Công bố thêm 3 nền tảng mới của Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá"
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:09, 01/10/2020
Ngoài nền tảng iNhandao được sử dụng để phát động quyên góp máy tính bảng và điện thoại thông minh cũ còn sử dụng cho các em học sinh miền núi 02 tỉnh Phú Thọ và Yên Bái, 3 nền tảng số mới đã chính thức được công bố gồm: Bản đồ chung sống an toàn Covid (antoancovid.vn), Nền tảng giáo dục số (iGiaoduc.vn), Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (bktt.vn).
Phát biểu tại buổi công bố các nền tảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa không có tiền ngân sách, được thực hiện nhằm tạo nền tảng với thông điệp chia sẻ tri thức, cổ vũ sáng tạo, kết nối cộng đồng, hướng tới tương lai. Cách làm là tập hợp và kết nối nhiều bạn trẻ đưa ra các ý tưởng công nghệ. Trên cơ sở các sáng kiến, các nhà công nghệ thử nghiệm từ mô hình nhỏ, thấy khả thi mới kêu gọi các nhà tài trợ tham gia hiện thực hóa ý tưởng. Từng đề án nhỏ trong Đề án tri thức Việt số hóa được hình thành theo cách này.
Phó Thủ tướng cũng kêu gọi cộng đồng cùng tham gia đóng góp xây dựng và hoàn thiện hơn các nền tảng số. "Đây là đề án của tất cả mọi người Việt Nam, vì cộng đồng và chỉ thành công khi mọi người cùng tham gia xây dựng".
Cụ thể, 3 nền tảng mới được công bố gồm:
Bản đồ chung sống an toàn Covid (antoancovid.vn): Bảo đảm giám sát điều kiện an toàn Covid được thực hiện thường xuyên liên tục, minh bạch
Từ kinh nghiệm chống dịch Covid-19, ngoài những nỗ lực của các cơ quan chức năng thì việc chung tay chống dịch của mỗi đơn vị, mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Để cụ thể hóa việc này và ứng dụng các công nghệ số hóa, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, Bộ Y Tế cùng đề án Tri thức Việt số hóa ra mắt Bản đồ chung sống an toàn Covid: AntoanCovid.vn.
Hệ thống bao gồm các tiện ích trên nền tảng Bản đồ số Việt Nam (vmap.vn) để thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng chống dịch của các cơ sở đông người, trước mắt là trường học và cơ sở y tế.
Mỗi cơ sở sẽ sử dụng ứng dụng AntoanCovid hàng ngày và thường kỳ để bảo đảm việc giám sát điều kiện an toàn Covid được thực hiện thường xuyên liên tục và minh bạch. Bản đồ chống dịch được triển khai toàn diện sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời tạo sự yên tâm cho cộng đồng khi thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch…
Hệ thống antoancovid.vn do các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT phối hợp với công ty CP công nghệ DTT, Tổng công ty BĐVN, Công ty CP Bác sĩ bên bạn Doctor4u.vn cùng đội thông tin đáp ứng nhanh Covid-19 thực hiện và sẵn sàng triển khai tại các trường học và bệnh viện vào ngày 1/10/2020 trước khi mở rộng ra các cơ sở khác.
Hệ thống antoancovid.vn là một sản phẩm kết hợp các nền tảng của iTrithuc như vmap.vn, igiaoduc.vn là một bằng chứng sinh động về giá trị và lợi ích của hệ sinh thái iTrithuc.vn.
Nền tảng giáo dục số (iGiaoduc.vn): Nâng cao năng lực số cho giáo viên về biên soạn, xây dựng và sử dụng học liệu số hiệu quả
Đây là sản phẩm hợp tác giữa Bộ GD&ĐT, Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và các đối tác tài trợ, hỗ trợ với mục tiêu ban đầu là tạo ra một nền tảng Kho học liệu số trực tuyến nhằm thu thập, lựa chọn, chia sẻ nguồn học liệu số dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường, đặc biệt là dạy học trực tuyến.
Đồng thời, nền tảng giúp nâng cao năng lực số cho giáo viên về biên soạn, xây dựng và sử dụng học liệu số có hiệu quả, cũng như cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung.
Đến nay, Dự án đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning (do giáo viên xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hơn 36.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông.
Hệ thống cũng đã tích hợp tài khoản người dùng đặt theo mã định danh từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; đã cấp tài khoản cho hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước để tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác sử dụng. Được phát triển trên nền tảng mở, iGiaoduc khuyến khích cộng đồng, đặc biệt là các thầy, cô giáo và các em học sinh vào tham gia sử dụng và đóng góp nội dung cũng như các tài liệu học tập lên hệ thống.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Trong suốt 2 năm qua, Bộ GD&ĐT đã hợp tác chặt chẽ với Ban điều hành Đề án xây dựng, phát triển nền tảng giáo dục số iGiaoduc.vn nhằm tạo ra một nền tảng thu thập và chia sẻ Kho học liệu số dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường, đặc biệt phục vụ cho dạy – học trực tuyến và chuyển đổi số trong toàn ngành.
Kho học liệu số trực tuyến sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến của ngành giáo dục trong thời gian tới. Với những bài giảng e-learning sinh động, học sinh ở những khu vực còn khó khăn ở miền núi, hải đảo có thể được học những bài giảng trên Internet của thầy cô dạy giỏi ở thành thị, mang lại sự công bằng trong tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng của người học giữa các vùng miền trong cả nước.
Với nhiều lợi ích như đã nêu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các thày cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động và học sinh sinh viên trong toàn ngành tích cực tham gia vào Hệ tri thức Việt số hóa.
Ngành GDĐT sẽ tiếp tục đồng hành với Hệ tri thức Việt số hóa để đóng góp, làm giàu nguồn tri thức Việt và khai thác nguồn tri thức số có hiệu quả vào các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lý giáo dục, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của ngành, góp phần nâng cao chất lương, hiệu quả công tác giáo dục.
Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (bktt.vn): Tổng hợp tri thức Việt Nam và thế giới
Ngày 28/7/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1262/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 38 quyển, bao gồm đầy đủ các ngành khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa nghệ thuật, khoa học tự nhiên, KHCN và kỹ thuật, khoa học quốc phòng, ngoại giao, an ninh…
Bách khoa toàn thư Việt Nam là bộ sách tổng hợp tri thức của Việt Nam và của thế giới, được biên soạn theo một hệ thống, nhằm cung cấp tri thức cho thế hệ hôm nay và truyền lại cho các thế hệ mai sau, giúp họ tiến nhanh hơn khi có sự kế thừa những gì cha ông để lại.
Hiện nay cấu trúc vĩ mô của Bách khoa toàn thư Việt Nam đã được xác định với trên 60.000 mục từ. Cấu trúc vi mô của từng loại mục từ cũng đã được quy định rất chặt chẽ, theo các quy định của Đề án về nội dung và hình thức. Khoảng 3.000 nhà khoa học thuộc gần 70 ngành khoa học đang tham gia biên soạn.
Ban Chủ nhiệm đề án đã có Thư ngỏ mời cộng đồng các nhà khoa học ở các tổ chức khoa học và đào tạo trong và ngoài nước chung tay biên soạn các mục từ theo Bảng mục từ được đưa lên bktt.vn trên iTrithuc.vn, theo hướng dẫn của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam và của Hệ Tri thức Việt số hóa.
Bktt.vn là một dự án hợp tác giữa Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện nghiên cứu công nghệ FPT phối hợp triển khai trên nền tảng mã nguồn mở.
Mục tiêu của bktt.vn là tạo ra môi trường mà tại đó các các nhà khoa học của các tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo, tham gia biên soạn các mục từ theo lĩnh vực chuyên môn sâu của mình trong Bảng mục từ đã được Ban Chủ nhiệm Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam xác lập.
Hiện nay, nền tảng bktt.vn đã sẵn sàng để cộng đồng tham gia biên soạn các mục từ của bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam (sẽ được xuất bản trên giấy), phát triển nền tảng tri thức Việt.
Chia sẻ về dự án, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định: "Với khối lượng tri thức cùng số lượng người dùng đồ sộ trên hệ thống, việc ứng dụng công nghệ sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết thúc đẩy triển khai thành công dự án này".
Là tập đoàn công nghệ hàng đầu với khát vọng ghi dấu trí tuệ Việt trên bản đồ thế giới, ông Khoa cho biết FPT cam kết nỗ lực tận dụng sức mạnh công nghệ số, điện toán đám mây, AI, đảm bảo việc cập nhật và xử lý dữ liệu trên Hệ tri thức Việt số hóa được chính xác, nhanh chóng, dễ dàng hơn, góp phần xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng nội dung cũng như tạo thuận lợi nhất cho người dân trong việc tham gia đóng góp tri thức qua nền tảng này.