Các DN truyền hình trả tiền kiến nghị nhà nước sớm QL dịch vụ truyền hình xuyên biên giới

Phát thanh truyền hình - Ngày đăng : 10:50, 01/10/2020

Đó là ý kiến của các doanh nghiệp (DN) truyền hình trả tiền (THTT) tại Hội thảo - Giao ban về công tác quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ THTT. Đây là sự kiện thường niên hằng năm do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Hiệp hội THTT Việt Nam tổ chức ngày 25/9/2020 mới đây tại Vĩnh Phúc.

Truyền hình trả tiền phát triển mạnh mẽ

Hiện Việt Nam có 35 DN cung cấp dịch vụ THTT, cung cấp đủ 5 loại hình dịch vụ gồm: truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và truyền hình trên mạng Internet. Tính đến hết tháng 9/2020, số lượng thuê bao phát sinh cước phí hằng tháng là 13,8 triệu, trong đó có 10 triệu thuê bao truyền hình cáp, 200.000 thuê bao truyền hình mặt đất, 1 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh, 1 triệu thuê bao truyền hình Internet và khoảng 480.000 thuê bao truyền hình di động. Số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm 2019.

Các DN truyền hình trả tiền kiến nghị nhà nước sớm quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới - Ảnh 1.

Doanh thu năm 2019 của toàn thị trường THTT tại Việt Nam ước đạt 8.600 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của THTT tại Việt Nam đạt 4.400 tỷ, tăng 4,37% so với con số 4.160 tỷ đồng ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Sự phát triển của công nghệ truyền dẫn Internet băng rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều DN cung cấp dịch vụ THTT Việt Nam triển khai cung cấp thêm dịch vụ truyền hình Internet. Trong số 35 DN được cấp phép cung cấp dịch vụ trả tiền, có tới 20 DN cung cấp dịch vụ truyền hình Internet. Đây là dịch vụ giúp đáp ứng xu hướng xem truyền hình trên các thiết bị di động và xu hướng cá nhân hóa nội dung của người dùng.

Quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới

Tuy nhiên, hiện nay, trước tình trạng xâm lấn thị trường THTT ngày càng lớn của một số DN cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet xuyên biên giới (XBG), đặc biệt là Netflix, các DN THTT Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt; đồng thời đặt ra tình huống quản lý mới cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đây chính là một trong các lý do để Bộ TT&TT, từ năm 2018, đã đề xuất và trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 06/2016/NĐ-CP để quản lý dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet, nhằm tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia thị trường THTT; đồng thời điều chỉnh được đối tượng là các DN XBG.

Các DN truyền hình trả tiền kiến nghị nhà nước sớm quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới - Ảnh 2.

Hội thảo - Giao ban về công tác quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ TTTT


Tại Hội thảo - Giao ban về công tác quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ TTTT, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã chia sẻ một số nội dung mới được cập nhật, bổ sung trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP mà Bộ TT&TT đã hoàn thiện lại trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 105/VPCP-KGVX ngày 06/01/2020 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, đối với dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet, dự thảo Nghị định không quy định cứng hạn mức tỷ lệ nội dung trong nước trên kho dịch vụ; không quy định bắt buộc biên dịch nội dung nước ngoài; không quy định bắt buộc tất cả các nội dung theo yêu cầu phải do cơ quan báo chí biên tập mà phân nhóm nội dung theo yêu cầu và quy định việc thực hiện biên tập đối với từng nhóm nội dung. Trong đó, có nhóm nội dung cho phép DN được chủ động thực hiện biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ.

Về quy định cấp phép, do đã được quy định ở cấp Luật (Luật báo chí, Luật điện ảnh, Luật đầu tư), vì vậy, DN muốn cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo yêu cầu trên mạng Internet sẽ phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định đã thiết kế quy định cấp phép theo hướng đơn giản hóa, thực hiện kê khai theo biểu mẫu và cấp phép trực tuyến.

Với những điểm mới nêu trên trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, thời lượng lớn của Hội thảo - Giao ban được tập trung cho phần trao đổi, thảo luận, với hàng chục ý kiến đóng góp, phản biện.

Các DN truyền hình trả tiền kiến nghị nhà nước sớm quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH truyền hình cáp Saigontourist


Ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH truyền hình cáp Saigontourist nhấn mạnh: "Tất cả các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải được cấp phép trước khi vào Việt Nam, nội dung phải được biên tập, biên dịch trước khi cung cấp đến người dùng". Ông Úy cũng đồng thuận với các điểm mới của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP lần này, khi dự thảo đã có sự điều chỉnh, nới lỏng hơn, phân nhóm nội dung để cho DN được chủ động thực hiện hoạt động biên tập.

Đồng quan điểm với ông Trần Văn Úy, ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng giám đốc Công ty VNPT Media - Tập đoàn VNPT cũng cho rẳng: "Dự thảo sửa đổi lần này đủ độ mở cho các loại hình kinh doanh trên không gian mạng được phát triển. Dự thảo Nghị định sớm được Chính phủ ban hành sẽ tháo gỡ cho các DN cung cấp dịch vụ nội dung nói chung, DN cung cấp dịch vụ THTT nói riêng". Để đối phó với các DN cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới như Netflix, ông Tấn còn "hiến kế" cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp ngăn chặn bằng kỹ thuật, cụ thể là yêu cầu các nhà mạng viễn thông dừng cung cấp CDN cho Netflix.

Xây dựng hành lang pháp lý tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng

Dưới góc độ là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cũng đánh giá: Dự thảo Nghị định sửa đổi lần này đã có một độ mở nhất định, đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng DN. Vấn đề đặt ra của dự thảo Nghị định lần này là phải đảm bảo các yếu tố: quy định hợp lý, đúng quan điểm chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho DN về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính; vừa phải đảm bảo chủ quyền quốc gia, đồng thời bảo đảm tự do kinh doanh của DN".

Các DN truyền hình trả tiền kiến nghị nhà nước sớm quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới - Ảnh 4.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp

Ông Hải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, sau khi hết thời hạn lấy ý kiến góp ý đối với các nội dung mới được cập nhật, bổ sung, sớm hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định bổ sung. Đối với trường hợp của Netflix, ông Hải cho biết thêm, theo quy định của pháp luật về điện ảnh, phim muốn được phổ biến tại Việt Nam phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim. Việc Netflix cung cấp phim tại Việt Nam khi chưa có giấy phép phổ biến phim là đang vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Chưa kể, nhiều phim trên dịch vụ này có nhiều nội dung vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam. Cần phải có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo - Giao ban, ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam đã thể hiện sự trân trọng, khâm phục trước công sức của Bộ TT&TT, Ban soạn thảo khi xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP. Ông Nhiêm cho rằng, Nghị định vô cùng cần thiết và cấp bách vì chi phối ngành truyền hình nói chung, lĩnh vực THTT Việt Nam nói riêng. Ông Nhiêm kiến nghị, cần phải xử lý ngay Netflix và một số DN phát hành xuyên biên giới tại Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội, có 33 bộ phim của Netflix phát hành tại Việt Nam có nội dung vô đạo đức, độc hại và tàn nhẫn. Hiệp hội đã thống kê đầy đủ và đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng (Bộ TT&TT, Bộ VHTTDL) kiến nghị xử lý.

Ngoài việc tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, các DN cung cấp dịch vụ THTT cũng bày tỏ sự ghi nhận đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số quy định để tháo gỡ khó khăn cho DN như: Tiếp tục duy trì dịch vụ truyền hình cáp tương tự; việc ứng dụng công nghệ DVB-T2 trong mạng cáp để tạo thuận lợi cho DN truyền hình cáp thực hiện chuyển đổi số. Liên quan đến đề xuất miễn, giảm phí quyển cung cấp dịch vụ THTT, các DN cũng hy vọng, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 307/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 để các DN có thể giảm bớt phần nào khó khăn.

Các DN truyền hình trả tiền kiến nghị nhà nước sớm quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới - Ảnh 6.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT


Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT cho rẳng: "Lĩnh vực PTTH là lĩnh vực có tác động đến tư tưởng, đạo đức, văn hóa, lối sống của người dân; có liên quan đến nhiệm vụ bảo tồn các giá trị truyền thống, giá trị văn hóa của Việt Nam, nhiệm vụ bảo vệ đặc điểm, chế độ chính trị của Việt Nam. Vì vậy, việc quản lý nội dung cung cấp trên dịch vụ PTTH, trong đó bao gồm dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet vừa phải bảo đảm tuân thủ theo các quy định pháp luật về báo chí, điện ảnh, vừa phải bảo đảm thực hiện theo các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng".

Kênh chương trình hay nội dung theo yêu cầu, về bản chất nội dung là giống nhau, chỉ khác nhau ở phương thức đóng gói để cung cấp đến người xem. Vì vậy, việc biên tập, kiểm soát nội dung kênh chương trình và nội dung theo yêu cầu đều phải được quản lý đồng bộ, thống nhất: Nội dung phải được biên tập (tiền kiểm) trước khi cung cấp đến người xem. Tiêu chí biên tập chương trình trên kênh và biên tập nội dung theo yêu cầu là như nhau.

Với tinh thần tiếp thu các kiến nghị của cộng đồng DN trong và ngoài nước về các giải pháp quản lý dịch vụ PTTH theo hướng hiện đại, phù hợp xu thế và thông lệ quốc tế, thúc đẩy các DN cung cấp dịch vụ PTTH phát triển, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, dự thảo Nghị định đã có những quy định mở, nới lỏng hơn, phân nhóm nội dung để cho DN được chủ động thực hiện hoạt động biên tập. Tuy nhiên, khi DN được chủ động thực hiện hoạt động biên tập, đòi hỏi DN phải nâng cao nhận thức pháp luật để bảo đảm tránh gặp rủi ro đối với dịch vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Đồng thời, để đảm bảo được quản lý về nội dung, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải triển khai nhiều biện pháp quản lý và bổ sung thêm nguồn lực cho công tác hậu kiểm.

Ông Phúc khẳng định, trên cơ sở ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, Cục PTTH & TTĐT sẽ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Bộ TT&TT lấy ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 10/2020.

Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang khẩn trương cụ thể hóa thành các hành động cụ thể để giữ ổn định thị trường dịch vụ THTT trong nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước và trên hết là ngăn chặn hiệu quả nội dung truyền hình vi phạm pháp luật cung cấp đến người sử dụng tại Việt Nam./.

TH