
Cụ thể về thực hiện dự án, làng thông tin của INVIL được xây dựng như sau:
- Về hạ tầng truyền thông: Các ngôi làng tham gia INVIL phải ở các vị trí có thể xây dựng hạ tầng Internet tốc độ cao, với chi phí thấp;
- Trung tâm INVIL tại làng: Trung tâm INVIL tại làng được xây dựng và trang bị phương tiện để đào tạo, cũng như cung cấp các dịch vụ công trực tuyến tới các cư dân;
- Xây dựng nội dung thông tin: Nhằm khuyến khích sự tham gia của cư dân, INVIL đã tổ chức và phát triển các chương trình giáo dục – đào tạo trực tuyến về ứng dụng CNTT, khai thác, vận hành website TMĐT, du lịch sinh thái… (bao gồm cho cả người khuyết tật, người cao tuổi, lãnh đạo làng, xã…).
Đối với nông dân, INVIL cũng đưa ra các cách thức để nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững, cung cấp các nền tảng thông tin về vụ mùa, giá cả, phương pháp nuôi trồng, điều kiện thời tiết, cũng như nền tảng thông tin thị trường, kết nối cung cầu (C2C – bán lẻ) các sản phẩm của nông dân, các dịch vụ tư vấn từ xa, thông tin y tế…
Ngoài ra, dự án cũng khuyến khích cư dân địa phương góp phần thúc đẩy cộng đồng của họ bằng cách đăng tin tức địa phương trên trang web (new.invil.org) và hình thành các câu lạc bộ (community.invil.org) trên Internet. Bằng cách làm đó, INVIL đã tạo điều kiện cho nông dân chủ động tìm ra cách riêng để quản lý làng của mình, phát triển một mô hình kinh doanh và tìm kiếm các kế hoạch phát triển bền vững.
Chính phủ điều hành trang chủ chính của dự án INVIL (www.invil.org), liên kết đến các trang của 358 làng tham gia. Trang web cũng cung cấp nhiều dịch vụ với thông tin về sản phẩm địa phương (www.invil.com), sản phẩm du lịch nông nghiệp (www.tour.invil.com), tin tức địa phương do người dân địa phương đăng tải (www.news.invil.org) và cộng đồng trực tuyến (www.community.invil.org). Thành viên và doanh số TMĐT đã không ngừng phát triển với nhiều hình thức trực tuyến cộng đồng. Năm 2008, trang web INVIL đã được nâng cấp với các nội dung và dịch vụ mới bằng cách giới thiệu USS, tăng cường bảo vệ bản quyền và cải thiện khả năng truy cập web. Các trang web mua sắm INVIL (www.invil.com) cũng tăng cường các dịch vụ của mình như đặt hàng quản lý, đăng ký các sản phẩm du lịch nông nghiệp và quản lý ủy quyền của người dùng và xếp hạng tín dụng nhà sản xuất.
Ngoài ra, mô hình quản trị của INVIL cũng được tạo lập theo các cách thức khác biệt, bảo đảm dự án được thực hiện thành công:
- Đây là chương trình phối - kết hợp giữa chính phủ trung ương và chính quyền địa phương. Chính phủ trung ương sẽ cấp kinh phí ban đầu để xây dựng, chính quyền địa phương sẽ quản lý, đánh giá và sẽ có những hỗ trợ tiếp theo. Với cách làm này, các ngôi làng sẽ được xây dựng thống nhất về tổng thể, có hệ thống, đồng thời, địa phương các cấp, bao gồm cả cấp làng, xã cũng được hoàn toàn chủ động quản lý, thực hiện dự án dựa trên những lợi thế và như cầu về dài hạn;
- Thay vì đầu tư lớn về hạ tầng, chương trình chú trọng vào lợi ích của các ngôi làng tham gia. Với sự vào cuộc của chínhquyền các tỉnh trong việc lựa chọn và duy trì chương trình, cộng đồng địa phương có thể tối đa hóa lợi ích;
- INVIL được triển khai tại các cộng đồng nhỏ, thường khoảng trên dưới 100 hộ gia đình, để tạo thuận lợi trong việc quản lý;
- Không phải là chương trình đầu tư một lần, sau đó sẽ dừng lại mà không tiếp tục cập nhật, INVIL chú trọng đến sự bền vững và duy trì tiếp diễn dài hạn, thậm chí đến 10 năm. Sau khi xây dựng hạ tầng, mỗi ngôi làng sẽ có người quản lý làm việc toàn thời gian để giúp người dân xây dựng website, đào tạo sử dụng… Điều này sẽ tiếp tục tạo ra nhu cầu sử dụng của người dân. Khi họ đã thành thục, họ sẽ có khả năng tùy biến, sáng tạo thêm những cách thức mới để để tận dụng lợi ích do hạ tầng CNTT mang lại.
Kết quả của INVIL
Thu hẹp khoảng cách số
Theo Sora Park, Man Chul Jung, Jee Young Lee (2013), năm 2000, trước khi triển khai INVIL, tại các làng được chọn thì tỷ lệ sử dụng máy tính chỉ là 37,3%, mật độ Internet là 9,1%. Đến năm 2008, các tỷ lệ này đã phát triển lên tương ứng là 72,1% và 66,5%, trong khi trên cả nước là 81,9% và 78,3%. Số lượng nông dân được đào tạo năm 2001 là 15.000, thì đến năm 2012 đã là 400.000. Tác động của INVIL rõ ràng là rất lớn.
Phát triển kinh tế
Tác động đến phát triển kinh tế của INVIL cũng rất đáng kể. Hầu hết các làng tham gia INVIL đều có doanh thu từ TMĐT và du lịch. Theo một đánh giá về chương trình INVIL tại 52 làng của tỉnh Gangwon-do cho thấy, doanh thu năm 2010 đã tăng gấp hơn 827 lần năm 2001 (Whang, 2012).
Trong khuôn khổ dự án INVIL, Bộ Nội vụ Hàn Quốc (MOPAS) đã xây dựng 2 hệ thống website, trang TMĐT bán các sản phẩm địa phương và trang quảng bá du lịch. Doanh thu từ 2 website đã tăng từ 3 tỷ Won vào năm 2006 lên tới 40 tỷ Won vào năm 2012, đồng thời, doanh thu của mỗi làng cũng tăng từ 11 triệu Won lên 114 triệu Won. Các yếu tố chủ yếu đóng góp cho sự tăng trưởng vượt bậc này là ứng dụng TMĐT, quảng bá du lịch trên website và sự chia sẻ thông tin, kiến thức giữa các cư dân (Jeong, Koo và Lee, 2010). Ngoài ra, những lợi ích khó có thể đong đếm được là trình độ dân trí và năng lực quản trị của địa phương được nâng cao rõ rệt.
Những kinh nghiệm đáng chú ý
Với những kết quả như trên, năm 2011, dự án INVIL đã trở thành chương trình chính sách công đầu tiên của Hàn Quốc đạt giải nhất Giải thưởng của Liên hợp quốc về Dịch vụ Công, thuộc hạng mục "Thúc đẩy sự tham gia trong hoạch định chính sách thông qua các cơ chế sáng tạo". Trường hợp thành công của INVIL có thể được đúc rút qua các kinh nghiệm như sau:
- Cộng đồng dân cư là trung tâm của các dự án phát triển. Sự tham gia tích cực của người dân là yếu tố then chốt đảm bảo sự thành công. Đối với các dự án ứng dụng CNTT&TT, cũng như chuyển đổi số, đào tạo người dân trở thành những công dân số là giải pháp tiên quyết;
- Ứng dụng CNTT&TT, chuyển đổi số không phải là các dự án đầu tư hạ tầng một lần, mà phải được liên tục duy trì, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững của dự án. Thậm chí, các tiêu chí của dự án phải được liên tục xem xét, cập nhật và thiết kế lại để nhằm phù hợp với thực tiễn của cuộc sống;
- Việc chia sẻ thông tin, kiến thức trong triển khai, không chỉ giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, mà còn trong cộng đồng dân cư cũng phải được chú trọng;
- Ứng dụng CNTT&TT, chuyển đổi số không chỉ là một giải pháp cho các vấn đề KTXH trong ngắn hạn, mà còn định hình nên một cộng đồng, một đất nước trong tương lai. Do đó, cách tiếp cận cần phải linh hoạt, vừa theo cơ chế thiết kế có hệ thống, vừa có sự phối kết hợp liên ngành, liên cơ quan, giữa địa phương với Trung ương và giữa các địa phương với nhau.
(Phần 2: Taobao Vilalages – Những ngôi làng thúc đẩy "Tăng trưởng toàn diện" ở nông thôn Trung Quốc)
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo
1. Innovation and Development Network, IDN (2012), "Information Network Village (INVIL) Project", Case Studies on Innovation and Development No. 2012-017;
2. INVIL Central Agency (2013). Information Network Village (INVIL) project guide book. Seoul, Korea: INVIL Central Agency;
3. Sora Park, Man Chul Jung, Jee Young Lee (2013), "Enabling Sustainable Broadband Adoption in Rural Areas - A Case Study of Information Network Villages in South Korea";
4. Whang, B. G. (2012). A study on performance evaluation of Information Network Village: Focusing on Information Network Villages in Gangwon-do. Journal of Korean Association for Regional Information Society, 15(4), 47-70.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11+12 tháng 9/2020)