Vụ “hack” 400 triệu trong tài khoản ngân hàng: Có nên bảo mật bằng mã OTP?
An toàn thông tin - Ngày đăng : 10:11, 07/10/2020
Hồi cuối tháng 9, dư luận trong nước từng xôn xao với thông tinmột người dùng dịch vụ ngân hàng bị lừa mất 300 triệu đồng trong tài khoản. Vào tuần trước, một vụ việc tương tự lại xảy ra, lần này, một chủ tài khoản đã bị rút mất 400 triệu đồng mà không hề hay biết.
Trong vụ việc mới đây nhất, tài khoản của nạn nhân được xác định có 4 giao dịch chuyển tiền đến các tài sản thuộc 2 ngân hàng khác nhau. Các giao dịch này được phát sinh chỉ trong vòng 7 phút. Tuy nhiên, chủ tài khoản khẳng định, bản thân không thực hiện giao dịch và cũng không biết người thụ hưởng là ai.
Theo đại diện ngân hàng, tài khoản ứng dụng ebanking của nạn nhân đã được kích hoạt trên một thiết bị khác. Đáng chú ý, trong khi nạn nhân không hề nhận được tin nhắn thông báo mã xác thực và biến động số dư, phía ngân hàng cho biết đã có 8 tin nhắn được gửi đến số điện thoại của chủ tài khoản.
Trong vụ việc trên, hiện vẫn chưa rõ lỗi thuộc về phần ai. Tuy nhiên, có một thực tế là tần suất các vụ việc tương tự xảy ra ngày một nhiều hơn. Điều này khiến không ít người cảm thấy hoang mang bởi không biết bằng cách nào, kẻ xấu đã qua mặt cả chủ tài khoản và sự kiểm soát của ngân hàng để đánh cắp số tiền lớn như vậy.
Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Nguyễn Tử Quảng - CEO công ty bảo mật Bkav cho biết, sở dĩ những vụ việc như trên xảy ra là do hacker đã khai thác lỗ hổng liên quan đến phương thức bảo mật bằng mã OTP.
Theo vị chuyên gia an ninh mạng này, có 2 cách để khai thác lỗ hổng liên quan đến mã OTP. Ở cách thứ nhất, hacker đã lừa nạn nhân nhập mã OTP vào một website giả mạo. Với cách thứ hai, chúng cài phần mềm gián điệp trên điện thoại của nạn nhân để chiếm quyền điều khiển.
Trong trường hợp này, khách hàng là người chịu thiệt bởi công nghệ bảo mật bằng mã OTP không có tính “chống chối bỏ”, tức không có đủ cơ sở để chỉ ra ai là người thực hiện giao dịch.
Ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng, vấn đề trên chỉ có thể được giải quyết nếu Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về giao dịch sử dụng Chữ ký số thay thế cho mã OTP. Quy định về chữ ký số đã có, tuy nhiên chỉ những giao dịch có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên mới bắt buộc phải sử dụng.
Để hạn chế các vụ việc như trên, ông Quảng kiến nghị cần hạ thấp hạn mức giao dịch bắt buộc phải dùng chữ ký số, tiến tới loại bỏ công nghệ SMS OTP tại các ngân hàng giống như một số nước phát triển đang áp dụng.
Về phía người dùng, khuyến cáo được đưa ra là người dùng nên cài phần mềm diệt virus trên cả website và điện thoại để ngăn chặn các phần mềm gián điệp.
Ở bài viết trước, VietNamNet cũng từng lưu ý người dùng cảnh giác với các đường link xuất phát từ những tin nhắn, email không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không được đăng nhập thông tin tài khoản ngân hàng của mình vào các trang web, ứng dụng của bên thứ 3.
Người dùng cũng cần có thói quen thay đổi mật khẩu thường xuyên, không nên sử dụng chung mật khẩu giữa các tài khoản khác nhau, đặc biệt là tài khoản ngân hàng.
Trong trường hợp tài khoản bị trừ tiền một cách đáng ngờ, người dùng cần lập tức liên hệ với ngân hàng để khóa tài khoản và tra cứu lịch sử giao dịch.