Bộ TT&TT ra mắt chuyên mục chính sách pháp luật
Bản tin ICT - Ngày đăng : 11:43, 09/10/2020
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) của Bộ đã có những đóng góp tích cực, cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ về hoạt động quản lý Nhà nước của Bộ.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin, dịch vụ ngày càng nhiều của Bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững của ngành TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã phê duyệt Đề án "xây dụng chuyên mục chính sách pháp luật" trên cơ sở Cổng TTĐT Bộ tại địa chỉ http://cspl.mic.gov.vn.
Chuyên mục chính sách pháp luật TT&TT cung cấp thông tin một cách hệ thống về các văn bản chính sách, pháp luật trong lĩnh vực TT&TT, công tác xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực TT&TT cũng như cung cấp các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế.
Chuyên mục cũng đăng tải các nội dung hướng dẫn, thông báo tới các đơn vị trong và ngoài Bộ về việc thực hiện chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực TT&TT, tích hợp các dịch vụ và ứng dụng nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ; cung cấp, trao đổi thông tin giữa Bộ TT&TT với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân gửi đến, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đề ra, theo lộ trình phát triển Chính phủ điện tử.
Nội dung và cấu trúc chuyên mục được kế thừa toàn bộ các tính năng, ứng dụng, dữ liệu của hệ thống Cổng TTĐT của Bộ và được bổ sung thêm các yêu cầu, ứng dụng mới đáp ứng nhu cầu hiện tại và có khả năng phát triển mở rộng trong tương lai.
Phát biểu tại Lễ ra mắt chuyên mục, Thứ trưởng Bộ TT&TT đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ công chức Vụ Pháp chế đã mạnh dạn đề xuất, triển khai Chuyên mục Chính sách pháp luật TT&TT và sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin - đơn vị vận hành Cổng TTĐT, Tập đoàn VNPT.
Thứ trưởng hy vọng chuyên mục sẽ ngày càng phong phú, đa dạng về chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần tích cực trong công tác quản lý nhà nước của Bộ. Theo thời gian, Chuyên mục sẽ khẳng định rõ nét đây là kênh chính thức cung cấp thông tin về hoạt động liên quan tới chính sách, pháp luật trong lĩnh vực TT&TT; là công cụ quan trọng tiếp nhận ý kiến phản hồi, góp ý của các tổ chức, cá nhân trong công tác xây dựng và hoạch định chính sách.
Để đáp ứng những mục tiêu đề ra, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế từng bước đổi mới, hoàn thiện chuyên mục Chính sách Pháp luật hỗ trợ cho công tác xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật lĩnh vực TT&TT. Các đơn vị thường xuyên truy nhập và phổ biến pháp luật tại đơn vị của mình.
Cho biết thêm về chuyên mục, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Nhị Thủy cho biết Bộ Tư pháp đã đồng ý để chuyên mục được dẫn nguồn toàn bộ các nghiệp vụ pháp chế, cũng như toàn bộ những vấn đề khúc mắc trong thực hiện nghiệp vụ pháp chế liên quan đến xây dựng văn bản, kiểm tra, xử lý văn bản khi có vấn đề…
Đối với chính sách pháp luật TT&TT, bà Thủy cho biết Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối của Bộ TT&TT thực hiện đưa tất cả các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Bộ lên cơ sở dữ liệu (CSDL) pháp luật quốc gia, hiện chuyên mục cũng đã dẫn nguồn về chuyên mục. Hiện Vụ Pháp chế cũng đang chủ trì thực hiện phát điển toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực TT&TT với 8 đề mục, trong đó có 2 đề mục đã hoàn thiện là đề mục về báo chí, an toàn thông tin, trong năm nay Vụ cũng đang làm đề mục Tần số Vô tuyến điện, Xuất bản. Dự kiến trong năm 2021 sẽ hoàn thiện toàn bộ 8 đề mục.
5 chuyên mục chính
Chuyên mục Chính sách pháp luật TT&TT bao gồm trên 05 chuyên mục chính (Giới thiệu văn bản chính sách mới, Chính sách pháp luật, Nghiệp vụ pháp chế, Phổ biến giáo dục pháp luật, Giảm định tư pháp, và 7 mục nhỏ, bao gồm:
1. Giới thiệu văn bản chính sách mới: Chuyên mục này giới thiệu các văn bản, chính sách mới ban hành của ngành TT&TT và của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực TT&TT.
2. Chính sách pháp luật: Chuyên mục này giới thiệu các dự thảo văn bản, dự kiến các chính sách trong ngành TT&TT, hay một số định hướng lớn dự kiến triển khai trong thời gian tới.
3. Nghiệp vụ pháp chế: Trong mục này gồm 07 nghiệp vụ pháp chế gồm: kiểm tra văn bản QPPL, cải cách hành chính, xử lý vi phạm hành chính, hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, xây dựng pháp luật, pháp điển trong đó có giới thiệu các tài liệu, quy trình thực hiện.
4. Phổ biến giáo dục pháp luật: Cung cấp các tài liệu phổ biến để các cơ quan đơn vị thực hiện hoạt động tuyên truyền.
5. Giám định tư pháp: Hiện nay chuyên mục đang giới thiệu các quy định về giám định tư pháp cũng như danh sách các tổ chức giám định tại địa phương...
Ngoài ra, chuyên mục được tích hợp CSDL và hệ thống chuyên ngành như cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, CSDL về pháp điển, cổng dịch vụ công quốc gia để các cơ quan, tổ chức thực hiện.