Phát hành đặc biệt bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tố Hữu

Diễn đàn - Ngày đăng : 12:23, 28/09/2020

Năm 2020, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, Bộ TT&TT phát hành bộ tem "Kỷ niệm 100 năm sinh Tố Hữu (1920 - 2002)". Bộ tem sẽ được tổ chức phát hành đặc biệt vào ngày 02/10/2020 tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phát hành đặc biệt bộ tem kỷ niệm 100 năm sinh Tố Hữu - Ảnh 1.

Bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Tố Hữu (1920 - 2002)”

Nhà thơ Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh ngày 04/10/1920 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là nhà thơ lớn có công khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng Việt Nam. Ở Tố Hữu có sự hài hòa giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Thơ Tố Hữu là thơ mới, hiện đại, sâu sắc, tập trung chuyển tải những tình cảm lớn của nhân dân trong suốt hành trình lịch sử của Đảng và của dân tộc Việt Nam.

Ông còn là nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước, ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.

Là nhà chính khách, người cộng sản kiên trung

Tố Hữu tham gia cách mạng từ rất sớm. Khi còn là học sinh ông đã hoạt động sôi nổi các phong trào cách mạng tại Thừa Thiên Huế. Năm 1938 khi mới 18 tuổi, ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này chính là bước ngoặt đánh dấu cuộc đời của ông. Từ một cậu thanh niên bình thường trở thành một người chiến sĩ cách mạng - Chặng đường hoạt động sôi nổi của người cộng sản trung kiên bắt đầu "Từ ấy".

Là một người kiên định, tài năng và yêu nước, Tố Hữu đã đảm nhận qua rất nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính phủ Việt Nam như: Thứ Trưởng Bộ Tuyên truyền; Phó Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng; Bí thư Ban chấp hành Trung ương …

Nhà thơ cách mạng và trữ tình

Thơ Tố Hữu mang tính thời sự rất cao, thơ ông gắn liền với từng biến động của đất nước, phản ánh kịp thời những sự kiện chính trị trọng đại.

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim"

Cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Giây phút Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình lịch sử, cả đất trời như cùng dõi theo. Kể từ ngày hôm ấy, trên bản đồ thế giới không còn là nước thuộc địa An Nam nữa, mà là một quốc gia độc lập, tự do, người dân Việt Nam được làm chủ vận mệnh cuộc đời mình. Tố Hữu đã ghi lại vô cùng chân thật và xúc động sự kiện trọng đại đó.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, tháng 10/1954, Trung ương, Chính phủ và Bác Hồ rời chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ Đô. Trong giây phút chia tay quyến luyến ân tình giữa người đi và kẻ ở, Tố Hữu đã tái hiện đầy cảm xúc trong bài thơ "Việt Bắc":

"Ta về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng…"

"Toàn thắng về ta" bài thơ kết thúc cho cuộc hành trình kháng chiến trường kỳ chống Đế quốc Mỹ, kể từ nay nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, non sông thu về một dải, toàn vẹn lãnh thổ vĩnh viễn trường tồn.

"Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng

Trào vui nước mắt cứ rưng rưng

Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy

Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng".

Thơ Tố Hữu hội tụ tinh túy nhất của thể thơ truyền thống lục bát, ông sử dụng nhuần nhuyễn các câu ca dao, câu vè vào những bài thơ mang nặng tính sử thi. Hình ảnh trong thơ của ông cũng rất mộc mạc, gần gũi và chân thực. Mặc dù là một chiến sĩ Cộng Sản, sáng tác thơ để phục vụ cách mạng, nhưng cảm hứng lãng mạn, nhẹ nhàng giúp thơ của ông không bị khô khan, cứng nhắc mà truyền cảm hơn, dễ đi vào lòng công chúng hơn.

Bài thơ "Việt Bắc" là những hình ảnh vô cùng nên thơ của núi rừng Tây Bắc, là lối xưng hô mình ta ân nghĩa, thủy chung, là những tình cảm nhớ thương, bịn rịn giữa người đi và kẻ ở.

"...Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung."

Ở Tố Hữu, còn sâu nặng tình yêu thương dành cho gia đình, cho cố đô Huế nơi mà ông sinh ra. Ông nhớ Huế, nhớ điệu hò Nam ai Nam bình da diết, nhớ thương người mẹ tảo tần nơi quê nhà với những hình ảnh vô cùng xúc động trong bài thơ "Bầm ơi":

"Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều

Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!

Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm"

Tố Hữu là vậy, là nhà thơ của nhân dân nên hầu hết sáng tác của ông đều phục vụ cho cách mạng, cho đất nước và cho nhân dân.

Bộ tem được phát hành khắc họa chân dung nhà thơ Tố Hữu được vẽ bằng màu nước, lột tả thần thái một nhà thơ lớn của đất nước. Trên nền tem thể hiện phong cảnh thiên nhiên đặc trưng quê hương ông - huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế với những con thuyền lướt sóng trên sông lúc bình minh. Bên cạnh là các tập thơ tiêu biểu của ông như: "Từ ấy", "Ra trận", "Máu và Hoa", "Việt Bắc", "Gió lộng". Tất cả tôn vinh sự nghiệp thơ ca Cách mạng của nhà thơ Tố Hữu.

Bộ tem gồm 1 mẫu tem, được thiết kế tràn lề, có khuôn khổ 43 x 32 mm do họa sĩ Tô Minh Trang - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế. Bộ tem được cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 02/10/2020 đến ngày 30/06/2022.

Hoàng Linh