Cơ hội và thách thức với xuất bản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế

Truyền thông - Ngày đăng : 10:03, 01/10/2020

Tích cực và chủ động trong hội nhập quốc tế đòi hỏi ngành xuất bản phải đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của quá trình này, hay nói cách khác, cơ hội và thách thức mà nó đem lại cho ngành xuất bản Việt Nam, đồng thời, trên cơ sở đó có một số biện pháp thích hợp để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Hội nhập quốc tế là một quá trình tự nhiên. Việc chúng ta chủ động, tích cực trong hội nhập quốc tế không có ảnh hưởng tiêu cực gì tới độc lập, tự chủ, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, sẽ có nhiều khó khăn, phức tạp trong hợp tác, hội nhập, đặc biệt trong lĩnh vực xuất bản với tư cách là một hoạt động đặc thù của lĩnh vực văn hóa - tư tưởng và một hoạt động kinh tế.

Tích cực và chủ động trong hội nhập quốc tế đòi hỏi ngành xuất bản phải đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của quá trình này, hay nói cách khác, cơ hội và thách thức mà nó đem lại cho ngành xuất bản Việt Nam, đồng thời, trên cơ sở đó có một số biện pháp thích hợp để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Độc giả có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị hiếu đọc

Hội nhập quốc tế và sự phát triển phương thức xuất bản trên mạng hoặc bằng các phương thức công nghệ - thông tin hiện đại khác có tác động không nhỏ trong việc làm biến đổi con người Việt Nam. Nhờ công nghệ thông tin - truyền thông nói chung và xuất bản trên mạng nói riêng mà con người Việt Nam đang được mang một chiếu cạnh mới, có thể được gọi là "lối sống mạng" và "văn hóa mạng". Lối sống mạng và văn hóa mạng giúp Việt Nam nhập với thế giới, từ đó tận dụng được mọi cơ hội quốc tế để phát triển.

Cơ hội và thách thức với xuất bản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế - Ảnh 1.

Phong phú sách ngoại văn, đáp ứng nhu cầu của độc giả

Mạng internet góp phần tạo ra rất nhiều sản phẩm mới đa dạng, phong phú phục vụ cho một loại hình văn hóa đọc mang tính thời đại. Độc giả Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu đọc của mình, thỏa mãn nhu cầu đọc của tất cả mọi người. Nó giúp thúc đẩy giao lưu, trao đổi giữa Việt Nam và các nước khác về mặt văn hóa, góp phần nâng cao dân trí và cập nhật nhanh nhất kiến thức mới của nhân loại.

Do tiếp xúc với các nền văn hóa khác, các tác giả Việt Nam cũng phải nâng mình lên để viết ra các tác phẩm không những cuốn hút bạn đọc trong nước mà còn có sức hấp dẫn với bạn đọc quốc tế, góp phần làm cho dân tộc Việt Nam xích lại gần các dân tộc khác, hiểu biết lẫn nhau tốt hơn.

Thách thức đối với xuất bản Việt Nam

Như chúng ta đã biết, sự truyền bá văn hóa - thông qua phim ảnh và xuất bản phẩm - nhằm tác động lên các xã hội bên ngoài là một vũ khí lợi hại. Nó có hiệu ứng trực tiếp hoặc gián tiếp mà nhiều khi đối tượng bị tác động không thể nhận ra được. Hiệu ứng gián tiếp nằm trong hiệu ứng tổng thể của hoạt động truyền bá văn hóa sẽ có tính chất "mưa dầm thấm lâu". Cuối cùng, nó sẽ tạo ra mối thiện cảm văn hóa kiểu này rồi dẫn đến "ưa chuộng hàng hóa, sản phẩm" của nước đó. Những hậu quả tiêu cực lâu dài và khó nhận thấy hơn là nó sẽ dần dần dẫn đến việc thay đổi tư duy, tâm lý, thị hiếu của xã hội Việt Nam - mà không phải lúc nào cũng theo chiều hướng tích cực để rồi dần dần, đưa những hệ giá trị khác vào thay thế cho hệ giá trị mà chúng ta vẫn đang theo đuổi.

Về mục đích chính trị thì chúng ta thấy có sự gắn bó mật thiết giữa chính trị và văn hóa, vì giá trị cao nhất của chính trị là dựa trên giá trị văn hóa. Chúng phản ánh niềm tin, lý tưởng, đạo đức, nền tảng tinh thần, hệ giá trị, lối tư duy của cả một xã hội. Do đó, truyền bá văn hóa cũng có nghĩa là truyền bá chính trị. Vì thế, các nước có tiềm lực mạnh đều muốn thông qua truyền bá văn hóa - mà sách là một sản phẩm văn hóa cụ thể - để nâng cao uy tín, vị thế của mình trên vũ đài chính trị thế giới.

Cơ hội và thách thức với xuất bản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế - Ảnh 2.

Tràn ngập sách dịch trên thị trường Việt Nam

Quá trình này sẽ dẫn đến hiện tượng "hội nhập trên cơ sở bất bình đẳng" - các nước có tiềm lực yếu hơn sẽ là đối tượng bị "xâm lăng" về mặt văn hóa. Một thực tế dễ nhận ra là, trong những năm qua, việc xuất sách báo của Việt Nam hoặc bán bản quyền dịch các tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài chưa được bao nhiêu, trong khi thị trường trong nước tràn ngập sách dịch hoặc sách bằng tiếng nước ngoài của các nước khác. Tỷ lệ giữa nhập khẩu và xuất khẩu xuất bản phẩm còn chênh lệch rất lớn (nhập 70 % và xuất 30 %).

Có những nhà xuất bản ở Việt Nam số lượng sách dịch của nước ngoài chiếm hầu như toàn bộ kế hoạch xuất bản, hoặc chiếm một tỷ lệ áp đảo. Một số tác phẩm dịch của nước ngoài được quảng bá, khuếch trương rầm rộ như là một "best - seller" của cả thế giới trong khi ở ngay quê hương của chúng, chưa chắc chúng được ca ngợi đến như vậy.

Các nhà xuất bản với nỗ lực đổi mới và tiếp cận công nghệ xuất bản hiện đại thì hội nhập quốc tế cũng tạo ra cạnh tranh thị trường dữ dội mà lợi thế vẫn thuộc về các nền xuất bản có tiềm lực mạnh, hay được chính phủ hỗ trợ tích cực.

Khi một nền xuất bản mạnh, có những nhà xuất bản đủ tiềm năng đầu tư vào sáng tác và xuất bản các bộ sách có sức hấp dẫn, hoặc không hấp dẫn lắm nhưng lại được công nghệ quảng cáo - tiếp thị "lăng xê" thành sách hay - thì họ sẽ rất dễ dàng chiếm được thị phần không những trong nước và vươn ra thị trường quốc tế, nhất là những thị trường còn đầy tiềm năng, chưa được khai phá nhiều, lại hay vọng ngoại như thị trường Việt Nam.

Một vấn đề đang khá nan giải đối với ngành xuất bản Việt Nam là tệ nạn xâm hại bản quyền. Thời gian cung ứng hàng của sách in lậu cũng nhanh chóng hơn sách gốc nhập khẩu, bởi được in tại địa phương nên những tổ chức làm sách lậu có thể cung ứng một số lượng lớn sách trong khoảng thời gian ngắn, trong khi các nhà nhập khẩu sách chân chính thì cần ít nhất một tháng mới có thể nhập sách về từ các nước châu Á và hai tháng nếu sách nằm ở Anh, Mỹ, Úc... đây thực sự là một thử thách lớn cho thị trường sách ngoại văn hợp pháp.

Nguy hiểm hơn, có một số sách vi phạm bản quyền bị thêm bớt nội dung, hình ảnh tùy tiện, thậm chí dịch sai, ảnh hưởng đến tác phẩm, mà vẫn tung ra thị trường để thu lợi nhuận trong thời điểm nóng. Những đối tượng vi phạm này có thái độ thách thức pháp luật và làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Do bị vi phạm bản quyền, một số các nhà xuất bản lớn tại Mỹ, Anh rất lo ngại khi một số cá nhân hoặc tổ chức đề nghị mua bản quyền sách của những đơn vị này để in ấn và xuất bản tại Việt Nam.

Có thể nói, tình trạng ấn phẩm nói chung và ấn phẩm nước ngoài bị vi phạm bản quyền hiện nay đã đến mức cần đến hồi chuông cảnh báo. Vì hầu như sách của nhà xuất bản nước ngoài nào đang có văn phòng đại diện tại Việt Nam cũng đều bị in lậu, bị photocopy - những bộ sách mà tác giả, nhà xuất bản nhiều khi phải tốn công sức lẫn tri tuệ trong nhiều năm.

Một khía cạnh rất đáng quan tâm là hội nhập quốc tế trong vực xuất bản có tác động rất lớn đến giới trẻ. Đó là đối tượng độc giả đọc sách đông đảo nhất trong xã hội và rất nhạy cảm trong quá trình tiếp xúc cái mới từ văn hóa ngoại lai. Họ là chủ thể luôn thể hiện tính hai mặt tích cực và tiêu cực nhanh nhất, rõ nét nhất trong quá trình tiếp nhận văn hóa ngoại lai.

Do vậy, nên giúp giới trẻ tiếp thu được những yếu tố tích cực thì sẽ hạn chế được rất nhiều xu hướng tiêu cực như sa sút về phẩm chất đạo đức, chạy theo giá trị vật chất đơn thuần, sùng bái hàng ngoại, lối sống ngoại. Xét ở khía cạnh này, xuất bản phẩm tốt xuất hiện trong quá trình hội nhập quốc tế sẽ là nguồn sức mạnh để bồi dưỡng tinh thần, đạo đức cho giới trẻ, giáo dục họ biết nhận ra và tiếp thu những cái mới, tiến bộ để làm lợi cho bản thân, cho xã hội và biết phòng tránh những luồng tư tưởng độc hại.

T.H