Đà Nẵng đang thu hút nhiều doanh nghiệp ICT Nhật Bản
Diễn đàn - Ngày đăng : 09:31, 01/10/2020
Tại Hội nghị trực tuyến Xúc tiến đầu tư ICT Nhật Bản vào Đà Nẵng ngày 30/9/2020 được UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức, ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại (JETRO) tại Hà Nội cho biết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Việt Nam vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP dương trong khoảng 1,8 - 2,8%. Trong khi các nước xung quanh tăng trưởng âm. Dự báo đến năm 2021 các nước đều hồi phục, Việt Nam sẽ hồi phục nhanh chóng hơn và nhận được sự quan tâm lớn của các nước.
Để thúc đẩy, hỗ trợ DN Nhật đầu tư tại Việt Nam, ông Nakajima Takeo cho biết thời gian vừa qua, JETRO cùng với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành khảo sát đối với các DN Nhật Bản về các nội dung liên quan để duy trì việc phát triển và đầu tư. Theo đó, các DN Nhật Bản đã áp dụng nhiều giải pháp trong đại dịch. Nhiều DN Nhật Bản cho biết đã thực hiện các điện đàm trực tuyến, thúc đẩy thương mại điện tử để bán hàng, lưu thông phân phối theo hướng hiệu quả hơn, tiết kiệm nguồn nhân lực, tự động hoá, thu hẹp diện tích văn phòng để tiết kiệm hơn nữa. Cũng theo khảo sát, nhiều DN Nhật Bản vẫn đầu tư sang Việt Nam, tỷ lệ là khoảng 10% DN.
Trưởng đại diện của JETRO cũng chia sẻ một số dự án hợp tác kinh doanh thành công giữa DN Nhật Bản và Việt Nam trên nền tảng chuyển đổi số với những kết quả rõ rệt như dự án nông nghiệp thông minh giữa công ty thương mại tổng hợp Sojitz, Nhật Bản và DN startup nông nghiệp thông minh Rynan, Việt Nam. Vào tháng 2/2020, Sojitz góp vốn vào công ty Rynan, công ty hoạt động trên nền tảng số, ngoài phát triển phần mềm quản lý trồng trọt thông qua ứng dụng điện thoại thông minh, công ty còn có thế mạnh về sản xuất các thiết bị IoT như công-tơ-mét đo nước thông minh, cảm biến phát hiện nước bị rò rỉ…
Sojitz khai thác mạng lưới kinh doanh của mình ở Việt Nam và nước ngoài, hướng tới mở rộng các dự án nông nghiệp trên nền tảng số kết hợp kinh doanh vật tư nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử với dịch vụ nông nghiệp thông minh sử dụng thiết bị IoT.
Dự án hợp tác thành công tiếp theo là hợp tác giữa Công ty kinh doanh vận tải xe khách Willer với Công ty kinh doanh vận tải taxi Mai Linh thông qua dự án dịch vụ đặt xe qua di động (MaaS). Hai công ty đã thống nhất thành lập công ty liên doanh Mai Linh Willer vào năm 2017. Liên doanh này đã bắt đầu dịch vụ đặt chỗ taxi trước qua app (iMWiRiDE) vào tháng 6/2019. Liên doanh hướng đến nâng cao hiệu suất điều hành xe sử dụng dịch vụ và dữ liệu chất lượng Nhật Bản. Liên doanh đang đưa vào áp dụng dịch vụ xác nhận trước cước vận tải (pilot license) bằng hợp đồng điện tử đa ngôn ngữ (Nhật, Anh, Việt).
Dự án hợp tác điển hình thứ 3 là dự án số hóa hạ tầng điện lực giữa công ty thiết bị điện Toko Takaoka với Công ty ATS. Toko Takaoka đã mua 25% cổ phần của ATS vào tháng 6/2019. ATS là DN có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực hệ thống giám sát và điều khiển trạm biến áp trong hệ thống điện tại Việt Nam. ATS đạt năng lực kỹ thuật phát triển theo tiêu chuẩn của Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC).
Xác định lĩnh vực điện lưới số (Digital grid) là lĩnh vực mới tăng trưởng, DN này đang hướng tới phát triển các công nghệ như trạm biến áp số, tự đồng hóa truyền tải điện nhằm hướng tới hợp tác nghiên cứu phát triển lĩnh vực mới như dữ liệu lớn, AI.
Dự án phát triển đô thị thông minh giữa tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn BRG của Việt Nam là một dự án điển hình cho hợp tác giữa 2 DN Nhật - Việt. Sumitomo và BRG thành lập liên doanh và bắt đầu phát triển đô thị thông minh tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Tổng vốn đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD. Dự án được phát triển qua 5 giai đoạn cho đến năm 2028. Giai đoạn 1 phát triển nhà ở (73 ha) đang được triển khai để có thể mở bán vào năm 2022. Với ý tưởng áp dụng công nghệ thông minh trong 6 lĩnh vực, thông qua việc áp dụng các công nghệ như 5G, nhận diện khuôn mặt, công nghệ blockchain… dự án hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị thông minh.
Để tiếp tục thu hút đầu tư trong lĩnh vực ICT vào Đà Nẵng, tại Hội nghị, ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng có ưu đãi với DN đầu tư vào khu công viên, công nghệ cao về giá thuê đất, giảm thuế như giảm thuế thu nhập DN. Đà Nẵng cũng có những ưu đãi cho DN đầu tư vào chuyển đổi số.
Các DN đầu tư ICT sẽ được giảm giá thuê đất, khoảng 30% so với các lĩnh vực đầu tư khác. Ngoài ra, trong quá trình đầu tư DN sẽ có rất nhiều hỗ trợ, như được truy cập CSDL của thành phố để sử dụng các cơ hội đầu tư, hỗ trợ về hạ tầng để DN có thể phát huy trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Giải các bài toán của DN Nhật Bản
Đại diện cho các DN Nhật đầu tư tại Việt Nam, ông Matsunaga Masahico, Tổng giám đốc Công ty Monstar Lab cho biết công ty của ông đã đầu tư sang 13 nước, có 23 cơ sở kinh doanh ngoài nước. Công ty có 1300 nhân viên, trong đó có tới 500 nhân viên tại Việt Nam. Việt Nam là quốc gia quan trọng trong hoạt động của Tập đoàn.
Là DN Nhật đầu tư tại Hà Nội 16 năm và tại Đà Nẵng 6 năm, ông Matsunaga Masahico cho biết Việt Nam đã có những chính sách ưu đãi đặt biệt như chính sách thuế. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đã Nẵng đều triển khai các ưu đãi này. DN CNTT Nhật Bản tập trung nhiều ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đà Nẵng còn nhiều dư địa để tăng trưởng và phát triển.
Về nhân lực, kỹ sư CNTT Nhật Bản sẽ giảm do dân số già hoá, nên cần tuyển nhân lực trẻ, nhiệt huyết, do đó, Đà Nẵng cần nỗ lực phát triển nhân lực.
Trước vấn đề này, ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng có 38 cơ sở đào tạo nhân lực CNTT, 20 trường chuyên ngành, 18 trường nghề về CNTT, đáp ứng 4000 nhân lực CNTT mỗi năm. Đội ngũ này sẽ gánh vác trọng trách phát triển ngành ICT thành phố.
Trong vài năm gần đây, nền kinh tế số, giao dịch điện tử, bao gồm ICT ngày càng phát triển, Đà Nẵng sẽ nỗ lực thu hút nhân lực ICT đến với Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn có các chương trình đào tạo khoa học công nghệ tại các trường, thúc đẩy R&D, liên kết DN đào tạo. Đà Nẵng cũng thúc đẩy đào tạo liên kết giữa các trường và DN. Các trường trên địa bàn đang nỗ lực đào tạo nhân lực nói tiếng Nhật, ngoài ra Đà Nẵng còn đưa hợp phần đào tạo tiếng Nhật vào các trường và trường nghề.
Trao đổi về giải bài toán nhân lực CNTT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho rằng các DN Nhật Bản không nên lo ngại. Ngoài Đà Nẵng, các địa phương thu hút đầu tư lớn cũng tập trung đào tạo nhân lực CNTT. Học viện công nghệ BCVT hàng năm xét tuyển sinh khoảng 5000 sinh viên vào học mà phần lớn sinh viên theo học ngành công nghệ. Các DN Nhật cần nhìn vào nguồn nhân lực chung của cả Việt Nam.
Thứ trưởng cũng cho biết người Việt Nam rất yên tâm làm việc với DN Nhật Bản. DN Nhật cũng cần quan tâm đến chế độ chính sách cho người lao động để có cơ chế chính sách tương đồng giữa các DN Nhật Bản, giảm chênh lệch để nhân viên đỡ nhảy việc.
Để đầu tư đạt hiệu quả, đào tạo tiếng Nhật là vấn đề được nhiều DN Nhật Bản quan tâm. Thứ trưởng cho biết người lao động cũng phải quan tâm đến tiếng Nhật. Chính phủ Việt Nam và các trường đại học cũng đang định hướng đào tạo tiếng Nhật. Ngoài nỗ lực của Chính phủ, các DN Nhật Bản có thể đặt hàng đối với sinh viên vào học tiếng Nhật. Việc này cũng là điều kiện tốt để quảng bá DN Nhật và định hướng ngay từ đầu cho sinh viên. "Chúng tôi khẳng định với địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách cởi mở, người dân Đà Nẵng trách nhiệm với công việc là những lợi thế để các DN Nhật Bản quan tâm".
Tiếp theo vấn đề nhân lực, một chút băn khoăn nữa được ông Matsunaga Masahico đề cập là đường truyền đi nước ngoài chưa ổn định, cần đường truyền mạnh hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư.
Về tổng thể, ông Matsunaga Masahico khẳng định: Đà Nẵng cũng có nhiều lợi thế để các DN Nhật Bản quan tâm đến đầu tư. Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi với biển, sông, núi, không khí trong lành, nhiều khu nghỉ dưỡng, giải trí, tiền thuê nhà thấp,… là miền đất dễ sống.